Đứng trên sân khấu trong khoảnh khắc vinh dự nhất nhận giải thưởng cao quý của cuộc thi, thí sinh Lưu Thùy Dương không giấu nổi niềm xúc động của mình. “Em sinh năm 2005, đã có 2 năm đi làm rồi mới quyết định quay trở lại học tập khi thi vào bộ môn sáo trúc ở Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Năm nay em đang học lớp 11 và rất cố gắng để sau này có thể thi đỗ Học viện Âm nhạc quốc gia” là những chia sẻ của Lưu Thùy Dương. Hành trình đến với âm nhạc dân tộc, đặc biệt là bộ môn sáo trúc của em cũng khiến cho chúng tôi xúc động không kém khoảnh khắc em đứng trên sân khấu nhận giải.
Dương cho biết: Em không có nhiều điều kiện đầu tư cho phần thi của mình như dàn nhạc hỗ trợ nhưng bù lại có may mắn khi được bạn bè cho mượn beat và video quay từ điện thoại để trình chiếu trong phần thi. Các thí sinh khác đều có gia đình, họ hàng, người thân đến cổ vũ rất đông đủ còn em chỉ một mình đến với cuộc thi này. Bước lên sân khấu, em nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang thả hồn vào thiên nhiên tươi xanh, hùng vĩ của đất nước mình để diễn tả cảm xúc qua âm thanh tiếng sáo. Khi phần thi kết thúc, em xúc động vì nhận được sự cổ vũ của rất đông khán giả - những người em chưa từng quen biết, cùng với đó là lời khen ngợi và gợi ý tiếp tục theo học chuyên sâu bộ môn này của ban giảm khảo cuộc thi. Nhưng điều bất ngờ hơn cả với em là đã trở thành thí sinh đạt giải cao nhất bởi em xác định cuộc thi là cơ hội để được đến với khán giả, được thể hiện đam mê.
Sau thành công tại đêm chung kết, Thùy Dương đã dành thời gian chia sẻ niềm vui với mẹ. Dù cả bố và mẹ đều không ủng hộ con đường nghệ thuật nhưng với thành quả sau 2 năm đến với sáo trúc cùng định hướng rõ ràng và cố gắng nỗ lực bền bỉ của bản thân, Lưu Thùy Dương tin tưởng một ngày không xa, em sẽ chinh phục được những “khán giả” khó tính nhất là bố và mẹ của mình.
Gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo, lấy đi nhiều nước mắt của khán giả trong đêm chung kết cuộc thi Tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình năm 2024 là phần thể hiện trích đoạn chèo cổ “Nghi Xuân Tấn Lực” dựa theo cốt truyện “Phạm Công - Cúc Hoa” của 2 thí sinh Trần Thị Hồng Nhung, Lê Út Chi. Nhận xét về phần thi này, giám khảo NSND Thanh Ngoan, nguyên giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam xúc động: Thái Bình ơi, Thái Bình tuyệt vời! 2 con nhỏ mà hát làn điệu du xuân phải năm thứ 2, thứ 3 đại học mới được học. Đây là làn điệu khó, hát đòi hỏi truyền cảm mà lại vừa diễn, vừa hát và còn nhỏ tuổi như thế mà không sai 1 nhịp nào! Chúng ta đang chờ UNESCO ghi danh nghệ thuật chèo thì ngay bây giờ phải ghi danh các con luôn!
Ngay sau cuộc thi, chúng tôi có dịp về thăm gia đình Lê Út Chi tại làng Phương La, xã Thái Phương (Hưng Hà). Giữa âm thanh ồn ã không ngớt từ những chiếc máy dệt, ông Lê Văn Ba, bố của Lê Út Chi không khỏi xúc động: Thực sự trong gia đình không có ai theo nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng đều đam mê nghệ thuật chèo ở phong trào quần chúng. Hơn 15 năm nay tôi tham gia CLB chèo của làng, có lẽ bởi vậy mà với Út Chi, từ ngày còn thơ bé, âm thanh của những buổi tập chèo, diễn chèo cũng thân thương, quen thuộc như âm thanh từ những chiếc máy dệt làng Phương La. Vì “Thái Bình quê lúa là nôi hát chèo” nên không chỉ bố mẹ mà cả họ hàng cũng luôn cổ vũ, “tiếp lửa” để sau này con cố gắng tham gia bảo tồn, phát huy nghệ thuật chèo của quê hương.
