Liên hoan ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Hồng lần thứ 25 năm 2023 vừa diễn ra tại Thái Bình. Tại đây, dấu ấn về một Thái Bình truyền thống và hiện đại càng trở nên đặc sắc hơn bao giờ hết qua những bộ ảnh về một lễ hội xuân đặc sắc không đâu có, một làng nghề truyền thống trăm tuổi hay "biển vô cực" thu hút, mời gọi...
Tác giả Nguyễn Viết Rừng nhận Huy chương Vàng tại liên hoan với tác phẩm “Lễ hội đền Lộng Khê”, thể loại ảnh bộ.
Là người con của quê hương Thái Bình hiện đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hải Phòng, nghệ sĩ Nguyễn Viết Rừng, người vừa đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Hồng lần thứ 25 cho biết bản thân anh luôn tâm đắc với những khung cảnh hiền hòa của quê hương, mong muốn góp sức đưa vẻ đẹp quê hương Thái Bình đến với du khách mọi miền Tổ quốc. Đã 3 lần may mắn được hòa mình vào lễ hội đền Lộng Khê, trải nghiệm trò chơi dân gian và cùng người dân nơi đây thực hiện các công đoạn làm, dựng cây đình liệu, ngắm nhìn khung cảnh rực rỡ trong lễ đốt cây đình liệu, anh rất mong muốn được lan tỏa nét văn hóa truyền thống đặc sắc này đến với du khách gần xa. Điều khiến cho anh cảm thấy bất ngờ nhất là chưa có nhiều hình ảnh ấn tượng về lễ hội đền Lộng Khê được chia sẻ và lan tỏa trên các diễn đàn, thu hút những “tay máy” chuyên nghiệp về với nơi đây.
Tác phẩm “Lễ hội đền Lộng Khê”, thể loại ảnh bộ của tác giả Nguyễn Viết Rừng đạt Huy chương Vàng của liên hoan.
Từ trăn trở ấy, vào dịp lễ hội đền Lộng Khê năm 2023, nghệ sĩ Nguyễn Viết Rừng đã dành nhiều công sức, tư duy những góc máy mới, ấn tượng để lột tả hết vẻ đẹp độc đáo và cuốn hút, lòng nhiệt thành tham gia vào lễ hội truyền thống của mỗi người dân cũng như du khách thập phương. Anh chia sẻ: Từ nhà ở thành phố Hải Phòng, tôi xuất phát vào 4h sáng để có thể kịp giờ tham gia chuỗi hoạt động trong lễ hội từ khoảng 6h sáng hôm ấy. Thức khuya, dậy sớm cũng chưa phải là điều vất vả nhất, bởi lễ hội diễn ra trong nhiều ngày nên để có thể ghi lại toàn bộ những khoảnh khắc ấn tượng đòi hỏi người nghệ sĩ luôn phải tập trung và sáng tạo. Vượt quãng đường xa nhưng trong lòng tôi luôn tràn đầy hứng khởi, mong muốn được tham gia vào hành trình vô cùng đặc biệt là cùng người dân xã An Khê làm nên cây đình liệu khổng lồ từ hàng trăm cây tre. Không chỉ thủ công hoàn toàn trong các công đoạn làm nên bó đuốc khổng lồ này mà việc di chuyển cây đình liệu từ nơi chế tác đến nơi được dựng lên cũng được khênh, vác bằng sức người. Cả quá trình vô cùng công phu đó khiến cho tôi nghĩ về những năm tháng xa xưa, dù cuộc sống có biến thiên từng ngày nhưng những lễ hội truyền thống với tục lệ độc đáo riêng có như sợi dây kết nối thế hệ hôm nay về với cội nguồn.
Trăn trở nhiều tháng ngày, nghệ sĩ Nguyễn Viết Rừng quyết định gửi bộ ảnh “Lễ hội đền Lộng Khê” đến cuộc thi đầu tiên là Liên hoan ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Hồng. Từ thành công tại đây, anh cho biết những hình ảnh về lễ hội sẽ tiếp tục được gửi tham gia các cuộc thi, liên hoan trong và ngoài nước, thiết thực quảng bá vẻ đẹp lễ hội trên quê hương mình. Anh mong mỏi, trong những mùa lễ hội kế tiếp, sẽ có nhiều du khách cũng như các nghệ sĩ nhiếp ảnh về với địa điểm độc đáo này.
Tác phẩm “Chiếu chèo làng Khuốc và bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống”, thể loại ảnh bộ của tác giả Nguyễn Phục Anh đạt giải Khuyến khích của liên hoan.
Là một trong số ít tác giả có 2 tác phẩm vinh dự được trao giải tại liên hoan, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Phục Anh, Chi hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết, thông qua những tác phẩm ảnh nghệ thuật, anh luôn mong mỏi được giới thiệu về nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Thái Bình. Trong đó, tác phẩm ảnh đơn “Nét đẹp ngày xuân” đạt Huy chương Bạc là khoảnh khắc được ghi lại trong dịp Bảo tàng tỉnh tổ chức trình diễn thư pháp nhân tết cổ truyền của dân tộc. Đây là hoạt động đã diễn ra trong nhiều năm và năm nào cũng được tổ chức rất trang trọng nhằm tôn vinh nét đẹp thư pháp cổ truyền. Đối với tác phẩm này, anh đã ghi lại khoảnh khắc ở nhiều góc máy khác nhau và quyết định chọn bức ảnh được ghi lại bằng flycam nhằm đem đến cho người xem cái nhìn toàn diện nhất về khung cảnh đón mùa xuân sang của những ông đồ, bà đồ trong tà áo dài thướt tha, tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã có khả năng thư pháp ấn tượng. Bức ảnh mang đến niềm tin về sự nối tiếp truyền thống của thế hệ hôm nay trong không khí tưng bừng của mùa xuân.
