Những thập niên qua, trên nền lăng tẩm xưa, khi khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Đức từng bước được tôn tạo, ngày càng khang trang, xứng tầm với những sự kiện lịch sử. Lễ hội truyền thống cũng được khôi phục và duy trì. Không chỉ là một vương triều với võ công oanh liệt, giỏi đánh giặc, nhà Trần còn để lại cho hậu thế những nét sinh hoạt văn hóa rất riêng biệt, đặc sắc. Điểm sáng văn hóa của lễ hội đền Trần là nhiều lễ thức cổ truyền cùng trò chơi, trò diễn dân gian có cội nguồn từ thời Trần được duy trì nghiêm cẩn, bền vững.
Nghi lễ đầu tiên là lễ tế mở cửa đền vào sáng ngày 13 tháng Giêng. Trong không gian linh thiêng, trang trọng tại sân tòa trung tế của đền vua, đội tế thôn Tam Đường, thủ nhang và ban quản lý di tích đền Trần thành kính thực hiện nghi thức dâng hoa, dâng hương, dâng rượu tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân. Sau lễ tế mở cửa đền là lễ dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần.
Về ý nghĩa của các nghi lễ này, nghệ nhân ưu tú Vũ Xuân Thắng, Ban quản lý di tích đền Trần chia sẻ: Hoạt động vào sáng ngày 13 là hoạt động thường niên của lễ hội nhằm xin phép các bậc tiền nhân để mở cửa đền đón muôn dân trăm họ về dâng hương dâng lễ. Nghi lễ này không thể thiếu nhằm tri ân các vị tiền nhân, khơi dậy lòng yêu nước để cho quý khách thập phương, thế hệ trẻ về với lễ hội hiểu được đây là nơi tôn miếu, hơn 700 năm qua vẫn duy trì nghi lễ đó.
Buổi chiều ngày 13 tháng Giêng, lễ rước nước được long trọng diễn ra thể hiện đậm nét phương thức sống của cư dân vùng sông nước và mang tính nhân văn sâu sắc, nhắc nhở thế hệ sau nhớ lại thuở hàn vi của nhà Trần. Chưa năm nào lễ rước nước tại lễ hội đền Trần diễn ra quy mô với số lượng lớn đoàn tham gia như năm nay. Gần 80 đoàn rước với hơn 2.200 người tham gia đã thể hiện tấm lòng thành kính tri ân, chung sức đồng lòng của mỗi người dân đối với việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Trần.
Bao gồm các đoàn rước bộ và rước thủy, lễ rước khởi hành từ khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, đi dài ven đê tới bến sông Hồng. Tại đây, nghi lễ rước thủy được diễn ra trên sông Hồng. Các đoàn rước kiệu Phật xuống thuyền, đoàn thuyền khởi hành ra nơi dòng nước trong sạch, tinh khiết giữa sông Hồng trong niềm hân hoan, phấn khởi. Sau khi nước đã được lấy đầy chum, đoàn thuyền trở về trong những lời chúc tụng một năm mới mưa thuận gió hòa, vạn sự tốt lành, hanh thông.
Là bậc cao niên của thôn Tam Đường, xã Tiến Đức tham gia vào lễ rước, đại diện cho người dân của thôn xuống thuyền đi rước thủy, ông Lê Sĩ Hùng chia sẻ: Năm nào người dân trong và ngoài huyện cũng nô nức, phấn khởi chuẩn bị trang phục, kiệu rồng, cờ phướn... theo từng đoàn rước, bảo đảm lễ rước nước diễn ra linh thiêng, an toàn nhất. Lễ rước nước có ý nghĩa nhắc nhở con cháu nhớ lại thuở xa xưa nhà Trần trước khi có được giang sơn xã tắc vốn làm nghề chài lưới trên sông.
Diễn ra long trọng, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách có mặt tại lễ hội và hàng vạn người xem trên các nền tảng thông tin tuyên truyền, lễ khai mạc lễ hội đền Trần năm 2024 bao gồm chương trình nghệ thuật với màn trống hội “Long Hưng - tôn miếu triều Trần” quy tụ 175 tay trống tượng trưng cho 175 năm trị vì của vương triều Trần và vở diễn bán thực cảnh kết hợp trình diễn 3D mapping “Hùng oanh một cõi trời Nam”.
Vở diễn được đầu tư kỹ lưỡng, dàn dựng công phu, tạo thành điểm nhấn khó quên cho mọi du khách đã tái hiện những trận đánh oanh liệt của quân và dân nhà Trần trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước. Vở diễn khẳng định “Hào khí Đông A” luôn vang vọng. Ở đó, quân với dân một lòng thề quét sạch bóng thù, để cho “non sông ngàn thủa vững âu vàng”. Bằng công nghệ 3D mapping, một số hình ảnh như biểu tượng rồng thời nhà Trần được tái hiện biểu trưng cho uy quyền của các bậc đế vương nhà Trần.
Không chỉ đem đến cho khán giả một bữa tiệc âm thanh, ánh sáng tuyệt vời, chương trình giúp mỗi người thêm nhớ về nguồn cội, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.
Lễ hội đền Trần năm 2024 bảo lưu những trò chơi dân gian năm nào cũng được diễn ra như thi cỗ cá, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần giúp cho mỗi du khách tham gia vào lễ hội hiểu hơn về văn hóa, tục lệ cổ truyền của mảnh đất, con người nơi đây.
Ngoài ra, tại kỳ lễ hội năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, huyện Hưng Hà đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, tạo nên không khí sôi nổi trong mùa lễ hội đầu năm. Trong đó, du khách du xuân được hòa mình vào không gian nghệ thuật của triển lãm tranh và ảnh “Sắc xuân”, tham gia trình diễn và giao lưu thư pháp, cổ vũ các giải giao hữu bóng chuyền nam, giải cờ tướng, giải kéo co… Niềm vui trong ngày đầu xuân mới mang đến niềm tin và hy vọng cho một năm an lành, vạn sự như ý.
Năm 2014, khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội đền Trần của tỉnh Thái Bình được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 9/2021, quần thể khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể với diện tích 195,01 ha. Từ năm 2023, lễ hội đền Trần được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Việc tổ chức ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, nhất là công tác an ninh trật tự được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của mọi người dân.
Nội dung: Tú Anh
Đồ họa: Việt Hùng - Kỹ thuật: Thu Hà