Đường mở tới đâu làm giàu tới đó nhưng không phải địa phương nào cũng đủ nguồn lực để mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông. Vậy bằng cách nào để có hạ tầng giao thông đồng bộ? Ngay lúc ấy, chính người dân sẽ là nguồn lực mạnh mẽ nhất thông qua hành động hiến đất để làm đường, dẫu đó có đang là tài sản lớn nhất của họ. Nhờ làm tốt phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Bình người người, nhà nhà tích cực tham gia phong trào hiến đất làm đường. Vùng đất nông thôn đang dần chuyển mình mạnh mẽ. Bà con kỳ vọng đây sẽ là bước đệm cho sự phát triển lâu dài.
Đi trên những con đường trải nhựa đến tận các ngõ xóm, ít ai biết chỉ cách đây chưa lâu nơi này còn là những con đường chật hẹp, ngổn ngang dang dở. Kết quả ấy được khởi nguồn từ một chủ trương đúng, trúng vì biết huy động, phát huy sức mạnh và nguồn lực trong dân.
Bí thư Đảng ủy xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà Nguyễn Văn Nghiệp chia sẻ: Thời gian qua, trên địa bàn xã triển khai thi công mở rộng 2 tuyến đường ĐT.452 dài trên 3km và ĐH.60 dài trên 1km, ảnh hưởng của trên 100 hộ gia đình, cá nhân. Đảng ủy xã xác định, để tạo sự đồng thuận hiến đất làm đường giao thông trong nhân dân thì công tác dân vận được đặt lên hàng đầu. Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã chia thành từng nhóm hộ để tuyên truyền, vận động. Đồng thời, khơi dậy uy tín của các trưởng tộc, chức sắc tôn giáo vào cuộc tuyên truyền. Nhờ đó mà 100% hộ gia đình, cá nhân tự nguyện hiến đất làm đường giao thông.
Cũng như bao hộ gia đình khác ở xã Dân Chủ, gia đình ông Nguyễn Công Đoài, thôn Trung Ngọc đã tự nguyện hiến 24m2 đất ở. Ông Đoài chia sẻ: Con đường này trước đây xuống cấp, đi lại hết sức khó khăn. Khi được Nhà nước quan tâm đầu tư mở rộng, chúng tôi đều phấn khởi vì con đường mới vừa giúp người dân đi lại thuận tiện vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, tôi cũng như bà con nhân dân đều ủng hộ chủ trương hiến đất làm đường, tự nguyện phá dỡ công trình để dự án sớm hoàn thành.
Còn đối với bà Cao Thị Bông, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Quang Lịch (Kiến Xương) thì những ngày tham gia cùng cấp ủy đảng, chính quyền huyện Kiến Xương tuyên tuyền, vận động nhân dân hiến đất GPMB đường 219 đã để lại trong bà nhiều cảm xúc, tình cảm của chính người dân quê hương nơi bà đang sinh sống. Tuyến đường qua địa bàn xã dài 5km, 139 hộ gia đình có đất ở ảnh hưởng bởi tuyến đường. Để người dân hiểu, sớm đồng thuận hiến đất làm đường, hàng ngày, cán bộ xã, thôn chia nhau đến từng hộ còn vướng mắc để lắng nghe, vận động, tuyên truyền, giải thích đến người dân. “Mưa dầm thấm lâu”, 100% các hộ dân đã đồng thuận và ký vào đơn hiến đất làm đường.
Ông Lương Ngọc Tuyến, thôn Luật Ngoại 2, xã Quang Lịch, Kiến Xương bộc bạch: Để thế hệ sau này được đi trên những con đường to rộng nên khi Nhà nước có chủ trương, chính sách hợp với lòng dân, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ. Nếu theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại 20m2 đất ở của gia đình có thể lên đến vài chục triệu đồng nhưng với phương châm: Đường mở rộng đến đâu, kinh tế phát triển đến đó nên gia đình tôi sẵn sàng hiến đất ở để làm đường.
Tuyến đường ĐH.95B giai đoạn 2 đoạn qua xã Thụy Hưng, huyện Thái Thụy dài 2,4km với 94 thửa đất của 78 hộ gia đình, 2.793,9m2 đất ở, vườn ao, thủy lợi hiện đang trong quá trình truyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường.
Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ tịch UBND xã Thụy Hưng cho biết: Để tuyến đường sớm hoàn thành, xã Thụy Hưng đã xây dựng chương trình hành động triển khai rộng rãi đến các ban, ngành, đoàn thể và các thôn nơi tuyến đường đi qua. Tập trung tuyên truyền, vận động, nêu cao tinh thần tự nguyện hiến đất làm đường giao thông. Đến nay đã có 15 hộ hiến đất, 5 hộ tự nguyện tháo dỡ công trình chưa cần nhận tiền hỗ trợ tài sản trên đất, với 500m2/1.464m2.
