Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định Tết trồng cây góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Người chỉ rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…”. Khắc ghi lời dạy của Bác, mỗi khi xuân về, khắp mọi miền đất nước lại sôi nổi phong trào trồng cây, gây rừng. Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp, truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Để phong trào trồng cây nhân dân mang lại hiệu quả thiết thực, tỉnh và các địa phương đều tổ chức phát động tết trồng cây mùa xuân, quán triệt sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của việc trồng cây. Yêu cầu các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể tổ chức tết trồng cây ở đơn vị mình, động viên đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia. Thời gian qua, phong trào trồng cây xanh được quan tâm, phát động mạnh mẽ từ tỉnh đến các địa phương cùng sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp, đạt được những kết quả có ý nghĩa to lớn, góp phần cải thiện môi trường, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và người dân. Năm 2023, toàn tỉnh đã trồng được 1,7 triệu cây phân tán nội đồng do người dân tự đầu tư giống, 33.000 cây bần chua tương đương với 17ha rừng từ các nguồn tài trợ và 20.500 cây mít do các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ.
Những ngày đầu năm, khu vườn ươm cây giống của gia đình ông Phan Văn Tý, xã Tân Hòa (Vũ Thư) tấp nập người ra vào chọn mua, vận chuyển cây. Hàng trăm loại cây giống từ hoa đến cây ăn quả, cây công trình đều do ông Tý tự ươm, chiết. Ông Tý chia sẻ: Thời tiết thuận lợi, kèm theo có những cơn mưa xuân đầu mùa là thời điểm thích hợp để trồng cây xanh. Trồng cây vào mùa xuân cây cối sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển. Do đó, trong việc ươm, chiết cây giống, gia đình tôi chủ động thực hiện để bảo đảm cả số lượng, chất lượng cây.
Năm 2024, huyện Kiến Xương phấn đấu trồng 22.000 cây phân tán các loại. Ông Đỗ Xuân Khu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khảo sát quỹ đất còn trống để trồng cây đầu năm, chú ý những nơi công cộng, xung quanh trường học, cơ quan, công sở, các cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp, khu chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, diện tích ven sông… Sau khi trồng phải có kế hoạch chăm sóc, quản lý, bảo vệ.
Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản nhân dân, đang đặt ra yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng quyết liệt hơn, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Chung tay cùng cả nước trồng mới 1 tỷ cây xanh, Thái Bình đã triển khai kế hoạch tổ chức phong trào Tết trồng cây gắn với tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu trồng 80.000 cây lâm nghiệp, tương đương 50ha rừng trồng mới và trồng bổ sung; 1,4 triệu cây phân tán nội đồng.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để thực hiện được mục tiêu trồng cây xanh đến năm 2025 của tỉnh, các địa phương, đơn vị cần phối hợp với ngành chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh. Tỉnh thực hiện rà soát, bố trí đất và giám sát thực hiện theo kế hoạch. Các địa phương, đơn vị cần tập trung quyết liệt trong công tác điều hành, chỉ đạo; chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc tổ chức trồng rừng, trồng cây xanh phân tán phải đúng thời vụ, thực hiện thường xuyên, lâu dài và bảo đảm phù hợp. Sau khi trồng, công tác chăm sóc, bảo vệ phải được đặc biệt quan tâm và gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân.
Riêng trong buổi lễ phát động tết trồng cây năm 2024, các địa phương đã trồng được 1.394 cây các loại. Sau mỗi tết trồng cây, Thái Bình lại có thêm hàng triệu cây xanh được trồng, chăm sóc. Trên khắp các địa phương của tỉnh, màu xanh đang gọi mùa xuân về. Màu xanh được bao phủ không chỉ có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh nhiều thách thức do biến đổi khí hậu mà còn góp phần phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nội dung: Lưu Ngần
Đồ họa: Thanh Tùng - Kỹ thuật: Thu Hà