Hơn chín giờ tối đi trên tuyến đê biển xã Thụy Hải tôi không khó để bắt gặp những tốp người tấp nập đi trong đêm tối, ai lấy đều trang bị đầy đủ những dụng cụ quen thuộc như xô nhựa, ủng, găng tay và một chiếc đèn pin gắn trên đầu. Đây đều là những dụng cụ để người dân đi bắt còng, bắt cua, cáy trong cánh rừng ngập mặn.
Hòa vào những tốp người trên, tôi may mắn được làm quen với chị Trần Thị Mai, một người dân địa phương có nhiều năm làm nghề bắt còng. Tôi được chị Mai giới thiệu với những người trong nhóm để được đi cùng họ tham gia bắt còng trong khu rừng ngập mặn. Từ tuyến đê biển, chúng tôi men theo con đường đất nhỏ khoảng hơn 1 cây số, xuyên qua khu nuôi trồng thủy sản của người dân mới đến điểm đầu vào khu rừng ngập mặn. Cánh rừng ngập mặn xã Thụy Hải trải dài ngút ngàn đang lặng yên trong đêm tối bỗng nhiên bị đánh thức bởi những tiếng gọi nhau í ới, tiếng nói cười rôm rả, những ánh đèn lóe sáng xuyên vào cánh rừng từ những người hành nghề bắt còng trong đêm. Từng nhóm 5 đến 6 người tỏa xuống cánh rừng bắt đầu một đêm lao động đầy vất vả của mình. Biết được những khó khăn, vất vả khi đi rừng nên tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ như đôi giầy, đèn pin, mặc quần áo dài tay để chống lại những mảnh hàu, mảnh ngao sắc lẹm, những cành cây đổ gẫy trong rừng và cả những con muỗi rừng nữa…
Khoảng hơn 10 giờ đêm, tôi bắt đầu cùng nhóm 6 người, trong đó có chị Trần Thị Mai đi vào cánh rừng. Trong nhóm này đa số là phụ nữ ở độ tuổi từ 35 đến 50. Mặc dù đã đồng ý cho tôi đi cùng, ghi hình và học cách bắt còng nhưng mọi người trong nhóm cũng không quên cảnh báo sự vất vả trong quá trình bắt còng.
Chị Trần Thị Mai chia sẻ: Tùy theo chiều con nước, việc bắt cáy của người dân có thể bắt đầu từ chập tối cho đến đêm hoặc có thể từ giữa đêm cho đến sáng sớm ngày hôm sau. Công việc đã gắn bó với chúng tôi hàng chục năm nay nên đường đi lối lại ở khu vực này trở nên quá đỗi quen thuộc với mọi người. Mùa nắng này thì việc bắt còng còn đỡ vất vả chứ mùa rét đi bắt còng rất vất vả, hơn nữa lại bắt được ít hơn.
Càng về khuya, thủy triều càng xuống nhanh hơn, để lộ ra con lạch lớn, uốn lượn ra biển. Càng đi sâu, luồn lách trong rừng ngập mặn khiến tôi có cảm giác như lạc vào mê cung với những lối đi phải luồn cúi. Có chỗ, chúng tôi phải cúi rạp người sát mặt bùn để đi. Trời về đêm, tiếng nói cười của mọi người cũng vơi dần, có lẽ họ đã bắt đầu “say” với ánh đèn, chú tâm vào công việc bắt còng. Theo những người bắt còng trong nhóm chia sẻ, con còng bò rất nhanh, khi thấy động, nó sẽ chui ngay vào lỗ hoặc trèo lên thân cây, lẩn vào trong lớp lá cây, nếu không nhanh thì không thể bắt được. Màu sắc của chúng cũng giống với màu lá cây khô, bùn đất nên rất khó phát hiện, phải chú ý đến đôi còng màu đỏ rất đặc trưng của nó. Với những người trong nghề nếu không mang bao tay mà bị còng cắp thì đau điếng chẳng khác nào ong đốt… Nhiều khi còn phải lăn lê, bò, trườn dưới bùn đất mới bắt được con còng, con cua. Tuy vất vả là vậy nhưng sau một đêm mọi người cũng bắt được từ 5kg đến 7kg còng. Sáng sớm, có người chờ sẵn trên đê biển để thu mua với giá bán 40 nghìn đồng/kg. Nhờ vậy mà sau một đêm vất vả trong rừng mọi người có một khoản tiền vài trăm nghìn để trang trải cuộc sống.
