Ngôi nhà mới xây, nay đã phải phá dỡ một phần để hiến đất làm đường nhưng anh Đoàn Tuấn Anh, thôn Hạ, xã An Thái (Quỳnh Phụ) vẫn vui vẻ tự nguyện tháo dỡ.
Mình không chỉ làm cho đời mình mà đời con cháu mình cũng được hưởng. Vậy nên, hiến nhiều hơn nữa gia đình tôi cũng không tiếc - Anh Đoàn Tuấn Anh cho biết.
Đó cũng chính là suy nghĩ của người dân Quỳnh Phụ. Đường làm đến đâu dân chúng tôi hiến đất đến đó - không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành hành động, việc làm cụ thể đối với mỗi người dân huyện Quỳnh Phụ. Cứ làm đường là dân góp đất, bất kể đường đó do xã, huyện hay tỉnh làm chủ đầu tư.
Kết quả này chỉ đạt được khi gần dân, sát dân, gắn kết dân với Đảng, dân với chính quyền. Cùng với đó là sự minh bạch chính sách, công khai cơ chế khuyến khích, ưu tiên để dân biết, dân bàn, từ đó dân làm theo - ông Nguyễn Văn Nhiễm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Phụ chia sẻ về kết quả đáng tự hào sau gần 2 năm thực hiện Thông báo kết luận số 220-TB-HU ngày 13/7/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho nhà nước không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường giao thông.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Vì sao Quỳnh Phụ lại ban hành Thông báo kết luận số 220? Ông Nguyễn Văn Nhiễm chia sẻ: Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 5 tháng 7 năm 2021 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, các đồng chí Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy rất trăn trở, lo lắng. Làm sao, làm như thế nào để Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực sự phát huy hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong nhân dân? Từ thành quả huy động sức dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, với cơ chế tỉnh hỗ trợ xi măng, người dân hiến đất, ngày công, cát, đá mở rộng đường giao thông nông thôn, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp bàn và quyết định lựa chọn xã Quỳnh Ngọc làm điểm trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân góp đất mở rộng đường ĐH78. Quá trình triển khai, trực tiếp các đồng chí Thường trực Huyện ủy xuống cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương của huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy xác định: Đảng không làm thay chính quyền nhưng không phân biệt việc của Đảng, việc của chính quyền, mà là việc chung của thôn, của xã, của huyện. Bí thư, phó bí thư Đảng ủy hay chủ tịch UBND xã, thị trấn đều phải trực tiếp xuống với dân, nghe dân, hiểu dân, gần gũi với dân như máu thịt. Từ đó dân mới tin, mới làm theo.
Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Ngọc Phạm Văn Tập bộc bạch: Quả thực khi được Ban Thường vụ Huyện ủy lựa chọn là nơi khởi điểm, huy động sức dân trong hiến đất là đường, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ xã rất lo lắng, chưa biết bắt đầu từ đâu. Bởi, đất tại các trục đường chính có giá trị lớn, xã có nhiều đồng bào giáo dân, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn do là địa bàn xa trung tâm nhất. Bắt tay vào triển khai với rất nhiều khó khăn do một số hộ chưa hiểu, chưa đồng thuận. Song cùng việc nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, địa phương đã khéo léo vận dụng uy tín của các bậc cao niên, linh mục, người có uy tín trong cộng đồng dân cư nhằm khơi dậy tinh thần tự nguyện, tự giác của nhân dân. Những hộ đồng thuận, ủng hộ tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa đến các hộ gia đình xung quanh còn đang đắn đo. Cứ như vậy, chỉ sau 3 ngày, 161/161 hộ dân trên tuyến đường đã đồng thuận hiến 4.500m2 đất làm đường, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Ông Nguyễn Ngọc Nhường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Quỳnh Phụ, người có thâm niên với công tác GPMB bộc bạch: Chính sức mạnh từ dân vận khéo đã giúp huyện Quỳnh Phụ gỡ nút thắt trong GPMB đã tồn tại từ nhiều năm nay. Gần 2 năm nay, những người làm nghề như chúng tôi yêu nghề hơn, muốn gắn bó với nghề hơn, cũng bởi từ sự đồng thuận hiến đất làm đường của người dân. Ông Nhường nhẩm tính, nếu làm theo quy trình từ kiểm đếm, trích đo, trích lục, thẩm định, ra thông báo thu hồi đất, thông báo các quy định của nhà nước về chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB… phải mất cả năm chưa chắc đã xong khi còn một vài hộ dân chưa đồng thuận. Vậy mà giờ đây, với sự đồng thuận, hy sinh cái riêng vì cái chung của mỗi người dân, đường không chỉ nhanh hoàn thành mà ngân sách huyện tiết kiệm khoảng 40% tổng mức đầu tư. Số tiền này tiếp tục được huyện sử dụng vào việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường mới, góp phần làm đổi thay đời sống của người dân, thu hút đầu tư các nhà đầu tư vào huyện.
Thị trấn An Bài, với giá trị cả chục triệu đồng đến vài chục triệu/m2, không nhiều người nghĩ các gia đình có đất, nhà ở kiên cố xây dựng gần sát mép đường sẽ tự nguyện hiến đất. Thế nhưng, khi huyện có chủ trương nâng cấp, cải tạo đường, 89 hộ dân nơi tuyến đường đi qua đều đồng thuận, nhất trí hiến gần 2.000m2 đất ở, nhiều hộ hiến 50 - 70m2, hộ hiến nhiều nhất 100m2.
Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND thị trấn An Bài chia sẻ: Tuyến đường ĐH72C đi qua 2 tổ dân phố số 10 và số 11 - đây là tuyến đường huyết mạch của huyện nên đất có giá trị sinh lời cao. Nhưng mỗi người dân nơi tuyến đường đi qua đều hiểu rằng những con đường mới được mở ra sẽ giúp việc đi lại, giao thương thuận lợi hơn, từ đó tạo đà cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập nên ai cũng hết lòng ủng hộ. Nhờ đó chỉ sau 7 ngày, 100% các hộ dân đã tự nguyện hiến đất làm đường.
Tại dự án cải tạo, nâng cấp đường ĐH72 dài gần 18km đã nhận được sự đồng thuận của 100% các hộ dân trong việc hiến đất. Ông Đoàn Đức Hợp, Chủ tịch UBND xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ cho biết: Tuyến đường ĐH72 đi qua địa bàn xã dài 1,7km, là tuyến giao thông quan trọng nhất của xã, với các trụ sở hành chính, trường học, trạm y tế, chợ - nơi kinh doanh, buôn bán sầm uất nhất khu vực. Vì vậy việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường không chỉ làm cho diện mạo nông thôn mới An Thái thêm khang trang, hiện đại mà còn mở ra cơ hội lớn để địa phương phát triển thương mại, dịch vụ. Xác định được tầm quan trọng đó, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nhân dân đồng thuận, hưởng ứng chủ trương hiến đất làm đường. Mặc dù, giá đất từ 20 - 30 triệu/m2 tùy vị trí nhưng chỉ sau 3 ngày tổ chức tuyên truyền, vận động, phối hợp kiểm đếm, 100% các hộ gia đình, cá nhân nơi có tuyến đường đi qua đã tự nguyện phá dỡ nhà cửa, các công trình cổng dậu, cây cối hiến đất ở để làm đường, với phương châm đường làm đến đâu hiến đến đó.
Nội dung: Minh Nguyệt - Nguyễn Thơi
Đồ họa: Việt Hùng - Kỹ thuật: Hồng Nhung