Tác phẩm “Nét đẹp ngày Xuân”, thể loại ảnh đơn của tác giả Nguyễn Phục Anh đạt Huy chương Bạc của liên hoan.
Trong khi đó, bộ ảnh “Chiếu chèo làng Khuốc và bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống” đạt giải Khuyến khích lại là tác phẩm vừa được hoàn thành trong đợt tập huấn do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức vào tháng 6 vừa qua. Một trong những điểm đến của chuyến thực tế sáng tác trong đợt tập huấn là chiếu chèo làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng). Đến với nơi đây, điều gây ấn tượng lớn đối với nghệ sĩ Phục Anh là tâm huyết của Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Ro - một người cao tuổi trong làng chèo - trong việc truyền nghề, truyền tình yêu và niềm đam mê với nghệ thuật chèo cho thế hệ trẻ của làng. Cảm phục trước tấm lòng của người nghệ nhân cao tuổi, bộ ảnh về chiếu chèo của anh xoay quanh câu chuyện về một lão nông diễn chèo, dạy chèo nơi nhà thờ tổ của làng chèo.
Tác phẩm “Biển vô cực Thái Bình”, thể loại ảnh bộ của tác giả Nguyễn Trọng Bằng đạt giải Khuyến khích của liên hoan.
Mỗi tác phẩm đều mang trong mình trăn trở, suy tư của người cầm máy trước cái đẹp của cuộc sống muôn màu. Như đối với thầy giáo Nguyễn Trọng Bằng, Trường Tiểu học Thụy Quỳnh (Thái Thụy), dù không phải tay máy chuyên nghiệp, mới đến với nhiếp ảnh trong vài năm qua, nhưng đã sở hữu hàng nghìn bức ảnh về “biển vô cực”. Niềm tự hào về một vùng biển độc và lạ trên quê hương đã thôi thúc anh bền bỉ liên tục ghi lại khoảnh khắc đón bình minh ấn tượng ở nơi đây. Giải Khuyến khích cho bộ ảnh “Biển vô cực Thái Bình” là thành quả của đam mê và tìm tòi với nghệ thuật nhiếp ảnh.
Tác giả Nguyễn Trọng Bằng chia sẻ: Khi tôi tiếp cận với nhiếp ảnh, tôi muốn tìm hiểu và khai phá vẻ đẹp của Thái Bình, nhất là quê hương Thái Thụy. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thấy được vùng biển Thụy Hải, Thụy Xuân có nét đẹp rất riêng, nhất là buổi sáng bình minh nên tôi đã chụp rất nhiều đưa lên các trang mạng xã hội, dần dần được các bạn trẻ biết đến, thích thú khi được đến với vùng biển Thái Bình và có những bức ảnh đẹp cho mình.
Tác giả Nguyễn Trọng Bằng luôn tự hào về vẻ đẹp vùng biển quê hương mình và mong muốn được lan tỏa điều đó tới tất cả mọi người.
Từ năm 2016 đến nay, tác giả Nguyễn Trọng Bằng đã chụp hàng nghìn bức ảnh tại khu vực “biển vô cực”, anh cho biết: Để chụp được ảnh đẹp tại vùng biển vô cực ở Thái Thụy, mọi người cần theo dõi App mực nước biển, khi nào nước cạn từ 1m8 trở xuống, thời tiết báo nắng đẹp mình đến thì sẽ chiêm ngưỡng được khung cảnh đẹp.
Thông qua triển lãm ảnh, người xem như được đến thăm biết bao điểm đến ấn tượng để hiểu hơn về trên mảnh đất, con người Thái Bình, đó là “Làng nông không cấy lúa”, “Xôn xao đồng ngao”, “Bình minh bến cá”, “Nhiệt điện Thái Bình - thắp sáng một vùng quê”, “Canh cửi ở Nam Cao”, “Lễ Tịch điền”, “Đồng Châu một sớm mùa thu”…
Đánh giá về các tác phẩm của nghệ sĩ Thái Bình, bà Nguyễn Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: Các tác phẩm đạt giải của các tác giả tại liên hoan lần này đã khai thác thế mạnh về di sản. Tôi rất hoan nghênh các tác giả Thái Bình đã tìm tòi, sáng tạo, khai thác tối đa những đề tài xung quanh mình, ở địa phương mình để giới thiệu vùng đất, con người Thái Bình, thu hút du lịch đến với Thái Bình. Tôi mong muốn các ban ngành của Thái Bình tạo điều kiện hơn nữa để nhiếp ảnh phát triển xứng tầm, được vào tốp đầu của khu vực.
Tác phẩm “Canh cửi ở Nam Cao”, thể loại ảnh bộ của tác giả Tô Mạnh là một trong những tác phẩm xuất sắc được triển lãm.
Sau nhiều năm lại được diễn ra ở Thái Bình, Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ 25 năm 2023 không chỉ cho thấy nỗ lực của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trong việc phối hợp tổ chức thành công liên hoan và triển lãm ảnh, mà đã ghi dấu ấn quá trình lao động nghệ thuật miệt mài của các tác giả trong quảng bá mảnh đất, con người quê hương. Từ thành công ở liên hoan năm nay, mong rằng sẽ tạo tiền để để có nhiều tác phẩm ảnh của Thái Bình được vinh danh trong những năm tiếp theo, qua đó góp phần quảng bá về mảnh đất, con người Thái Bình đan xen giữa truyền thống và hiện đại, đang hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới.
Nội dung: Tú Anh
Đồ họa: Thanh Tùng
Kỹ thuật: Hồng Nhung