Sau quãng thời gian thi đấu tại ASIAD 19, Hà Thị Vui gây ấn tượng mạnh với người đối diện bởi nước da thêm phần “bánh mật”. Điều đó khiến tôi nhớ tới những chia sẻ của Vui về khó khăn của VĐV đua thuyền: Để vươn tới thành công, VĐV nữ như em phải đánh đổi rất nhiều. Trong số ấy, đua thuyền là bộ môn thể thao chu kỳ, đòi hỏi sức mạnh cơ bắp rất vất vả. Đối với nam, điều này là bình thường nhưng với VĐV nữ, quả thực không hề đơn giản bởi phải quản lý ăn uống, bảo đảm đủ khẩu phần ăn, dinh dưỡng phù hợp trước và trong mỗi kỳ thi đấu. Trong khi đó, cũng là con gái nên VĐV nữ phải vượt qua tâm lý sợ ăn nhiều, sợ bị béo... Hơn nữa, mùa đông cũng như mùa hè, môi trường tập của đua thuyền luôn là ngoài trời, VĐV phải chịu nhiều điều bất lợi từ thời tiết như mưa gió, nắng cháy, rét mướt. Mùa đông thì VĐV đua thuyền tập trong làn nước lạnh “cắt da cắt thịt”, mùa hè thì làn da trở thành “bánh mật” hay “cột nhà cháy” là chuyện đương nhiên.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng với Hà Thị Vui, đua thuyền đã mang đến cho em quá nhiều điều tuyệt vời. Cầm trên tay 2 tấm HCĐ ASIAD 19 vừa đạt được, Hà Thị Vui xúc động chia sẻ: Em lớn lên trong gia đình làm nông ở vùng quê của huyện Hưng Hà, tình yêu thể thao, khát khao trở thành VĐV chuyên nghiệp đã thôi thúc ý chí, trở thành động lực lớn lao để em mạnh mẽ sống xa nhà từ năm học lớp 6. Xác định mục tiêu từ sớm như vậy nhưng khởi đầu của em không hề suôn sẻ. Sau quãng thời gian 5 năm tập luyện bộ môn điền kinh, em tự hiểu mình không thể phát triển được nữa và phải dừng lại. Bản thân em khi ấy thực sự buồn vì vẫn rất mong muốn có thể một ngày chinh phục ước mơ trở thành VĐV chuyên nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn nhất, may mắn đã đến khi em được trò chuyện với HLV Nguyễn Thị Hà ở bộ môn đua thuyền Rowing. Cô Hà đồng ý nhận em vào đội tuyển đua thuyền và chính là người dìu dắt em những “bước chân đầu tiên”, định hướng cho em trên con đường này. Được ở lại tập luyện trong vai trò VĐV ở bộ môn đua thuyền, em hiểu trở ngại lớn nhất của mình ở bộ môn này chính là thể hình bởi so với các VĐV khác, em như một “cô bé hạt tiêu”. Nhưng đó cũng chính là động lực để em quyết tâm thay đổi, đặt ra mục tiêu cho bản thân mình phải vươn lên từng ngày. Và có lẽ cũng như một cái duyên, đua thuyền đã chọn em, cho em cơ hội được khẳng định vị trí của bản thân mình, chinh phục ước mơ của mình.
Ngày 24/9, sau khi đạt HCĐ đầu tiên cho đoàn Việt Nam ở ASIAD 19 với nội dung thuyền 4 nữ hạng nặng mái chèo đơn, cả 4 VĐV Đinh Thị Hảo, Dư Thị Bông, Hà Thị Vui và Phạm Thị Huệ đều đã bật khóc. Có chút tiếc nuối khi họ đã ở rất gần HCB nhưng khoảng 300m cuối đường đua bị đội Nhật Bản vượt qua. Dù sao, thành tích về thứ 3 vẫn là rất đáng khen ngợi bởi Trung Quốc (về nhất) và Nhật Bản đều là những đội mạnh ở môn đua thuyền. Bên cạnh đó, khoảnh khắc nhận huy chương nội dung này cũng cho thấy về thể hình, thể lực, các “tay chèo” của đội Việt Nam quá chênh lệch so với đội bạn.
Với riêng Hà Thị Vui, kỷ niệm lần đầu thi đấu tại ASIAD 19 quả thực đã không thể ý nghĩa hơn khi đạt huy chương trong ngày sinh nhật của mình. Đây chắc chắn là lần sinh nhật đặc biệt nhất mà VĐV nào cũng mơ ước. Có một chút ngượng ngùng, cô gái Thái Bình tiết lộ thêm, cô dành tặng tấm HCĐ quý giá cho ông xã sắp cưới của mình, cũng là thành viên đội tuyển Rowing Việt Nam. Gia đình 2 bên đã gặp mặt và lên kế hoạch tổ chức lễ cưới vào cuối năm nay. Vui kể: Thật trùng hợp khi kỳ SEA Games 31 cũng là lần đầu tiên thi đấu SEA Games, em đạt 2 HCV. Đến kỳ ASIAD 19 này cũng là lần đầu tiên và con số 2, nhưng là 2 HCĐ. Điều quan trọng, ở giải đấu nào em cùng cả đội cũng đã nỗ lực và quyết tâm tới cùng để đạt tấm huy chương đầy thuyết phục.
Dù “bé hạt tiêu” nhưng Hà Thị Vui cũng là 1 trong số 8 VĐV đội tuyển Việt Nam mang về HCĐ ở nội dung thuyền 8 nữ mái chèo đơn. “Chiến thuyền” cho thi đấu nội dung này nặng gần 100 kg, bên cạnh đó, mái chèo thuyền cũng rất dài và nặng. Những VĐV như Vui đều tự khiêng thuyền và vác mái chèo đến nơi thi đấu cũng như trở về nơi tập kết. Hiện nay, giải vô địch quốc gia chưa có nội dung thuyền 8, dù vậy, khi nội dung mới mẻ này được đưa vào thi đấu tại ASIAD 19, đội tuyển Việt Nam đã quyết tâm dự tranh với vài tháng chuẩn bị, rèn tập, lắp ghép. Và thật ngoạn mục, Hà Thị Vui cùng các đồng đội đã làm chủ “chiến thuyền” khổng lồ một cách xuất sắc, đạt ngay tấm HCĐ ASIAD.
Nếu như trong hành trình hơn 20 năm của đua thuyền Rowing Việt Nam, Phạm Thị Thảo là cái tên được nhắc tới quá nhiều thì Hà Thị Vui nằm trong top thế hệ kế cận đầy tiềm năng được kể đến trong 3 năm gần đây. Điều đáng mừng, đội hình VĐV của Thái Bình tại ASIAD 19 mang tính kế cận cao khi Phạm Thị Thảo thuộc thế hệ 8x, đã ở tuổi 34, cũng là người thầy của Hà Thị Vui (sinh năm 1999) và Bùi Thị Thu Hiền (sinh năm 2002). Tin tưởng rằng, với quá trình đến với thể thao thành tích cao đầy sóng gió, Hà Thị Vui sẽ còn làm nên những kỳ tích đáng nể như đàn chị của mình.
Nội dung: Tú Anh
Đồ họa: Việt Hùng - Kỹ thuật: Thu Hà