Thái Thụy được biết đến là huyện đầu tiên của tỉnh đưa mô hình STEM vào trường học. Mô hình giáo dục này khởi đầu từ nền tảng vững chắc là văn hóa đọc, được xây dựng kiên trì thông qua các tủ sách phụ huynh đặt tại lớp học.
Năm 2014, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy đã chủ động mời các chuyên gia từ các cơ sở giáo dục có tiếng trên cả nước về tập huấn, tư vấn cho đội ngũ giáo viên và học sinh các trường trong huyện về giáo dục STEM; đồng thời cử các đoàn giáo viên, học sinh tham gia ngày hội STEM tại các tỉnh, thành phố khác như: Hà Nội, Nam Định, Lào Cai… để học kinh nghiệm. Thái Thụy đã xây dựng được bộ giáo án các tiết dạy sáng tạo khoa học - kỹ thuật bao gồm 70 bài giảng để hướng dẫn học sinh trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ. Đến nay, tất cả các trường học trên địa bàn huyện đều duy trì mô hình giáo dục STEM, nhiều trường đã thành lập câu lạc bộ STEM hoạt động 1 buổi/tuần, mỗi câu lạc bộ có từ 20 đến 30 học sinh tham gia trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện.
Tại Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy), Ban Giám hiệu nhà trường luôn chú trọng, khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời giáo viên và học sinh tham gia các hoạt động giáo dục STEM. Với tư duy sáng tạo, vận dụng kiến thức trong sách vào các sản phẩm khoa học gắn liền với thực tế, các em đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú về thể loại như: mô hình chạy được tàu thủy lực, ca nô điều khiển từ xa, robot quét nhà, thùng rác phân loại, máy phun thuốc trừ sâu, máy tra hạt, máy tưới nước tự động, đèn bắt muỗi... Có nhiều vật liệu tưởng chừng như không còn giá trị trong đời sống nhưng với sự sáng tạo và niềm đam mê nghiên cứu khoa học, công nghệ của học sinh đã trở thành những sản phẩm ấn tượng và thiết thực như máy lọc nước sạch trong gia đình, máy hút rác, máy báo trộm...
Nằm trong chuỗi hoạt động giáo dục năm 2023, vừa qua Trường Tiểu học và THCS Đông Các (Đông Hưng) đã tổ chức thành công ngày hội STEM, thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia. Tại ngày hội, các em học sinh trong câu lạc bộ STEM của trường đã trình diễn VEX IQ (thi đấu Robitics) bắn đĩa tự động, thi VEX IQ bắn đĩa điều khiển bằng tay; thi đua xe do học sinh khối 1, 2, 3 thực hiện; học sinh khối 4, 5 thi KC-BOT khu rừng kim cương (phiên bản Robot giáo dục được thiết kế chuyên dụng phục vụ cho giáo dục STEM); học sinh khối 6, 7, 8 thi lập trình robot ảo. Bên cạnh các sản phẩm STEM, Trường Tiểu học và THCS Đông Các và các trường mầm non, tiểu học, THCS cụm 5 (huyện Đông Hưng) tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm khoa học của giáo viên và học sinh.
Không dừng lại ở quy mô cấp trường, hưởng ứng và tham gia giải Vô địch VEX IQ Robotics toàn quốc 2023 diễn ra tại Hà Nội vừa qua, Trường Tiểu học và THCS Đông Các đã thành lập đội tuyển gồm 5 học sinh khối 8 đã tích cực tập luyện, tham gia giải đấu với sự nỗ lực, ham học hỏi và nghiên cứu. Qua các vòng thi, các em đều đạt thành tích khả quan ngoài sự mong đợi của thầy cô và các bậc phụ huynh với kết quả xếp thứ 62/156 đội chơi trên toàn quốc. Đây là bước khởi đầu và là động lực to lớn để thúc đẩy tinh thần học tập và nghiên cứu tham gia các hoạt động trải nghiệm các sân chơi thi đấu trên các mặt trận của học sinh nhà trường.
Có thể nói, việc từng bước đưa giáo dục STEM vào trường học đã mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, khuyến khích phát huy năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh. Giáo dục STEM là phương pháp mới phù hợp với việc tiếp cận và triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiệu quả thấy rõ là vậy nhưng khó khăn khi dạy giáo dục STEM hiện nay vẫn còn nhiều, một số giáo viên chưa chủ động đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy; cơ sở vật chất không bảo đảm, thiếu phòng thí nghiệm thực hành, phòng học công nghệ đa năng… để thầy trò trải nghiệm. Bởi vậy cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa để mô hình giáo dục hiện đại này được phát huy, giúp trang bị cho học sinh hành trang tốt nhất để thích ứng và phát triển trong thời đại công nghệ 4.0.
Ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy chia sẻ: Không nên nghĩ rằng STEM là cái gì xa vời, khó làm, khó thực hiện bởi thực tế mô hình giáo dục này đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm trước ở một số trường vùng sâu vùng xa. Muốn thay đổi nhận thức đó, phải tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ quản lý và cán bộ cốt cán các nhà trường để có cái nhìn chính xác hơn về giáo dục STEM.
Nội dung: Đặng Anh
Đồ họa: Việt Hùng - Kỹ thuật: Thu Hà