Thái Bình vốn là tỉnh thuần nông, người dân quanh năm lam lũ với ruộng vườn cây lúa, củ khoai. Với thế "ốc đảo" nên hoạt động giao thông, giao thương bị hạn chế. Tuy nhiên sau hơn một thập kỷ trường kỳ "làm mới" nông thôn, Thái Bình đã khoác trên mình tấm áo mới với những con đường rộng mở thênh thang, những cánh đồng lớn trù phú tốt tươi cây trái, những khu, cụm công nghiệp hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Làng quê "hóa" phố thị với những con đường hoa lung linh khoe sắc... Để hôm nay, Thái Bình mang trong mình dáng hình tươi tắn, sức trẻ của một miền quê đáng sống.
Công cuộc xây dựng NTM ở Thái Bình khởi nguồn từ những năm 2000 nhưng chỉ thực sự trở thành phong trào rộng khắp, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt từ khi có Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) ban hành về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26) chỉ lối, soi đường. Nhìn lại chặng đường 12 năm phấn đấu quyết liệt, để có được hình ảnh nông thôn đổi mới, càng khẳng định tính đúng đắn, thể hiện được ý Đảng, lòng dân cùng nhìn về một hướng. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sau gần 10 năm mạnh mẽ và bản lĩnh gồng mình khắc phục những hệ lụy của phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, năm 2008, Thái Bình đã mạnh dạn, chủ động, tự tin đi trước một bước – khi Trung ương chưa có quy định về tiêu chí xét NTM, tỉnh đã tự xác lập 30 tiêu chí xây dựng. Thái Bình thống nhất chủ trương thí điểm xây dựng mô hình NTM tại 8 xã điểm (mỗi huyện, thành phố một xã) là những xã thuộc loại hình khá giỏi, có hệ thống chính trị vững mạnh, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả cao; có năng lực tài chính để đối ứng các dự án; đội ngũ cán bộ xã năng động, nhiệt tình với công việc, đoàn kết thống nhất và có năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện; nhân dân trong xã có sự đồng thuận cao và hăng hái tình nguyện tham gia xây dựng mô hình; có cam kết của người dân và chính quyền địa phương về tỷ lệ vốn góp để thực hiện các dự án. Trong 8 xã: Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ), Hồng Minh (huyện Hưng Hà), Trọng Quan (huyện Đông Hưng), Thụy Trình (huyện Thái Thụy), Thanh Tân (huyện Kiến Xương), Nguyên Xá, (huyện Vũ Thư), Vũ Phúc (Thành phố Thái Bình) và An Ninh (huyện Tiền Hải), tỉnh lại chọn xã Thanh Tân làm thí điểm trước về quy hoạch mô hình nông thôn mới; rút kinh nghiệm kịp thời trong xây dựng quy hoạch nông thôn mới đối với 7 xã còn lại.
Nhớ về những ngày đầu thực hiện xây dựng NTM, ông Đặng Đình Bình, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM theo chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương, bình quân toàn tỉnh năm 2010 đạt 5 tiêu chí. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế, xã hội khu vực nông thôn hầu hết chưa đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, trong đó, thiếu quy hoạch phát triển nông thôn, kết cấu hạ tầng thấp kém, chưa đồng bộ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ... Qua khảo sát và đánh giá sơ bộ cho thấy thời điểm trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, lợi thế của Thái Bình rất ít.
Dồn điền đổi thửa tuy không nằm trong tiêu chí cứng xây dựng NTM nhưng nó lại là điều kiện để quy hoạch nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, làm nên những cánh đồng lớn, tạo quỹ đất để mở rộng đường thủy lợi nội đồng cũng như quỹ đất đấu giá để phục vụ xây dựng NTM, phát triển kinh tế.
Đứng trước những khó khăn, thách thức trong xây dựng NTM, nhất là sau khi thực hiện thí điểm ở một số địa phương, Thái Bình đã rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm. Từ đó, địa phương đã sớm có nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, trong đó Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 21/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 4/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XX) về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM, coi trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành chính là định hướng quan trọng, là mục tiêu để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện theo từng lộ trình, giai đoạn. Từ đó linh hoạt, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như đề ra một số cơ chế hỗ trợ của tỉnh phù hợp với thực tiễn của quá trình triển khai.
Cùng với ban hành nghị quyết, các chủ trương của tỉnh về xây dựng NTM đã được các cấp ủy đảng cụ thể hóa thành đề án, cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện của chính quyền; lồng ghép huy động tổng hợp các nguồn từ ngân sách; đồng thời phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn tỉnh, huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội cho xây dựng NTM. Ngoài ra, Thái Bình cũng tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp có tính đột phá như: quy hoạch, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cơ giới hóa và tổ chức sản xuất quy mô lớn… Với cơ chế đặc thù trong phân cấp và quản lý đầu tư xây dựng công trình đã tạo tính chủ động, sáng tạo của các địa phương cơ sở, huy động tối đa sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trong xây dựng NTM.
Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh cho biết: Chưa bao giờ người dân Thái Bình có được cơ hội lớn về chính sách kích cầu, đồng bộ như thế, từ hỗ trợ trực tiếp đến việc quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vào cuộc đưa chính sách đến tận người dân (hỗ trợ xi măng cứng hóa giao thông nông thôn, hỗ trợ sản phẩm đặc thù, hỗ trợ nước sạch, thu gom và xử lý rác thải nông thôn, phát triển nghề và làng nghề….). Từ đó, không chỉ hạ tầng nông thôn được đầu tư, các mô hình sản xuất tăng nhanh về số lượng, bảo đảm chất lượng và phát triển đồng đều, đa dạng các loại hình ở khắp các địa phương; đánh thức tiềm năng đất đai, lao động, trí tuệ và khát vọng vươn lên của người dân Thái Bình.
Đến năm 2020, 100% số xã đạt chuẩn NTM, 7/7 huyện đạt chuẩn NTM, thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, Thái Bình tự hào nằm trong tốp đầu cả nước về đích sớm trong xây dựng NTM giai đoạn đầu.
(Còn nữa)
Nội dung: Nhóm phóng viên
Đồ họa: Dân Anh
Trình bày: Hồng Nhung