Khác với các năm trước, kết thúc tháng 4/2023, xã Dân Chủ (Hưng Hà) đã hoàn thành 2 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân hai thôn Phú Hội và Đan Hội. Theo ông Nguyễn Văn Nghiệp, Bí thư Đảng ủy xã: Việc hoàn thành sớm giúp địa phương có thời gian giải quyết các đề xuất, kiến nghị của người dân chứ không dồn lại cuối năm như trước, hiệu quả giải quyết không cao. Bên cạnh đó, thay vì tổ chức tiếp xúc, đối thoại tại hội trường nhà văn hóa xã và mời đại diện người dân các thôn lên dự, xã đã chuyển địa điểm tiếp xúc, đối thoại về các thôn. Khi chuyển địa điểm về các thôn, người dân tham gia đông hơn, cán bộ có dịp gần gũi, lắng nghe được nhiều ý kiến của người dân hơn. Bà Phạm Thị Thịnh, thôn Hà Tiến chia sẻ: Trong cuộc đối thoại, người dân được nói lên ý kiến, suy nghĩ của mình trên tinh thần dân chủ, cởi mở, chân tình. Qua các buổi tiếp xúc, đối thoại, nhiều vấn đề ở cơ sở được giải quyết nhanh chóng; người dân cũng hiểu hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, từ đó tin tưởng, đồng thuận và nỗ lực cùng địa phương thực hiện.
Ông Trần Hữu Nam, Bí thư Huyện ủy Hưng Hà cho biết: Qua kiểm điểm, đánh giá lại, chúng tôi thấy việc hoàn thành tiếp xúc, đối thoại sớm sẽ giúp cấp ủy, chính quyền có thời gian giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân, cuối năm tổng kết, đánh giá lại chứ không phải chỉ làm cho xong, cho có, giống như để “quyết toán” cuối năm cho đủ chỉ tiêu. Vì vậy, năm nay huyện yêu cầu tất cả các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn phải hoàn thành trước ngày 30/6, trừ đối thoại chuyên đề.
Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải khẳng định: Đối thoại là “con đường ngắn nhất” tạo sự đồng thuận của nhân dân và được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của địa phương. Hàng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện bài bản việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đúng theo quy chế, đồng thời tổ chức các cuộc đối thoại chuyên đề xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của địa phương và yêu cầu của nhân dân. Trong đó, năm 2021 Tiền Hải lựa chọn tổ chức đối thoại về lĩnh vực giáo dục với mục tiêu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; năm 2022 tổ chức đối thoại với nông dân và cán bộ các HTX tháo gỡ khó khăn phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; năm 2023 tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục hành chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Thông qua tiếp xúc, đối thoại, giúp cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nắm được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao nhận thức, thực hiện tốt công tác tư tưởng cho cán bộ và người dân nhằm góp phần giải quyết những băn khoăn, vướng mắc, bức xúc, những vấn đề phức tạp phát sinh ngay từ cơ sở.
Theo bà Nguyễn Thị Thơm, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: Sau 4 năm triển khai thực hiện quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Một số cuộc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân chưa tạo được không khí cởi mở, dân chủ, xây dựng, nội dung còn tập trung vào báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, chưa gợi mở để nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề khó khăn, vướng mắc. Một số kiến nghị, đề xuất của nhân dân thông qua tiếp xúc, đối thoại chưa được giải quyết dứt điểm, do đó vẫn còn xảy ra tình trạng tập trung đông người, kiến nghị kéo dài, vượt cấp. Kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là ở cơ sở sau tiếp xúc, đối thoại còn chung chung, chưa giao nhiệm vụ cụ thể giải quyết các kiến nghị của nhân dân. Việc theo dõi, giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại chưa thường xuyên. Việc đánh giá sự hài lòng của nhân dân sau tiếp xúc, đối thoại chưa được quan tâm đúng mức...
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do: Một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu, cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của tiếp xúc, đối thoại với nhân dân và thực hiện kết luận, đánh giá sự hài lòng của nhân dân sau tiếp xúc, đối thoại. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực nhạy cảm tại một số cơ sở còn để xảy ra sai phạm, gây bức xúc trong nhân dân. Sự phối hợp giữa MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc nắm tình hình, dư luận nhân dân và giám sát quá trình thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp sau tiếp xúc, đối thoại còn hạn chế. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở một số nơi còn hạn chế, thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, “tư duy nhiệm kỳ”, để lại hậu quả tiêu cực khó khắc phục, giải quyết.
Những hạn chế trong tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên sẽ là “rào cản” rất lớn để các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần “nhìn thấu” những khó khăn, vướng mắc, tìm giải pháp khắc phục để tổ chức đối thoại bảo đảm thực chất, hiệu quả, không chỉ tạo được sự đồng thuận mà còn đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân
Nội dung: Nhóm phóng viên
Đồ họa: Dân Anh - Kỹ thuật: Phạm Thủy