Tốt nghiệp 2 trường đại học danh tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng tình yêu và niềm đam mê với nông nghiệp đã thôi thúc anh Lê Ngọc Huê trở về quê tại xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) để khởi nghiệp. Năm 2012, anh huy động vốn, vận động người dân trong xã cho thuê lại diện tích đất nông nghiệp tại bãi đê ven sông Luộc với diện tích trên 7ha trồng cây dược liệu với khát vọng nâng tầm “Trà Việt”. Thời điểm đó cũng không ít người hoài nghi về sự thành công của thanh niên “tay ngang” như vậy. Đầu tiên, anh mua giống các cây dược liệu về trồng trên 5ha nhưng do đất quá màu mỡ cỏ lấn át, cây không tồn tại. Lần thứ hai, anh trồng cỏ ngọt cũng thất bại vì mưa nhiều cỏ thối ngang thân. Lần thứ ba, Lê Ngọc Huê trồng đinh lăng thì gặp sương muối cũng chết gần hết. Sau ba lần thất bại tổng thiệt hại 600 triệu đồng khiến cả gia đình gần như sụp đổ.
Sau nhiều đêm thức trắng bên mảnh ruộng trơ trụi, Lê Ngọc Huê cay đắng tìm ra nguyên nhân thất bại của mình và quyết định trồng chùm ngây, đinh lăng và đưa một số cây trồng khác về trồng: hoàn ngọc, cà gai leo, xạ đen… chăm sóc đúng kỹ thuật, cuối cùng anh đã thành công. Vụ thứ tư này không những giúp anh trả hết nợ mà còn mở rộng diện tích trồng dược liệu lên 15ha. Sản phẩm trồng ra đến đâu thương lái tìm đến thu mua hết đến đó. Gia đình vốn có nghề truyền thống nên anh đã mày mò tìm cách sản xuất trà túi lọc để nâng cao giá trị sản phẩm. Năm 2013, anh Huê thành lập công ty, vay vốn mua máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất trà với quy mô 120 - 150 tấn dược liệu khô/năm và mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất.
Từ đây tên gọi trà thảo dược mới được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Sau gần 10 năm phát triển, Công ty có vùng nguyên liệu với diện tích gần 200ha, sản lượng gần 100 tấn trà/năm. Có 80 sản phẩm thảo dược, nhiều loại trà được khách hàng rất ưa chuộng, các sản phẩm trà túi lọc đinh lăng, trà túi lọc thìa canh, trà túi lọc cà gai leo đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Sản phẩm mang thương hiệu Thái Hưng của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, với trên 300 đại lý phân phối ở hầu hết các tỉnh, thành phố cả nước và xuất khẩu sang thị trường một số nước Đông Nam Á, Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ… tạo việc làm cho 60 lao động với mức lương 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Chị Mai Thị Tươi, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) từng là sinh viên duy nhất của Khoa Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội dành được học bổng toàn phần Eiffel của Chính phủ Pháp để theo học khóa thạc sĩ tại Pháp năm 2013 – 2014. Ra trường, chị có công việc ổn định tại 1 công ty đa quốc gia trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu ở Paris. Thế nhưng, từ bỏ công việc bao người mơ ước, chị trở lại Việt Nam và quyết định lựa chọn quê hương Thái Bình để khởi nghiệp từ nông nghiệp.
Trên cương vị Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân, chị Tươi đã xây dựng trung tâm sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao với quy mô 5,6 ha. Trong đó hơn 5.000m2 nhà màng công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Hiệp hội nhà màng Mỹ, 5ha vùng trồng an toàn ngoài ruộng và hệ thống kho chứa vật tư thiết bị phân bón, xưởng sơ chế đóng gói. Công ty cũng áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel, giúp tiết kiệm 30 - 60% lượng nước và phân bón thông thường. Việc trồng cà chua, ớt, dưa áp dụng theo một quy trình quy trình “5 không” nghiêm ngặt: không sử dụng giống không rõ nguồn gốc; không phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; không sử dụng cây trồng biến đổi gen; không thuốc kích thích tăng trưởng và không thuốc trừ cỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo chị Tươi: Hiện nay, người dân đều có mong muốn được sử dụng các loại nông sản sạch, an toàn nên nếu thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp vào lĩnh vực này sẽ thành công nhưng chúng ta phải có quyết tâm, đầu tư một cách bài bản. Tôi sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ kinh nghiệm khởi nghiệp từ nông nghiệp cho các bạn đoàn viên, thanh niên có nhu cầu.
