Trở lại quê hương sau nhiều năm du học tại Nhật Bản, mong muốn của chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, xã Thăng Long (Đông Hưng) chỉ đơn giản là được theo mẹ đến chợ Khô, xã Liên Hoa để cảm nhận không khí ở quê.
Đi chợ Thông ở xã Hòa Bình (Vũ Thư) vào ngày cuối tuần dường như đã trở thành lịch trình không thể thay đổi của gia đình chị Đào Thị Tuyết, thành phố Thái Bình. Theo chị Tuyết, ở chợ quê không chỉ tìm mua được những món hàng tươi, sạch mà còn giúp các con có thêm những trải nghiệm mới mẻ.
Cũng được bố đưa đi chợ Thông cuối tuần, em Trần Mai Phương, lớp 5, thành phố Thái Bình tỏ ra vô cùng háo hức: Cứ vào Chủ nhật hàng tuần bố sẽ đưa con về quê đi chợ. Con cảm thấy rất vui vì chợ ở quê đông hơn, tấp nập hơn so với ở thành phố. Con được đi xem các con vật bán ở chợ, được cùng bố mua đồ và ăn những món quà bánh rất ngon.
Hầu hết những món hàng được bày bán ở chợ đều do người nông dân tự làm ra. Đôi khi chỉ là buồng cau, chục trứng, mớ rau hay con gà của nhà được người dân mang ra chợ bán. Đặc biệt, đến với chợ quê, không chỉ trẻ nhỏ mà bất cứ ai cũng sẽ bị thu hút bởi tiếng “xèo xèo” của bột bánh rán hay vị thơm ngậy của bánh hú, bánh đúc. Dù chỉ là những món quà bánh đơn giản nhưng lại mang hương vị thơm ngon khó quên. Những món quà bánh thân thuộc ấy chỉ có thể tìm thấy ở trong chợ quê.
Ở chợ Thông sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh cặp vợ chồng đã gần 90 tuổi ngồi bán muối. Chỉ với mảnh bao nhỏ và chiếc “ống bơ” cũ kỹ nhưng gian hàng bán muối của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh vẫn luôn tấp nập người đến mua. Nhiều người còn nói đùa với nhau rằng ông bà "độc quyền" bán muối ở chợ này.
Với bà Nguyễn Thị Thìn, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) thì đoạn đường dài gần 2km từ nhà đến chợ Bồng dường như đã quá đỗi quen thuộc. Dù đã 85 tuổi nhưng cứ đến ngày chợ phiên bà Thìn lại đi bộ ra chợ từ sáng sớm để mua hàng.
Có những người lại gắn bó với chợ quê hàng chục năm bởi những lý do đặc biệt. Bà Trần Thị Lý, 75 tuổi, xã Vũ Tiến đã đi bán gạo ở khắp các chợ hơn 50 năm qua. Vì gia cảnh nên chợ đã trở thành một phần trong cuộc sống của bà.
Theo bà Lý, ngày xưa không có hàng quán nhiều nên hàng gạo của bà luôn bán rất đắt hàng. Bây giờ ngồi cả ngày cũng chỉ bán được chút ít, chủ yếu ra chợ cho tinh thần thoải mái. Chỉ có mấy người già đi chợ với nhau, còn người trẻ đi làm ở công ty hết nên chợ cũng vắng người.
Ông Nguyễn Văn Thụ, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) cho biết: Tôi bán các mặt hàng làm từ mây tre đan ở khắp các chợ khoảng 30 năm. Trước đây các mặt hàng này được nhiều người dân ưa chuộng. Bây giờ, các sản phẩm làm từ nhựa, inox lên ngôi, giá thành rẻ hơn nên sản phẩm truyền thống ít được quan tâm. Thế nhưng nhiều vật dụng làm bằng mây tre đan vẫn không thể thay thế. Chỉ cần có người mua thì chúng tôi sẽ vẫn còn bán.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, các trung tâm thương mại, siêu thị đang ngày càng nhiều, thế nhưng những ngày chợ phiên vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân vùng nông thôn. Không chỉ là nơi lưu giữ những phong tục truyền thống, đặc trưng văn hóa của mỗi vùng quê mà chợ quê còn là nơi gặp gỡ, thắt chặt tình làng nghĩa xóm tạo nên sự gắn kết trong cộng đồng dân cư.
Nội dung: Nguyễn Triệu
Đồ họa: Việt Hùng - Trình bày: Thu Hà