Lời Tòa soạn:
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 khóa 12 về “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cơ bản bố trí bí thư cấp tỉnh không là người địa phương.
Đến nay, số bí thư cấp tỉnh không là người địa phương ngày càng nhiều, được lựa chọn kỹ lưỡng và chất lượng. Việc này đã mang đến luồng gió mới, góp phần đổi mới và tạo nhiều chuyển biến cho địa phương.
Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương hiện nay có “bóng dáng” đậm nét của nhiều bí thư tỉnh ủy không là người địa phương. Đồng thời, nhiều cán bộ qua luân chuyển về địa phương đã trưởng thành và trở về giữ chức vụ quan trọng ở Trung ương.
Qua các cuộc gặp gỡ, trò chuyện với một số bí thư tỉnh ủy được luân chuyển thời gian qua, VietNamNet khái quát lại kết quả bước đầu trong triển khai, thực hiện chủ trương “bí thư không là người địa phương”.
“Thái Bình đón tôi như mối lương duyên định mệnh. Trao cho tôi một tình yêu mà ở đó khó khăn cũng không ít nhưng thuận lợi cũng nhiều”, ông Ngô Đông Hải chia sẻ với VietNamNet câu chuyện của một Bí thư Tỉnh ủy không là người địa phương.
Ông Ngô Đông Hải sinh ngày 25/10/1970; quê xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Điện tử-Viễn thông, Cử nhân Kinh tế.
Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11 (dự khuyết), 12 (dự khuyết), 13; Đại biểu Quốc hội khóa 15, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.
Khi đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định, ông được luân chuyển ra Trung ương làm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương từ tháng 3/2016.
Ngày 28/9/2018, Bộ Chính trị luân chuyển, chỉ định ông giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình.
Tháng 6/2020, ông được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình giới thiệu và Bộ Chính trị chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Tháng 10/2020, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình khóa 20, ông được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu làm Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Cũng như nhiều Bí thư Tỉnh ủy không là người địa phương khác, một cán bộ ở xa về ban đầu chưa thể hiểu hết đất, hết người và cả những tồn tại đang bám rễ, đan xen của địa phương. Điều đó đòi hỏi ông Ngô Đông Hải hay bất cứ nhân sự nào về Thái Bình lúc đó đều phải đủ bản lĩnh để đảm nhận sứ mệnh mới, vượt qua mọi trở ngại bằng trách nhiệm, sự tâm huyết và chính năng lực của bản thân.
Để giúp tỉnh Thái Bình chuyển mình, thu hút đầu tư, thoát khỏi trì trệ, vươn lên thành vùng công nghiệp mới của khu vực Đồng bằng sông Hồng đòi hỏi ở người đứng đầu cấp ủy của tỉnh một cuộc “lột xác” trong công tác lãnh đạo, điều hành.
Sự trông chờ đó, qua 5 năm đã được đền đáp. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình và các cấp ủy đảng đã tạo ra sự thay da đổi thịt trên quê hương “5 tấn”. Thái Bình từ vùng đất thuần nông đã trở thành nơi có chính sách thu hút đầu tư công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao hấp dẫn, cạnh tranh trực tiếp với các địa phương lớn lân cận trong khu vực như Hải Phòng, Hải Dương…
Những nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã biến thành chương trình hành động cụ thể bởi các chính sách đúng đắn, quyết liệt với làn gió mới. Thái Bình đã cởi “chiếc áo cũ mang tên thuần nông”, khoác lên trên mình sắc phục đa dạng thể hiện được sự thích ứng, hiện đại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu.
Điều này được thể hiện rõ qua việc các nhà đầu tư lớn thành công ở Hải Phòng và Hải Dương đã chuyển dịch sang Thái Bình đầu tư mở rộng, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 20, Thái Bình khởi động tham vọng làm khu công nghiệp lớn nhất từ trước tới nay.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải kể, lúc đó, dư luận đặt nhiều nghi vấn về tính khả thi của khát vọng này. Từ một tỉnh thuần nông, kinh tế manh mún, hạ tầng giao thông hạn hẹp, Thái Bình muốn cạnh tranh với các tỉnh, thành lân cận đã phát triển lâu như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên là điều dễ bị cho là “nổ”, là hô khẩu hiệu.
“Vượt lên trên sự nghi ngại, tập thể Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã xem đây là động lực để vượt qua các áp lực, khó khăn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã định hướng rất cụ thể để biến giấc mơ xây dựng tỉnh phát triển công nghiệp của khu vực Đồng bằng sông Hồng”, ông Ngô Đông Hải nhớ lại.
Trong từng giai đoạn, Thái Bình đề ra các kế hoạch chi tiết để hướng tới mục tiêu tổng quát. Việc đề ra, địa phương nỗ lực thực hiện bằng được và tạo ra các kết quả cụ thể.
Lần từng bước cẩn trọng, kiên trì, mạnh mẽ trên con đường khó đang chọn, tỉnh Thái Bình đã chạm tới khát vọng của mình. Dẫn chứng, sau 2 năm đi vào hoạt động, Khu công nghiệp Liên Hà Thái (nằm trên địa bàn huyện Thái Thụy) thu hút được 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 1 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI), với tổng vốn đầu tư 754 triệu USD, quy mô mặt bằng gần 600 ha.
Theo lãnh đạo Khu công nghiệp Liên Hà Thái, đơn vị đã đạt 98% mặt bằng sạch trên tổng diện tích đất phải thu hồi, tạo nên kỳ tích giải phóng mặt bằng của một dự án công nghiệp lớn chưa từng có ở Thái Bình. Kỳ tích này có được là nhờ sự quyết liệt của những người đứng đầu Đảng bộ và chính quyền tỉnh.
