LONGFORM I BAOTHAIBINH.COM.VN
“Cùng với cây đa, bến nước, mái đình, những cây gạo cổ thụ là hình ảnh thân thuộc ở các làng quê. Chứng kiến bao thăng trầm, buồn vui của làng, mỗi mùa hoa gạo đỏ trời còn là mỗi mùa thương nhớ của những người con xa quê”.
Nhắc đến cây gạo đầu làng, bà Lại Thị Liên (82 tuổi) thôn Phú Lễ, xã Tự Tân (Vũ Thư) xúc động nghẹn ngào vì thương nhớ cha. Cha bà, cụ Lại Xuân Kiểu (đã mất) là người trồng cây gạo này vào khoảng những năm từ 1935 đến năm 1940.
Bà Liên chia sẻ, cây gạo này chứng kiến trọn cuộc đời thăng trầm, buồn vui của bà và hầu hết người dân trong làng. Những năm kháng chiến chống Pháp, du kích của làng trèo lên ngọn cây gạo cao tít tắp, theo dõi bước đi của giặc, dùng tù và, loa sắt để thông báo cho nhân dân chạy nấp, tránh họng súng kẻ thù. Năm 1971, khi nước lũ dâng cao, gốc gạo là nơi người làng vác những chiếc chõng tre lên nằm ngủ tạm và cọc trâu bò trú ngụ, chờ nước rút mới về nhà. Những năm bình yên trở lại, cây gạo tỏa bóng mát, là nơi dân làng ngồi nghỉ ngơi, chuyện trò sau mỗi buổi làm đồng mệt nhọc.
Trước cửa đình thôn Hoàng Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) hiện có một cây gạo nhỏ nở hoa đỏ rực. Ông Phạm Văn Sớ, một lão niên 87 tuổi trong thôn lý giải, cây gạo nhỏ này là cây mới được trồng, thay thế cho 2 cây gạo cổ trước kia. Trong ký ức ông Sớ, 2 cây gạo xưa gắn liền với tuổi thơ cùng cha ra đình tế lễ và nhặt hoa gạo rơi để ăn, cái vị nhơn nhớt, chát chát của hoa gạo dường như vẫn đọng lại vẹn nguyên. Ông Sớ nhớ nhất giai đoạn năm 1948 - 1949, làng Vàng (thôn Hoàng Xá) quê ông được tỉnh chọn là làng kháng chiến kiểu mẫu. Phong trào đấu tranh du kích quê ông khi đó rất sôi nổi. Giặc Pháp đi tàu từ biển vào sông Hồng, qua Nam Định tràn vào Nguyên Xá. Các du kích làng thay nhau trèo ngọn cây gạo thám thính tình hình và báo động toàn dân ẩn nấp.
“Du kích Hoàng Văn Triệm của làng, khi đang trên cành gạo cao tít thì bị giặc Pháp phát hiện và dùng súng bắn ở tầm xa. Bị địch bắn ác liệt quá, ông Triệm nấp phía sau thân cây gạo và nhanh trí thả chiếc nón đang đội trên đầu xuống đất. Giặc tưởng ông Triệm đã ngã rơi xuống đất, mới dừng súng. Ông Triệm thoát nạn nhờ cây gạo che chở, thân cây lỗ chỗ vết đạn. Tuy nhiên, trong một trận đối đầu trực tiếp sau đó, ông Triệm bị địch bắn, anh dũng hy sinh. Năm 1949, giặc Pháp ném bom, cùng một lúc làng Vàng có 23 người thiệt mạng, sau gọi là “giỗ trận” và nhiều liệt sĩ du kích hy sinh. Thời gian khó, hai cây gạo cổ thụ của làng bị buộc phải hạ xuống để xẻ gỗ, làm quan tài cho các liệt sĩ và người dân thiệt mạng trong chiến tranh. Mấy năm trước, bà con trồng một cây gạo tại chính gốc gạo bị đốn xa xưa. Trong làng còn mấy cây gạo phía cánh đồng, hiện khoảng 70 - 80 năm tuổi.” - ông Sớ nhớ lại.
Xã Hồng Phong (Vũ Thư) hiện có gần chục cây gạo, tuổi đời mỗi cây khó xác định chính xác, khoảng 70 - 100 năm tuổi. Ông Lại Văn Đồng, 83 tuổi, thôn Phan Xá, xã Hồng Phong kể, những cây gạo cổ thụ xưa thường được trồng ở cổng đình, cổng làng, có ý nghĩa rất linh thiêng trong tâm thức của người dân, là nơi trú ngụ của các vị thần. Trong kháng chiến chống Pháp, do tình thế bắt buộc, một số cây gạo to bị đốn hạ, lấy gỗ làm “áo quan” cho các liệt sĩ. Ngay sau đó, bà con nhanh chóng trồng “bù” cây gạo khác, đến nay, cây nào cũng to vài người ôm mới xuể thân cây.
Từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, những cây gạo vẫn đứng đó, sừng sững hiên ngang, chứng kiến bao thăng trầm, buồn vui, đổi thay của mỗi làng quê. Mỗi cây gạo mang một câu chuyện, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử của một miền quê khác nhau. Cây gạo là linh hồn quê hương, là nơi lưu giữ bao ký ức tuổi thơ, là nỗi nhớ mẹ, nhớ cha da diết, cháy bỏng của những người con xa xứ.
Hoa gạo nở vào dịp cuối xuân, màu đỏ của hoa gạo làm bừng sáng cả một khoảng trời quê.
Anh Đinh Ngọc Việt, nghệ sĩ nhiếp ảnh nghiệp dư xã Tự Tân, huyện Vũ Thư cho biết, vì yêu hoa gạo nên năm nào cũng vậy, cứ mùa hoa nở là anh tìm đến các cây gạo cổ, dáng đẹp trong tỉnh để chụp hình. Ngoài chụp cây, anh Việt đạo diễn cho các chị em phụ nữ mặc áo dài chụp hình lưu niệm tại các gốc cây gạo. Khi lên hình, cây gạo ở các làng quê thực sự rất đẹp, mang lại cảm xúc bình yên vô cùng cho người xem.
Chị Bùi Thị Lệ, thị trấn Vũ Thư chia sẻ: Tôi muốn tìm lại ký ức tuổi thơ, đồng thời thấy cây hoa gạo thực sự đẹp, mang vẻ đẹp cổ kính, bình yên nên năm nay, tôi cùng bạn bè tìm đến những cây hoa gạo to ở các huyện: Kiến Xương, Vũ Thư, Thái Thụy để ngắm hoa gạo. Không chỉ “mãn nhãn” mà tôi còn chụp hình, quảng bá những cây gạo đẹp trên mạng xã hội để thêm nhiều người biết đến vẻ đẹp của các làng quê ở Thái Bình.
Những năm gần đây, mỗi dịp hoa gạo nở, những người yêu nghệ thuật thường tìm đến các làng quê để “săn” ảnh hoa gạo đẹp. Nhiều cây gạo gần 100 năm hoặc vài trăm năm tuổi có dáng đẹp, thu hút khách du lịch đến chụp hình như cây gạo ở Đình Ngái, cây gạo đôi ở xã Quang Bình (Kiến Xương), cây gạo “gù” ở xã Thái Thịnh (Thái Thụy), cây gạo xã Hồng Phong (Vũ Thư), cây gạo xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ)… góp phần tôn vinh và quảng bá vẻ đẹp của những cây gạo cổ, hoa gạo vốn được coi là loài hoa dân dã, mộc mạc của làng quê.
Ông Bùi Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh cho biết, mang rất nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử và được công nhận là cây di sản, những năm qua, xã rất quan tâm công tác bảo vệ, bảo tồn cây gạo gù ở địa phương. Từ 20 năm trước, sau khi cây gạo bị đổ, để phòng ngừa cây bật rễ, nhân dân đã tiến hành xây trụ bê tông để đỡ thân cây. Hàng năm, xã kiểm tra, theo dõi tình hình “sức khỏe” của cây, đầu tư kinh phí hơn chục triệu đồng tiến hành phun thuốc, xử lý mối xông thân cây. Tuy nhiên, có 1 cành hiện đã bị mục, rỗng, có nguy cơ gẫy. Xã đã phân công người trông coi cây, tránh trường hợp chặt, đẽo vỏ, phá hoại cây.
Ông Lại Xuân Trọng, xã Tự Tân (Vũ Thư) chia sẻ, mặc dù cây gạo rất gần gũi, gắn bó với đời sống nhân dân, nhưng hầu hết bà con chưa quan tâm đến việc bảo vệ cây. Qua kiểm tra, cây gạo của làng đang có hiện tượng bị sâu đục cành. Ông Trọng dự định, gia đình ông sẽ tự đầu tư kinh phí để phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây.
Xa xưa, hầu hết mỗi làng quê ở nông thôn đều trồng vài cây hoa gạo. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động như thời gian, chiến tranh, gió bão, sâu bệnh, quy hoạch lại đường giao thông, đến nay số lượng cây gạo đã giảm rõ rệt. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân cần nâng cao ý thức, sớm triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn nhằm bảo tồn các cây gạo cổ.
Nội dung: Quỳnh Lưu
Đồ họa: Việt Hùng - Kỹ thuật: Phạm Thủy