Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Nguyễn Văn Luân, xã Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) làm công nhân cơ khí tại một công ty đóng tàu ở Quảng Ninh. Xa nhà, công việc không ổn định đã thôi thúc chàng trai trẻ về quê lập nghiệp vào năm 2010. 5 năm rong ruổi thu mua thóc của nông dân khắp các làng quê, anh nhận thấy diện tích ruộng bị bỏ hoang ngày càng nhiều, số hộ cấy lúa ít, trong khi nếu có cấy thì mặt bằng để phơi thóc không có. Thóc tươi thường được phơi trên đường giao thông, khi đó sức nóng trên trời rọi xuống, hơi nóng phía dưới bốc lên khiến hạt thóc dễ bị gãy vụn, bạc bụng. Hơn thế, phơi thóc trực tiếp trên đường còn lẫn sỏi đá, tạp vật làm phẩm cấp của nông sản giảm đi nhất nhiều. Bên cạnh đó, khi vào vụ thu hoạch mà trùng đúng đợt mưa bão, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong khâu phơi thóc. Thực trạng trên đã thôi thúc anh Luân quyết tâm đầu tư 150 triệu đồng tiền vay mượn và ít vốn tự có thuê mặt bằng, xây nhà xưởng, mua giàn sấy thóc đầu tiên đặt tại xã An Đồng. Đến năm 2018, anh đầu tư 15 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Duy Nguyên tại xã Quỳnh Bảo.
Đến nay Công ty của anh Luân có 4 giàn máy sấy thóc, công suất 100 tấn/ngày, máy xay xát gạo công suất 30 tấn/ngày. Hiện anh liên kết với 10 hợp tác xã, hơn 300 chủ hộ với diện tích cấy lúa khoảng 1.000ha; bán thóc, gạo cho hơn 1.000 công ty, đại lý, doanh thu mỗi năm từ 50 - 60 tỷ đồng. Lợi nhuận bao nhiêu anh tái đầu tư với mong muốn các hợp tác xã, bà con nông dân yên tâm về khâu phơi, tiêu thụ thóc, gạo. Không chỉ thành công trong liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo, tăng thu nhập cho gia đình, mô hình kinh tế của anh Luân đang tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Từng học cao đẳng chuyên ngành hàng hải, anh Trịnh Công Vinh, xã An Vinh, (Quỳnh Phụ) không làm công việc đúng với ngành nghề đã đào tạo mà quyết định trở về quê nội chọn nông nghiệp để khởi nghiệp. Năm 2016, anh thuê trên 5 mẫu đất chiêm trũng, cấy lúa kém hiệu quả của người dân để phát triển kinh tế V.A.C. Ban đầu, anh dành 2 mẫu ao nuôi các loại cá truyền thống, 3 mẫu đất quy hoạch xây chuồng trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Thử nghiệm nuôi ngan, vịt và lợn, nhưng sau 1 - 2 lứa nuôi hiệu quả kinh tế không được như mong muốn, anh quyết định chọn nuôi gà ri lai theo hình thức bán công nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học. Gà được nuôi gối lứa, mỗi lứa từ 3.000 - 5.000 con, bảo đảm lúc nào trang trại cũng có gà xuất bán. Đến nay là năm thứ 7 anh nuôi gà với quy mô khoảng 30.000 con/năm, xuất bán khoảng 70 tấn gà thịt, cho doanh thu 4 tỷ đồng/năm. Với thành công của mình, anh Vinh đã nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2020.
Thời điểm năm 2017 - 2018, từ bỏ mức thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, vợ chồng anh Lê Đức Tân trở về quê hương Tân Hòa (Vũ Thư) lập nghiệp, sản xuất kinh doanh thực phẩm từ những sản phẩm nông nghiệp đã gây ngạc nhiên cho nhiều người và chịu sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình. Từ 400m2 nhà xưởng ban đầu, đến nay, anh Tân đã thành lập công ty chuyên chế biến thực phẩm có diện tích hơn 2.000m2. Với nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất được trồng trên chính những cánh đồng ở Thái Bình, các sản phẩm như: tương ớt, nước tương, sốt chua ngọt, tương cà, dầu hào, tương đen…của doanh nghiệp đang được tiêu thụ tại 15 tỉnh, thành phố phía Bắc, miền Trung và xuất khẩu đi nhiều nước Đông Âu, cho doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Đó là kết quả của việc nhanh nhạy tìm hiểu nhu cầu của thị trường, chọn sản xuất các mặt hàng theo phân khúc sản phẩm từ cao cấp tới bình dân. Thành công của vợ chồng anh còn là minh chứng khẳng định đất quê tuy lập nghiệp khó hơn thành phố nhưng nếu có ý chí quyết tâm, năng động, có tinh thần dám nghĩ, dám làm thì hoàn toàn có thể làm giàu.
Ông cha ta đã có những đúc rút kinh nghiệm rất quý giá: “Không khôn gì trẻ, không khỏe gì già”. Tuổi trẻ - tuổi của ước mơ, khát vọnglàm giàu, mong muốn được đóng góp và cống hiến, muốn được vươn lên để khẳng định mình - đó là điều rất đáng quý. Song, bên cạnh đó, có những “lỗ hổng” mà tuổi trẻ chưa có cơ hội lấp đầy được đó là kiến thức được trang bị, mối quan hệ cần thiết lập, cải thiện và duy trì, những vấp ngã, cọ xát để mình có thêm những hiểu biết... Đây cũng chính là “rào cản” trên bước đường khởi nghiệp của các bạn trẻ. Và thực sự với lĩnh vực nhiều rủi ro như nông nghiệp nhiều bạn trẻ cũng chia sẻ nếu không có quyết tâm, không đam mê thì cũng chưa dám dấn thân. Thậm chí càng khởi nghiệp càng nghèo… Đây cũng là lý do ở Thái Bình chưa có nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên thành công từ lĩnh vực nông nghiệp.
Theo chị Đinh Thị Hoàn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn: Nhận thức được những khó khăn như vậy, thời gian qua, tổ chức đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tiếp lửa và thắp lên khát khao khởi nghiệp, lập nghiệp cho đoàn viên, thanh niên trên chính quê hương của mình. Các cấp bộ đoàn luôn đồng hành, phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị, hội nghề nghiệp hỗ trợ dạy nghề, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ quản lý theo mô hình mỗi doanh nhân trẻ sẽ hỗ trợ cho một bạn thanh niên khởi nghiệp. Tổ chức đoàn các cấp cũng đứng ra tín chấp với các ngân hàng vay vốn hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp với số dư đến nay trên 22 tỷ đồng.
Cùng với đó, Đoàn Thanh niên tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các phong trào khơi dậy, lan tỏa ý tưởng khởi nghiệp để kết nối các bạn sinh viên các trường đại học và thanh niên nông thôn. Nhiều năm qua, Tỉnh đoàn đều tổ chức các cuộc thi, phát động ý tưởng khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn và đã có nhiều đề tài, mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên tham gia, đạt giải. Từ đó, Tỉnh đoàn kết nối với các đơn vị giúp đoàn viên, thanh niên tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm; đồng thời tổ chức đoàn cũng là “cầu nối” nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, những mong muốn của đoàn viên, thanh niên kiến nghị với cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp tìm giải quyết, giúp các bạn yên tâm, vững vàng khởi nghiệp.
Nội dung: Nguyễn Hình - Phương Chi
Đồ họa: Việt Hùng - Kỹ thuật: Phạm Thủy