Thái Thụy là huyện ven biển có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản với nhiều sản phẩm đặc trưng. Trên cơ sở kế hoạch thực hiện chương trình OCOP của tỉnh, huyện Thái Thụy đã ban hành đề án, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu cụ thể. Đặc biệt, huyện đã chủ động, sáng tạo đưa sản phẩm OCOP thành một tiêu chí trong bộ tiêu chí xã NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn huyện. Cụ thể, yêu cầu các xã khi xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao phải xây dựng thành công sản phẩm OCOP của địa phương. Từ quan điểm, chủ trương trên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP các địa phương trong huyện luôn gắn với xây dựng NTM nâng cao. Từ đó, giúp việc triển khai thực hiện chương trình OCOP tại các địa phương trên địa bàn huyện được quan tâm, chú trọng và thực hiện có hiệu quả.
Thụy Trường là một trong những xã trên địa bàn huyện sớm triển khai xây dựng thành công sản phẩm OCOP. Ông Đổng Minh Chính, Chủ tịch UBND xã cho biết: Bám sát quan điểm, chủ trương của huyện nên ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP xã đã luôn gắn với xây dựng NTM nâng cao. Năm 2019, xã đã thành lập HTX Trường An nhằm tạo dựng chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ tỏi, đồng thời, triển khai xây dựng thành công hai sản phẩm tỏi khô và tỏi đen đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh. Tuy mới được công nhận đạt chuẩn OCOP song bước đầu HTX đã nhận thấy hiệu quả, giá trị của chương trình OCOP mang lại cho các sản phẩm tỏi Trường An. Trước đây, có thời điểm tỏi rớt giá chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg nhưng cũng không bán được vì nguồn cung nhiều. Nhưng từ khi HTX Trường An được thành lập đứng ra tổ chức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, nhất là đẩy mạnh quảng bá, xây dựng sản phẩm OCOP thì giá trị của tỏi được nâng lên rất nhiều, trồng đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhờ vậy giúp bà con duy trì ổn định, phát triển thêm diện tích trồng tỏi và hướng đến sản xuất các sản phẩm từ tỏi cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, sản phẩm tỏi của HTX Trường An đã được bày bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng lớn trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng. Với mong muốn đem lại sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, những năm qua cơ sở sản xuất giống gia cầm Thoa Tuyết, xã Thụy Việt (Thái Thụy) đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi, liên kết với 20 trang trại, gia trại lớn trong và ngoài huyện để sản xuất ra sản phẩm trứng gà ri có chất lượng cao. Đồng thời từng bước xây dựng sản phẩm trứng gà ri Thái Bình đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2021, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Ngay từ những ngày đầu triển khai, huyện Thái Thụy đã xác định rõ tầm quan trọng của chương trình OCOP đối với phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho các xã rà soát, nắm bắt các sản phẩm lợi thế. Huyện cũng chú trọng khuyến khích HTX, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cải tiến quy trình, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Để khuyến khích các chủ thể tham gia chương trình, huyện đã chủ động, sáng tạo ban hành cơ chế đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách cho phát triển, thực hiện chuẩn hóa sản phẩm OCOP. Theo đó khi sản phẩm được hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, đối với chủ thể là HTX, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 60 triệu đồng/chủ thể; với chủ thể là cá nhân sẽ được hỗ trợ 90 triệu đồng/chủ thể. Cơ chế này được kéo dài đến năm 2025, nhờ đó đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các chủ thể, HTX, doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Nội dung: Trần Tuấn
|