Với việc thâm canh rau sạch trong nhà kính tiêu chuẩn VietGAP kết hợp truy xuất nguồn gốc, thương hiệu nông sản ViTaDeli của Công ty được nhiều người tiêu dùng lựa chọn tin dùng, bước đầu mở ra hướng phát triển mới. Sản phẩm đã được đưa vào bày bán ở các siêu thị của các thành phố lớn. Năm 2021, Mai Thị Tươi vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của. Đây là giải thưởng do Trung ương Đoàn trao tặng cho thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, có đóng góp tích cực vào hoạt động đoàn, hội ở địa phương và đơn vị.
Ánh nắng ban mai như mời gọi những nụ hoa mẫu đơn, nhài nhật, tường vi, mộc hương… hé nở, cả cánh đồng rực rỡ, lung linh thắp sáng, tỏa hương thơm cả một vùng trời. Ít ai biết rằng thành quả này lại nảy mầm từ cánh đồng chiêm trũng bị bỏ hoang mà vợ chồng nữ kỹ sư Đoàn Thị Khuyên, Nguyễn Quốc Thịnh, thôn Vân Đài, xã Chí Hòa (Hưng Hà) đã dày công gây dựng.
Tiếc đất bị bỏ hoang, lại sẵn có niềm đam mê làm giàu ngay trên quê hương, từ năm 2017, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, vợ chồng chị Khuyên quyết định thuê lại ruộng của bà con với diện tích 1ha để trồng hoa, cây cảnh. Ban đầu là bắc giàn, làm trụ để trồng hoa thiên lý nhưng do không phù hợp với chất đất nên cây chết , thiệt hại gần 200 triệu đồng. Không nản, anh chị tiếp tục tìm hiểu rồi chuyển sang trồng hoa, cây cảnh. Với phương thức trồng cây tán thấp xen canh với cây tán cao để tránh lãng phí đất và lựa chọn từng giống cây trồng phù hợp với vùng đất trũng nên lúc nào nhà vườn cũng đa dạng các loại cây.
Năm 2021, 2022 dù thời tiết có bất thuận, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng do thực hiện đúng kỹ thuật nên hoa, cây cảnh của chị đều phát triển tốt. Để từng bước xây dựng thương hiệu nhà vườn, chị quảng bá sản phẩm, bán hàng online trên website, facebook, zalo, chính vì vậy cây trồng đến đâu được bán hết đến đó. Sau nhiều năm vất vả, đến nay cứ mỗi sào chị Khuyên thu lãi trên 20 triệu đồng/năm. Không chỉ “bắt” cánh đồng chiêm trũng “nở hoa”, làm giàu cho gia đình, mô hình của vợ chồng chị Khuyên còn tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Khởi nghiệp từ nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh nền nông nghiệp nước ta cứ mãi loay hoay trong vòng “bão giá”, khó tìm đầu ra. Dẫu vậy, không có con đường dẫn đến thành công nào là bằng phẳng. Những anh Huê, chị Tươi, chị Khuyên... cũng đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, cay đắng trước khi được nếm “trái ngọt”. Hy vọng, câu chuyện về họ sẽ tạo nguồn cảm hứng gửi đến các bạn trẻ đã, đang và sẽ đi theo con đường làm giàu từ nông nghiệp.
Nội dung: Nguyễn Hình - Phương Chi
Đồ họa: Việt Hùng - Kỹ thuật: Phạm Thủy