Mở màn cho chuỗi hoạt động vào mỗi kỳ lễ hội chùa Keo là lễ khai chỉ mở cửa đền Thánh. Nghi lễ này được thực hành bởi ban khánh tiết, các cụ tùy giá và ban tổ chức lễ hội. Đối với đoàn các cụ tùy giá là 16 bậc cao niên trong làng Keo đã đều đặn thực hành nghi lễ vào mỗi kỳ lễ hội hàng năm. Ông Nguyễn Hữu Khang là người đã có hơn 20 năm trực tiếp gắn bó với các nghi lễ truyền thống trong lễ hội chùa Keo, hiện nay với mỗi kỳ lễ hội, ông đều đảm nhận vai trò trưởng ban khánh tiết.
Ông Khang xúc động chia sẻ: đã thành xuân thu nhị kỳ, cứ tới lễ hội truyền thống chùa Keo, các bậc cao niên trong làng lại khăn áo chỉnh tề thay mặt dân làng ra dâng hương, dâng hoa, tế lễ, xin phép Đức Thánh mở cửa đền Thánh để khai chỉ, khai hội. Sau khi các cụ tùy giá đã thực hành tế lễ, nhà chùa và ban khánh tiết mới lên mở cửa đền Thánh để các đoàn đại biểu và nhân dân vào dâng hương.
Theo ông Khang, lễ vật dâng lên Đức Thánh được người dân làng Keo chuẩn bị chu đáo, là những sản vật của làng. Không những vậy, đoàn các cụ tùy giá cũng được lựa chọn cẩn trọng. Đây đều là những bậc cao niên được người dân trong làng kính nể, gia đình yên ấm, thuận hòa. Đoàn các cụ tùy giá có thể có sự thay đổi qua từng năm, bởi những người gia đình có chuyện buồn, sức khỏe không tốt... sẽ không tham gia vào đoàn. Đây là nghi lễ cổ truyền, mang tính linh thiêng, mở màn cho mỗi mùa lễ hội nên người dân làng Keo đều chung tay góp sức để mọi hoạt động diễn ra trang nghiêm, thành kính, theo đúng tục lệ của làng.
Nếu như với mỗi mùa lễ hội hàng năm, chương trình trống hội và du thuyền hát giao duyên đã trở thành điểm nhấn mang không gian văn hóa cổ truyền của chùa Keo thì đối với lễ hội chùa Keo năm nay, ngay tại lễ khai mạc, nhân dân địa phương và du khách thập phương đã được đón xem một chương trình nghệ thuật hoành tráng với sự tham gia của 250 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ Nhà hát Chèo, Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Vũ Thư... Sự chỉn chu trong từng bối cảnh sân khấu giúp người xem hiểu hơn về cuộc đời, công trạng của Đức Thiền sư Không Lộ, quá trình xây dựng chùa Keo và sự chung tay bảo vệ, giữ gìn ngôi chùa cổ kính của người dân làng Keo qua biết bao biến thiên của lịch sử.
Bên cạnh đó, vào các ngày lễ hội, không gian chiếu chèo quê với màn giao lưu hát làn điệu chèo cổ của các câu lạc bộ chèo trên địa bàn huyện Vũ Thư ngay tại khuôn viên chùa Keo không chỉ góp phần bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống mà còn là trải nghiệm thú vị đối với mỗi du khách khi được thưởng thức nghệ thuật chèo trong một không gian cổ kính.
Tại lễ khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm nay đã long trọng diễn ra lễ đón quyết định công nhận Hương án chùa Keo là bảo vật quốc gia. Hương án hiện đang được đặt trang trọng tài tòa ống muống (phụ quốc) tiếp giáp với tòa hậu cung của khu thờ Đức Thánh Dương Không Lộ.
Chị Nguyễn Thị Phương Duyên, hướng dẫn viên tại khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo cho biết: Ngay trong ngày đầu tiên của lễ hội chùa Keo mùa thu, đã có rất đông du khách về với chùa Keo để được tận mắt chứng kiến bảo vật quốc gia. Bản thân tôi cũng đã được thuyết minh với rất nhiều đoàn khách về Hương án chùa Keo - một kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam với những điều độc đáo về hình như kích thước lớn, hoa văn trang trí dày đặc và hệ thống bánh xe; bên cạnh đó còn là những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Thông qua bảo vật Hương án chùa Keo, chúng ta càng thêm tự hào về ngôi chùa cổ kính gần 400 năm tuổi.
Ông Đỗ Ngọc Trung, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Keo chia sẻ: Chúng tôi đã tăng cường việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức tại lễ hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tầng lớp nhân dân hiểu được giá trị của Hương án chùa Keo. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ban quản lý di tích phối hợp với ngành chức năng xây dựng kế hoạch bảo vệ đặc biệt, tăng cường công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm ngưỡng của bà con nhân dân và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia. Để giữ gìn bền vững bảo vật mãi mãi với thời gian, chúng tôi đã tham mưu đề án tới đây sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Ông Đặng Hồng Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư thông tin thêm: sự kiện Hương án chùa Keo được công nhận bảo vật quốc gia có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, khẳng định giá trị di sản quý báu được Nhà nước, các bộ, ngành quan tâm dành cho Vũ Thư nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung. Đây là sự tiếp nối rất đáng tự hào sau khi chùa Keo được công nhận di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012 và lễ hội chùa Keo được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017. Phục vụ cho mùa lễ hội, huyện đã dành kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, các hạng mục phụ trợ, quy hoạch xây dựng hệ thống hàng quán dịch vụ, đầu tư sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu hành lễ của du khách thập phương bảo đảm an toàn, văn minh, lịch sự.
Hiện nay, huyện Vũ Thư đang triển khai dự án mở rộng thêm khuôn viên di tích chùa Keo là 9,32ha theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi tin tưởng với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành và đặc biệt là sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo sẽ là điểm đến du lịch hàng đầu của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nội dung: Tú Anh
Đồ họa: Việt Hùng
Trình bày: Hồng Nhung