Với mong muốn ban hành cơ chế, chính sách tiếp tục tạo đà cho ngành nông nghiệp bứt phá, ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh Thái Bình ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn đến năm 2028 (Nghị quyết 08). Nghị quyết được các địa phương và bà con nhân dân hồ hởi đón nhận, triển khai như một cuộc cách mạng lớn trên đồng ruộng.
Nội hàm của Nghị quyết 08 trên nền tảng của Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2025. Nghị quyết 08 là nghị quyết lớn, toàn diện đầu tiên của HĐND tỉnh ban hành, đặt nền móng cho sản xuất hàng hóa lĩnh vực nông nghiệp thông qua tích tụ, tập trung đất đai. Đây cũng là bước cụ thể hoá và thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh nhà nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX: “Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng theo nhu cầu của thị trường. Tập trung quy hoạch các vùng sản xuất và tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác, liên kết, hình thành các HTX kiểu mới để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với hoạt động chế biến và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất, các hình thức góp vốn trong sản xuất nông nghiệp...”
Là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào tích tụ, tập trung ruộng đất, huyện Vũ Thư có 280 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất với diện tích gần 1.200ha, trong đó có 61 hộ gia đình, cá nhân tích tụ, tập trung với quy mô từ 5ha trở lên. Ông Bùi Gia Khánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Nghị quyết 08 ban hành trên cơ sở sửa đổi Điều 4 của Nghị quyết 29 rất kịp thời, phù hợp với yêu cầu và thực tiễn tích tụ ruộng đất đang diễn ra mạnh mẽ tại các địa phương.
Sau khi được tiếp thu, triển khai nghị quyết 08 của HĐND tỉnh, chúng tôi ghi nhận nhân dân rất hồ hởi. đặc biệt công tác hỗ trợ, tạo điều kiện cho liên kết, đặc biệt những hộ có ruộng cho thuê nếu đảm bảo thủ tục theo quy định cũng được hỗ trợ, đây là một trong những cái thúc đẩy, tạo niềm tin, thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền đến phong trào tích tụ, người dân và những người có ruộng không có nhu cầu sử dụng đến với nhau một cách phù hợp. Do vậy, quá trình tiếp thu, thực hiện, người tích tụ yên tâm, có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ chính sách đó, phấn khởi, yên tâm trong quá trình tích tụ.
Ông Nguyễn Duy Chinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Là Nghị quyết mang tính kích cầu nhằm giúp người đang tích tụ, tập trung ruộng đất có cơ hội mở rộng sản xuất hơn nữa. Đặc biệt, Nghị quyết đã tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn cho các địa phương, các hộ dân trong quá trình tích tụ, tâp trung ruộng đất như: hỗ trợ người có quyền sử dụng đất 100% chi phí, lệ phí khi thực hiện cấp mới hoặc đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu thực hiện chuyển nhượng, cho thuê góp đất để hình thành vùng sản xuất tập trung đáp ứng điều kiện về thời gian, diện tích… Đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tích tụ, tập trung đất đai được UBND huyện ưu tiên đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm để thực hiện các trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai để làm khu mạ khay, khu đặt máy sấy, công trình phục vụ mục đích trồng lúa), tối đa bằng 1% tổng diện tích vùng trồng lúa đã tích tụ, tập trung (diện tích tích tụ, tập trung đất đai tối thiểu 50ha).
Ngay sau khi Nghị quyết 08 ban hành, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ tới các sở, ngành, các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành liên quan ban hành hướng dẫn liên ngành thực hiện Nghị quyết; đồng thời tổ chức các hội nghị phổ biến tới cán bộ xã, phường, thị trấn và đại diện nông dân tích tụ đất đai trong toàn tỉnh; ban hành hướng dẫn về diện tích đất phù hợp với việc gieo mạ khay và khu vực đặt máy sấy sản phẩm. Các huyện, thành phố tập trung tuyên truyền sâu rộng cơ chế, chính sách của Nghị quyết và hướng dẫn liên ngành rà soát, tổng hợp diện tích tích tụ, tập trung đất đai.
Ông Đỗ Xuân Khu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho biết: So với những cơ chế, chính sách hỗ trợ về nông nghiệp trước đây, Nghị quyết 08 có nhiều ưu việt hơn, thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh với sản xuất nông nghiệp. Để Nghị quyết 08 nhanh chóng đi vào cuộc sống, huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn cho các hộ tích tụ, tập trung ruộng đất; lãnh đạo các xã, thị trấn, cán bộ công chức liên quan để hỗ trợ, tuyên truyền giúp người dân hiểu, tiếp cận cơ chế của tỉnh. Đến nay, các địa phương tích cực vào cuộc; người dân rất háo hức, phấn khởi trước cơ chế. Huyện đã lựa chọn 4 xã: Bình Định, Vũ Hòa, Bình Thanh, Vũ Bình làm điểm hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ nhận hỗ trợ. Đây là những địa phương có diện tích đất tập trung theo phương thức liên kết lớn và ổn định.
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại một số địa phương và “đại điền” cho rằng, một số quy định về điều kiện để được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết 08 “làm khó” các địa phương, “đại điền” khi tổng diện tích tích tụ, tập trung thì lớn nhưng không bảo đảm điều kiện liền vùng, liền thửa hoặc thời gian thuê, liên kết. Ông Đỗ Văn Dân, Chủ tịch CLB Đại điền cho biết: Sau khi Nghị quyết 08 ban hành, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp, chúng tôi cũng tuyên truyền, phổ biến tới anh em trong CLB đồng thời rà soát các trường hợp bảo đảm điều kiện hưởng hỗ trợ để hướng dẫn anh em làm hồ sơ. Tuy nhiên, qua tổng hợp, chỉ có khoảng 5% anh em đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chúng tôi nhận thấy thời gian qua, tỉnh, huyện triển khai bài bản với mong muốn người dân tiếp nhận được chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại một số địa phương, vai trò cấp uỷ chính quyền chưa thực sự vào cuộc, tuyên truyền còn bỏ ngỏ. Người dân chưa tiếp cận được chính sách. Nghị quyết 08 kéo dài đến năm 2028, còn 5 năm để thực hiện. Đây mới là thời gian triển khai, địa phương nào khó khăn, vướng mắc thì các sở, ngành liên quan như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường tập trung tháo gỡ từng bước. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đây là chính sách chưa từng có ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đối với tích tụ, tập trung đất đai.
Tới đây, Luật Đất đai năm 2013 sẽ được sửa đổi, bổ sung để bắt nhịp với chuyển mình của sản xuất nông nghiệp. Cơ chế, chính sách đã có, cần nhất chính là ý chí quyết tâm, sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để huy động sức mạnh, sự đồng thuận của toàn dân nhằm thay đổi diện mạo nền nông nghiệp Thái Bình theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp.
Nội dung: Nhóm phóng viên
Đồ họa: Việt Hùng - Trình bày: Phạm Thủy