Bí thư Thái Bình chia sẻ tin vui, hiện nay, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN Hải Long, KCN VSIP Thái Bình; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện LNG và các thủ tục thành lập Khu công nghiệp Dược - Sinh học...
Theo ông Ngô Đông Hải, để biến giấc mơ thành hiện thực là cả một chặng đường dài, không thể hoàn tất trong một nhiệm kỳ 5 năm ngắn ngủi.
“Thái Bình đang tận dụng từng thời khắc, từng cơ hội và sự ủng hộ của Trung ương, nhân dân trong tỉnh để thực hiện chủ trương lớn sớm ngày nào thì người Thái Bình sẽ chạm tay vào ước mơ, khát vọng sớm ngày đó”, ông Hải kỳ vọng.
Đến thời điểm này, Thái Bình đã có sự thay đổi lớn lao về tư duy phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, đã khơi dậy mạnh mẽ được giá trị vốn có của tỉnh.
Nhờ chiến lược rõ ràng, chỉ trong hơn 2 năm, bắt đầu từ khâu giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, xây dựng đội ngũ cán bộ,… Thái Bình đã thu hút hơn 1,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Đây là một điều thần kỳ, một kết quả chưa từng có trong lịch sử phát triển kinh tế của địa phương.
Để làm được điều này không thể thiếu sự “chèo lái” vững vàng, khéo léo của Bí thư Tỉnh ủy, trước hết là trong công tác tổ chức bộ máy, bởi công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”.
Vì vậy, ngay từ khi mới về, ông Ngô Đông Hải đã đặc biệt quan tâm đến công tác này.
“Tôi may mắn được các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là các cán bộ lão thành cách mạng ở đây ủng hộ, cổ vũ trong việc bố trí, sắp xếp lại nhân sự cho nhiệm kỳ mới”, Bí thư Thái Bình chia sẻ.
Ông cũng nhìn nhận, thời gian đầu làm việc này khá vất vả nhưng cho đến nay thì có thể được xem là “có được quả ngọt”.
Muốn đạt được kết quả, theo ông Hải, công tác cán bộ phải đảm bảo công khai, minh bạch, chọn đúng người, đúng vị trí, tạo sự thống nhất cao.
“Cái gì đúng thì mình ủng hộ, cái gì chưa hợp lý phải có chính kiến, thuyết phục dần dần dựa trên nguyên tắc có lợi cho sự nghiệp chung. Nếu có quan điểm trái với lợi ích tập thể thì phải kiên quyết thay đổi, tuyệt đối không xét đến yếu tố quan hệ thân quen”, ông Ngô Đông Hải thẳng thắn nói.
Trước khi ra Ban Kinh tế Trung ương nhận nhiệm vụ vào tháng 3/2016, ông Hải đã có thời gian công tác tại tỉnh Bình Định, đây cũng là cơ hội giúp ông có nhiều kinh nghiệm tích lũy, bài học thực tiễn, trở thành hành trang quý giá để có thể vững “tay lái” cho đợt đi luân chuyển tại Thái Bình.
“Tôi đã xác định rõ động cơ rất vững vàng rằng đi về địa phương là nhận nhiệm vụ với Đảng và nhân dân. Tôi luôn tâm niệm một lòng là hoàn thành nghĩa vụ Đảng giao, bằng tất cả tâm khảm, trách nhiệm, khát vọng của mình”, ông Ngô Đông Hải khẳng định.
Xác định rõ nhiệm vụ khi về làm Bí thư Thái Bình, ông Ngô Đông Hải đã chọn tầm nhìn dài hạn trong các quyết sách cũng như trong quá trình chỉ đạo, điều hành.
Vì vậy, tất cả mục tiêu tỉnh đặt ra đều có tầm nhìn dài hạn và được bàn bạc trao đổi kỹ trong tập thể để cùng nhau đồng lòng cụ thể hoá bằng kế hoạch cụ thể. Điều đó thể hiện xuyên suốt từ văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay.
Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã quy tụ được sức mạnh tập thể, huy động được sự đồng lòng của quần chúng nhân dân hướng đến sự phát triển lâu dài, bền vững cho địa phương.
“Tôi đã không né tránh bất cứ khó khăn, gian khổ nào trong suốt 5 năm qua và đến nay, vẫn vẹn nguyên khát vọng, tâm huyết như ngày mới bước chân về Thái Bình”, ông Ngô Đông Hải chia sẻ.
Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải nắm tay người dân cùng hát ca trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Thái Bình.
Bí thư Thái Bình bày tỏ vui mừng khi 5 năm qua đã giúp ông “giàu có” lên về kiến thức, thực tiễn, tư duy.
“Gắn bó với Thái Bình, tôi thu lượm, gặt hái và trưởng thành hơn với những giá trị của con người nơi đây mà không thể đo đếm được bằng con số. Đến bây giờ, điều tôi cảm thấy vui, mãn nguyện nhất là thành quả của mỗi bước đi, trưởng thành phát triển của tỉnh Thái Bình”, ông Ngô Đông Hải nói.
5 năm gắn bó với vùng đất lúa, ông Ngô Đông Hải không ngần ngại bày tỏ tình yêu với nơi đây “như yêu chính quê hương mà ba, mẹ sinh tôi ra”.
“Tôi khát khao được cùng người Thái Bình vươn ra biển lớn, đem lại sự giàu có cho vùng đất này”, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải trăn trở.
Theo vietnamnet.vn
|