NSƯT Ánh Điện cho biết: Tết Nguyên đán năm nay là cái tết rất vui đối với anh em nghệ sĩ bởi sân khấu đã sáng đèn trở lại, mọi hoạt động biểu diễn lại rộn ràng, tràn ngập khí thế tươi vui của một mùa xuân mới. Đây là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao đối với mỗi người làm nghề. Sau quãng thời gian sân khấu tạm dừng biểu diễn, lần đầu tiên đứng trên sân khấu khi ánh đèn sáng trở lại, phía dưới rất đông khán giả, đối với cá nhân tôi, đó là khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng như mình đã chờ đợi điều này từ lâu lắm rồi. Chính bởi vậy, đối với các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Thái Bình hiện nay, chúng tôi vô cùng trân trọng những buổi biểu diễn, những giây phút được mang lời ca, tiếng hát, điệu múa phục vụ khán giả gần xa, gìn giữ và trao truyền nghệ thuật của cha ông.
NSƯT Ánh Điện có được tình yêu với chèo từ các thế hệ trong gia đình mình, đặc biệt là từ ông nội và bố - những hạt nhân tiêu biểu trong phong trào văn nghệ quần chúng. Có bố là trưởng ban văn hóa xã, lại tích cực tham gia CLB chèo của địa phương nên từ khi còn thơ bé, NSƯT Ánh Điện cùng các anh em trong gia đình đã quen với những buổi tập chèo, xem chèo ngoài sân đình. Bố vừa đảm nhận vai trò nhạc công vừa là người sáng tác nhiều bài chèo, tiểu phẩm cho các thành viên của CLB tập luyện, vậy nên các con cũng thấm nhuần những điệu múa, lời ca của những “nghệ sĩ nông dân”. Tình yêu với chèo cứ lớn dần theo năm tháng, chân thành, mộc mạc như hạt lúa, củ khoai, để rồi ngay từ năm lớp 10, ông đã quyết định xin học ở đoàn chèo. Nhưng cái duyên chưa đến, sau đó cũng đã mấy lần trở đi trở lại vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Tốt nghiệp cấp 3 xong, ông được đoàn chèo ở tỉnh Tuyên Quang về nhận. Hoạt động tại đây được mấy năm, ông trăn trở rồi quyết định về phục vụ quê hương. NSƯT Ánh Điện vẫn còn nhớ như in buổi biểu diễn hôm ấy, ông cùng các thành viên CLB chèo của huyện tham gia liên hoan văn nghệ quần chúng của tỉnh, được ban giám khảo đánh giá cao. Thành công này tiếp thêm cho ông động lực để tham gia thi tuyển và được nhận vào làm tại đoàn chèo tỉnh Thái Bình. Vậy là quãng thời gian thử thách với nghề, thử thách niềm đam mê của bản thân chính thức bắt đầu.