“Mẹ là vòng tay ấp ôm con qua những ngày đông / Mẹ là dòng sông, để con tắm mát trưa hè / Mẹ là rặng tre, che bóng con đi học về / Mẹ là bờ đê để con vui với cánh diều…” là những lời ca xúc động trong ca khúc “Mẹ yêu ơi”. Càng xúc động hơn khi những lời ca ấy được thể hiện qua giọng hát của em Nguyễn Thanh Bình (huyện Đông Hưng) tại vòng bán kết của cuộc thi Tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình năm 2024. Em Bình khuyết tật đặc biệt nặng, đôi chân co quắp chẳng thể bước đi, mẹ là đôi chân luôn đồng hành, sát cánh bên em. Từ tình yêu thương của bố mẹ, sự quan tâm của các thầy, cô giáo, em vượt khó, chăm ngoan, học giỏi. Ngoài giờ học, bao nhiêu tâm tư, nỗi lòng mình, em gửi cả vào âm nhạc. Trước đây, mọi người chỉ biết đến em bởi thành tích học tập xuất sắc nhưng từ cuộc thi Tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình năm 2024, em được biết đến là thí sinh truyền cảm hứng với năng khiếu ca hát, niềm đam mê với âm nhạc qua những ca khúc về gia đình thân yêu.
Khuyến khích niềm say mê âm nhạc của Bình, trong đêm chung kết, em Bình đã được trao tặng những phần quà ý nghĩa từ Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh và ban giám khảo của cuộc thi. Chị Đinh Thị Trinh, mẹ của thí sinh Nguyễn Thanh Bình bày tỏ: Là một người mẹ có con là người khuyết tật nặng như vậy, vợ chồng tôi luôn khuyến khích, chia sẻ với con để con tự tin trong cuộc sống. Tôi cũng mong các gia đình có con, cháu mình như bạn Bình sẽ động viên, cổ vũ và giúp đỡ để các con trẻ mọi lúc, mọi nơi được vui vẻ, hạnh phúc, có nghị lực vươn lên.
Không riêng Nguyễn Thanh Bình, trên hành trình của cuộc thi Tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình năm 2024 đã ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ chinh phục đam mê nghệ thuật của không ít thí sinh. Trong đó phải kể đến em Nguyễn Thị Xuân Thư, Trường THPT Chu Văn An (Kiến Xương). Có năng khiếu ca hát, Xuân Thư đến với cuộc thi Tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình ngay từ mùa đầu tiên được tổ chức, khi em mới là cô bé lớp 5. Cuộc thi năm ấy dù không đạt thứ hạng cao nhưng Xuân Thư xác định được cho mình niềm tin một ngày không xa sẽ vững bước trên con đường nghệ thuật. Bền bỉ luyện tập, nuôi dưỡng đam mê và hy vọng, quay trở lại với cuộc thi ở năm cuối cấp THPT, Xuân Thư tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết để chinh phục đam mê của mình. Giải ba của cuộc thi năm nay là kết quả xứng đáng dành cho những cố gắng của em.
Qua 3 mùa Tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình đã được tổ chức vào các năm 2017, 2018, 2021, niềm vui đối với ban tổ chức của cuộc thi là đã góp phần “tiếp lửa” đam mê nghệ thuật cho không ít tài năng ở các loại hình nhạc nhẹ, nhạc dân gian… Năm nay, cuộc thi tiếp tục thu hút hơn 100 thí sinh có năng khiếu, đam mê ở nhiều loại hình đã cho thấy song song với chương trình học tập chính khóa, các nhà trường, các bậc phụ huynh ngày càng quan tâm phát triển nghệ thuật cho trẻ nhỏ.
Việc được tham gia vào các chương trình nghệ thuật, đặc biệt sân khấu âm nhạc là cách tốt để lứa tuổi học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng mềm như kỹ năng lắng nghe, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng linh hoạt, thích nghi nhanh với thay đổi... Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các em được gặp gỡ, giao lưu với những người bạn đồng trang lứa cùng chung đam mê, từ đó thúc đẩy khả năng sáng tạo và cảm xúc âm nhạc.
Với sự quan tâm vào cuộc của Tỉnh đoàn, sự phối hợp nhịp nhàng, tích cực của các nhà trường, sự đồng tình, ủng hộ của các bậc phụ huynh, tin tưởng, những tài năng “chớm nở” tại cuộc thi Tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình sẽ sớm được tỏa sáng.
Nội dung: Tú Anh
Đồ họa: Việt Hùng - Kỹ thuật: Hồng Nhung