Giữa cái nắng chói chang những ngày tháng 5, mồ hôi diêm dân như hòa với nước biển, gạn lọc làm nên những hạt muối trắng tinh. Những diêm dân chấp nhận gắn bó với nghề để giữ lại cái hồn của làng muối là họ chấp nhận giữ trên gương mặt mình những vết sạm đen vì nắng gió.
Dù đã ngoài 70 tuổi song vợ chồng ông Vũ Đức Liễn và bà Bùi Thị Đoàn vẫn duy trì sản xuất muối trên diện tích 7 sào. Nỗi niềm với nghề, vị mặn mòi của biển in hằn ở từng nếp nhăn, trên làn da đen sạm. Ông Liễn chia sẻ: Để làm ra hạt muối, diêm dân phải một nắng hai sương, làm việc hết sức vất vả. Không phơi trực tiếp nước biển như ở miền Trung hay miền Nam mà phải thêm công đoạn phơi cát, lọc cát để tăng nồng độ mặn. Nước biển được dẫn vào các khe giữa ruộng, thẩm thấu vào từng hạt cát. Khi cát chuyển màu sẫm do lớp muối bám chặt, chúng tôi gom cát lại, lọc cùng nước biển để lấy nước chạt. Tiếp đó là công đoạn phơi nước chạt trên sân phơi, sau khi hạt muối kết tinh sẽ thu hoạch. Công đoạn đổ nước chạt cũng cần tính toán kỹ càng. Tùy vào mức độ nắng mà lượng nước phơi dày hay mỏng. Nếu đổ quá nhiều, muối sẽ không khô và không thể thu hoạch. Nếu ít, muối sẽ bị khê hoặc không kết tinh được.
Nghề làm muối ở Thụy Hải bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 8 âm lịch. Tuy nhiên, tập trung nhất từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch. Muối được làm theo phương pháp phơi cát nên vẫn giữ được nhiều vitamin, khoáng chất cùng nhiều vi lượng có lợi cho sức khỏe.
“Đời ông cho chí đời cha
Có ba đống cát xe ra xe vào”
Thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, khắp cánh đồng muối gần 40ha của HTX Tam Ðồng đâu đâu cũng thấy bóng người thấp thoáng, lẫn trong màu trắng của những ruộng muối tinh khiết, tiếng kéo muối tất bật cả những trưa hè nắng gắt. Muối làm ra đến đâu nhà nước thu mua đến đó. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, giá muối xuống thấp, tiêu thụ khó khăn nên nhiều hộ đã “nhạt” với muối. Nhiều ruộng muối bị bỏ hoang, các ô phơi muối, bể lọc vắng người thau rửa, cỏ mọc um tùm.
Bà Bùi Thị Đoàn, thôn Tam Đồng chia sẻ: Con cái tôi cũng nhiều lần khuyên bố mẹ bỏ nghề, nghỉ ngơi an nhàn tuổi già nhưng vì lưu luyến nghề, không đành lòng nhìn cánh đồng trước Phủ Bà Chúa Muối bị bỏ hoang nên vợ chồng tôi vẫn bám trụ.
Cũng như vợ chồng bà Đoàn, ông Nguyễn Ngọc Thiện cố gắng duy trì 6 sào muối. Ông Thiện cho biết: Thời tiết quyết định tất cả thành quả của nghề làm muối. Do đó, có thể nói điều sợ nhất của diêm dân là những đợt mưa giông bất chợt. Bởi chỉ cần một cơn mưa thì công sức bấy nhiêu cũng trôi theo những hạt mưa. Hơn nữa, thu nhập từ nghề muối không cao nhưng chúng tôi muốn bảo tồn lại nghề truyền thống đã có từ hàng trăm năm nay gắn với di tích lịch sử Phủ Bà Chúa Muối. Thế hệ trẻ bây giờ không muốn gắn bó với nghề, phần lớn đi làm ăn xa hoặc làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp.
Ông Nguyễn Trọng Bằng, Giám đốc HTX Đại Đồng, xã Thụy Hải cho biết: Hiện, thôn Tam Đồng còn 52 hộ sản xuất muối với diện tích 160 sào. Sản lượng muối đạt 400 – 500 tấn/năm. Trên đồng đa phần là các cụ cao tuổi, vài ba người trung niên vẫn còn cặm cụi làm muối, họ tiếc nắng, nhớ nghề và một phần không có nguồn thu nhập nào khác nên tiếp tục gắn bó với công việc trở thành nguồn sinh nhai từ nhiều thế hệ trước.
Làm muối ở Thụy Hải không chỉ là nghề truyền thống mà còn gắn liền với di tích Phủ Bà Chúa Muối. Vì vậy, bảo tồn nghề sản xuất muối ngoài ý nghĩa về kinh tế còn là sự bảo tồn làng nghề hàng trăm năm tuổi, bảo tồn văn hóa truyền thống của di tích văn hóa, lịch sử Phủ Bà Chúa Muối.
Trên cánh đồng muối Tam Đồng, những diêm dân yêu muối, đau đáu với nghề truyền thống vẫn miệt mài chắt lọc vị mằn mòi của biển cả với những hy vọng mới về một nghề truyền thống giàu giá trị văn hóa sẽ được phục hồi, phát triển, sẽ không còn những thửa ruộng hoang hóa. Và đời sống của diêm dân sẽ không còn mặn chát như muối.