Quá trình đi bắt còng xuyên đêm cùng người dân miền biển tôi cảm nhận được những con người nơi đây rất thân thiện, dễ gần và thật thà. Cũng nhờ đi với họ mà tôi biết được nhiều điều về biển, về rừng và nỗi niềm của họ.
Ông Đào Ngọc Hùng, thôn Quang Lang Đoài, thành viên trong nhóm chia sẻ: Từ lợi ích của rừng ngập mặn mang lại nên càng ngày người dân địa phương càng thêm quý trọng và có ý thức bảo vệ rừng hơn. Người dân không còn chặt phá cây bần, sú vẹt về làm củi như trước đây. Ngược lại bà còn thường xuyên tham gia vào các hoạt động trồng rừng do các đơn vị, tổ chức tài trợ.
Không chỉ dừng lại ở việc khai thác thủy hải sản trong các cánh rừng ngập mặn hay ở vùng bãi triều, người dân tại các xã ven biển huyện Thái Thụy còn tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ, trồng và phát triển rừng ngập mặn.
Ông Tạ Duy Bình, Chủ tịch UBND xã Thụy Hải cho biết: Trên địa bàn xã hiện thành lập được một đội trồng rừng với số lượng thành viên lên tới hàng chục người, trong đó chủ yếu là phụ nữ. Họ chính là những người làm nghề khai thác thủy sản trên các cánh rừng ngập mặn và vùng đất bãi triều ven biển. Những năm qua, đội trồng rừng đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức trồng được thêm hàng trăm ha rừng trên địa xã, qua đó mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cộng đồng.
Kết thúc buổi đi bắt còng xuyên đêm trong cánh rừng ngập mặn cùng người dân địa phương cũng là lúc trời rạng sáng. Tôi và mọi người dừng chân, nghỉ ngơi trên vùng bãi biển “vô cực” xã Thụy Xuân ngắm nhìn ánh bình minh của ngày mới. Khi mặt trời bắt đầu nhô lên, cùng lúc thủy triều xuống thấp khiến bãi biển và bầu trời gần như không còn ranh giới, tạo thành tấm gương khổng lồ phản chiếu, kết hợp với hình ảnh người dân lao động khai thác hải sản trên bãi triều tạo ra khung cảnh độc đáo. Từ sáng sớm đã có nhiều người dân đến vùng biển này để mưu sinh bằng nghề bắt con móng tay. Cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng những người bắt móng tay ở đây chấp nhận sử dụng công cụ thô sơ là “thanh tiêm” - một thanh sắt nhỏ dài khoảng 30cm, để bắt từ 3kg đến 5kg móng tay mỗi ngày, từ đó cho thu nhập khoảng 200.000 đến 300.000/ngày.
Thời gian gần đây, biển “vô cực” ở Thái Thụy nổi lên như một điểm du lịch mới lạ, độc đáo, thu hút đông đảo du khách, nhiếp ảnh gia đến khám phá, trải nghiệm.
Qua khảo sát, khu vực này là bãi triều phía ngoài rừng ngập mặn, có diện tích gần 2.000ha, nằm trên địa bàn hai xã: Thụy Hải, Thụy Xuân. Tính đến nay, đã có hàng trăm nghìn lượt người tới tham quan, trải nghiệm tại đây. Tuy nhiên, điểm du lịch biển “vô cực” hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, tiếp đón khách du lịch đến tham quan, nhất là về hạ tầng giao thông, cơ sở dịch vụ hậu cần, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách đến khám phá, tận hưởng vùng đất mới.
Trong bối cảnh khó khăn trên, thì nhiều người dân làm nghề khai thác thủy sản trong khu rừng ngập mặn và vùng bãi triều ven biển đang trở thành những hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu, quảng bá về điểm du lịch của địa phương tới du khách. Bên cạnh đó họ cũng biết cách thu lợi từ hoạt động du lịch mang lại. Cụ thể như người dân cung cấp một số những dịch vụ cho khách du lịch khi đến đây tham quan, trải nghiệm, như: tổ chức trông giữ xe, cho thuê ghế ngồi và dụng cụ khai thác thủy hải sản để du khách trải nghiệm, chụp ảnh, hóa trang thành các ngư dân… Ngoài ra, nhiều người dân còn tích cực hướng dẫn du khách đi ra đến khu vực biển “vô cực” được thuận lợi, an toàn. Qua đó, không những góp phần vào phát triển hoạt động du lịch tại đây mà còn giúp người dân có thêm nguồn thu nhập.
Nội dung: Trần Tuấn
Đồ họa: Việt Hùng - Kỹ thuật: Hồng Nhung