NSƯT Ánh Điện chia sẻ: Các diễn viên bây giờ hơn chúng tôi của ngày ấy là được học hành bài bản trên trường lớp còn chúng tôi, là những giờ học trực tiếp trên sân khấu. Không sách, bút, không giáo án, các nghệ sĩ đi trước truyền nghề bằng việc cho mình được cùng tập, cùng diễn. Chỗ nào chưa biết, chưa hiểu, diễn chưa tới, mình đều phải mạnh dạn tự hỏi, tự học. Ban ngày là những giờ tập cùng cả đoàn, đến tối lại đi biểu diễn, vậy nên trong ngày cứ lúc nào rảnh rỗi, mình đều phải có ý thức tự tập, từ điệu cười, ánh mắt, tới cử chỉ, bước đi, khẩu hình… sao cho đúng. Có lẽ chính tình yêu, niềm đam mê, khát khao được tự khẳng định đã biến mình trở thành một khán giả khó tính của bản thân. Cứ thế, như viên ngọc thô được gọt giũa qua từng ngày, thành công đầu tiên khi ông được tin tưởng giao vai chính trong vở chèo cổ “Lưu Bình - Dương Lễ”. Liên tiếp sau đó qua hàng năm là những vai chính trong các vở diễn lớn của đoàn tham gia các kỳ hội diễn toàn quốc như vai Vương Tùng trong vở “Tiếng hát đưa nôi” (đạt huy chương vàng năm 2000), vai Thiện Sĩ trong vở “Quan Âm Thị Kính” (huy chương bạc năm 2001), vai cụ Lê Quý Đôn trong vở “Lê Quý Đôn” (huy chương vàng năm 2005), vai phó chủ tịch tỉnh trong vở “Đất làng” (huy chương bạc năm 2011), vai cụ Nguyễn Công Trứ trong vở “Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ” (huy chương vàng năm 2013), vai cụ Mạc Đăng Dung trong vở “Hoàng thái hậu Mạc triều” (huy chương vàng năm 2016), vai cụ Nguyễn Trãi trong vở “Trọn nghĩa non sông” (huy chương vàng năm 2019)…
Suốt mấy chục năm làm nghề, cuộc sống có lúc thăng, lúc trầm, nhiều niềm vui nhưng cũng không ít thách thức, nhất là trong giai đoạn hiện nay, nghệ thuật truyền thống có phần trầm lắng so với nhiều loại hình nghệ thuật đương đại nhưng chưa khi nào NSƯT Ánh Điện cho phép bản thân được nghĩ tới việc dừng bước với nghề. Ông chia sẻ: Tôi luôn tâm niệm bản thân mình đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để đến được với nghề, để được truyền nghề và để được đứng trên sân khấu như ngày hôm nay, vậy thì nếu mình thôi cố gắng, thôi nỗ lực là điều vô cùng đáng trách và có lỗi với tổ nghề, các thế hệ cha ông, nghệ sĩ đi trước đã dày công xây dựng đoàn chèo trước đây, Nhà hát Chèo Thái Bình hiện nay. Cuộc sống càng khó khăn, mình càng phải yêu chèo, yêu cái nghề, yêu con đường mà mình đã chọn nhiều hơn bởi mình không phụ nghề thì sẽ không bao giờ nghề phụ mình. Đồng hành cùng mình trên bước đường nghệ thuật này là rất nhiều anh em nghệ sĩ và còn biết bao khán giả vẫn đang luôn yêu thương, luôn ủng hộ. Tin tưởng chắc chắn rằng: Nghệ thuật chèo sẽ không mai một vì luôn còn những người như chúng tôi, đang nỗ lực từng ngày để bảo tồn và trao truyền những tinh hoa của chèo cổ.
Quan tâm phát triển tài năng nghệ thuật, NSƯT Ánh Điện cho biết, ông cùng ban lãnh đạo nhà hát, các thế hệ nghệ sĩ đi trước luôn động viên, tận tình truyền nghề cho các lớp nghệ sĩ kế cận với mong muốn các em có được nhiều cơ hội, bản lĩnh và tự tin đứng trên sân khấu, thể hiện những vở chèo, trích đoạn chèo cổ một cách chuẩn mực, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả hiện nay. Đồng thời, nhà hát cũng nỗ lực tổ chức nhiều hơn để tổ chức những buổi biểu diễn, lưu diễn những chương trình nghệ thuật đặc sắc, góp phần nâng cao đời sống, từ đó, mỗi diễn viên, nghệ sĩ trẻ thêm hăng say và quyết tâm hơn.
Với những đóng góp cho nghệ thuật chèo, NSƯT Ánh Điện đã được hội đồng nghệ thuật cấp nhà nước thông qua việc xét tặng danh hiệu NSND. Cũng như bao người dân Thái Bình, ông mong mỏi nghệ thuật chèo sẽ sớm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và bản thân ông sẽ tiếp tục nỗ lực trên hành trình trao truyền vốn cổ của quê hương.
Đồ họa: Việt Hùng
Trình bày: Hồng Nhung