Ông Đỗ Hữu Đô, thôn Tam Lộng, xã Thụy Hưng chia sẻ: Dù công trình tường, cộng dậu gia đình mới đầu tư xây dựng cuối năm 2021 với số tiền trên 100 triệu đồng nhưng khi biết Nhà nước có chủ trương mở rộng tuyến đường ĐH 95B giai đoạn 2, gia đình tự nguyện phá dỡ các công trình trên đất và hiến tặng 37m2 đất ở, mong tuyến đường sớm hoàn thành để người dân chúng tôi đi lại thuận lợi, kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng lên.
Thành phố Thái Bình đang trong quá trình phát triển đô thị mạnh mẽ. Nhiều công trình hạ tầng lớn được triển khai đầu tư xây dựng. Là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh nên “tấc đất” luôn là “tấc vàng”. Vì vậy, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, nhất là các dự án về hạ tầng giao thông, thành phố xác định cần phải làm tốt công tác đền bù, hỗ trợ GPMB.
Chia sẻ về cách làm trong quá trình GPMB giai đoạn khó khăn vừa qua, ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Trong quá trình GPMB dự án cần thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với người dân. Chính việc đặt mình vào vị trí của người bị thu hồi đất, vận dụng đúng chính sách, quy định của pháp luật về công tác GPMB, bảo đảm lợi ích của người bị thu hồi đất nên thành phố đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, từng bước gỡ nhiều nút thắt tồn tại hàng chục năm nay. Các nút thắt giao thông như: đường Chu Văn An kéo dài, tồn tại hơn 10 năm; đường Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền gần 10 năm; các dự án phát triển hạ tầng đô thị như bến xe khách phía Tây, đường Kỳ Đồng, đường 454, các dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại… đã từng bước được khơi thông.
Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và sự quyết tâm cao của tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng trường hợp cụ thể mà nút thắt giao thông tại đường Chu Văn An dài hơn 300m kéo dài hơn 10 năm qua đã được khơi thông và khánh thành đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn, tạo trục trung tâm của cửa ngõ thành phố, giảm mật độ giao thông vào khu vực nội thành; đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Phan Văn Báu, Chủ tịch UBND xã Vũ Chính cho biết: Từ khi điểm nghẽn tại đường Chu Văn An kéo dài được khơi thông, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn tại khu vực này được bảo đảm. Việc kinh doanh, buôn bán của bà con tại 2 bên đường được thuận lợi. Kinh tế - xã hội của địa phương được cải thiện, đời sống của nhân dân được nâng lên.
Những năm gần đây, Tiền Hải đã tạo nên một “bức tranh” khá hoàn chỉnh về phát triển hạ tầng giao thông với hàng loạt công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành và đưa vào khai thác. Sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chức năng, sự đồng thuận của người dân trong công tác GPMB và việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đã cho những “quả ngọt”.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường 221A có chiều dài 17,8km, từ ngã tư Trái Diêm đến Khu du lịch Cồn Vành đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Để có được tuyến đường đẹp, khang trang, hiện đại là sự đồng thuận trong công tác GPMB của mỗi người dân nơi tuyến đường đi qua. Với sự chủ động vào cuộc, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà nên dù chưa có phương án đền bù GPMB đối với đất ở, chưa được nhận tiền đền bù nhưng các hộ gia đình rất đồng thuận tạo điều kiện cho đơn vị thi công để tuyến đường sớm hoàn thành.
Bà Trần Thị Yên, Bí thư Chi bộ thôn Việt Hùng, xã Nam Trung bộc bạch: Bản thân là một đảng viên theo đạo Thiên chúa, chúng tôi thấu hiểu được tâm tư, nguyên vọng của người dân, vì vậy Chi bộ, MTTQ thôn đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động, thuyết phục từng hộ dân, tạo đồng thuận, thống nhất giữa “ý Đảng và lòng dân”. Nhân dân rất vui mừng, phấn khởi khi tuyến đường 221A hoàn thành, không chỉ thuận lợi trong việc đi lại mà việc thông thương, kinh doanh buôn bán tốt hơn trước rất nhiều, đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt.
Nội dung: Minh Nguyệt - Nguyễn Thơi
Đồ họa: Việt Hùng - Kỹ thuật: Hồng Nhung