Về tới Đồng Xâm, tiếng búa tiếng đục rộn rã trong từng hộ gia đình. Nghệ nhân ưu tú Đặng Xuân Tư, người được mệnh danh là một trong những tài hoa có đôi bàn tay vàng chạm trổ, chế tác của vùng năm nay đã ở tuổi xưa nay hiếm. Dành cả cuộc đời gắn bó với nghề truyền thống chạm bạc cùng niềm vui nỗi buồn theo thăng trầm của nghề nên trong câu chuyện ông chia sẻ không chỉ là niềm tự hào mà đau đáu trong đó là nghĩ suy để thế hệ tiếp nối phát huy được tinh hoa của làng nghề và tiếp tục lưu truyền cho hậu thế.
Còn đối với nghệ nhân ưu tú Tạ Văn Úy, xã Hồng Thái mặc dù làm sau nhưng anh đã không thua kém thế hệ cha ông. Anh Úy cho biết: Tôi 56 tuổi nhưng đã có 40 năm trong nghề chạm bạc, làm nhuần nhuyễn và vận dụng linh hoạt 4 khâu kỹ thuật cơ bản của nghề. Từ một tấm dát phẳng bằng kim loại tôi có thể tạo ra các sản phẩm chạm bạc nghệ thuật được diễn tả bằng hình khối với độ chìm nổi khác nhau. Ngoài ra tôi còn phải có trí tưởng tượng tốt, vận dụng hình ảnh thực ngoài đời vào sản phẩm. Vì thế tôi đã truyền nghề cho nhiều lao động của địa phương, góp sức đem nghề chạm bạc vượt khỏi thôn Hữu Bộc và mở rộng sang 2 xã lân cận. Năm 2014 tôi đã vinh dự được Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam tặng giấy chứng nhận “Bàn tay vàng”, năm 2022 sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ của tôi đã được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Giống như anh Úy, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn, xã Lê Lợi cũng là những thế hệ sau nhưng đã cùng các thành viên trong hội làng nghề kim hoàn Văn Hanh vận động các tổ sản xuất mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, tạo ra những sản phẩm đẹp, có độ tinh xảo cao nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, bảo tồn tinh hoa nghề truyền thống.
Nhờ có bàn tay tài hoa mà anh đã tạo nên nhiều sản phẩm có giá trị cao cả về mỹ thuật và kinh tế, tiêu biểu như lọ hoa chạm trổ tùng, cúc, trúc, mai và tứ quý; tranh chữ các loại; cuốn thư và hoành phi câu đối, hộp card visit mạ vàng, bạc, chạm hoa văn; lư đồng, bộ con giống 12 con giáp… Nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàn cũng đã tham gia công tác đào tạo nghề cho hơn 300 người, bao gồm cả lao động mới, lao động nâng cao tay nghề.
Hình ảnh người làm nghề chạm bạc toát lên bản tính người dân Việt Nam quanh năm cần cù, chịu khó. Nhờ đôi bàn tay khéo léo và sự cần mẫn, họ không bao giờ hết việc, làng nghề chưa bao giờ ngưng tiếng búa, cứ đời này nối tiếp đời kia làm nghề. Từ xa xưa người làm chạm bạc đã sản xuất ra những mặt hàng cao cấp, tạo tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước về làm hàng thủ công mỹ nghệ. Theo năm tháng, làng nghề đã chuyển từ hàng xuất khẩu sang phục vụ thị trường trong nước với các sản phẩm tranh đồng, đồ trang trí nội thất. Công nghệ ngày càng hiện đại nhưng nhiều công đoạn vẫn phải làm thủ công, trong đó quan trọng nhất là khâu chạm. Mỗi sản phẩm đều thể hiện trí sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của người thợ, đó chính là nét tinh hoa văn hóa của làng nghề. Họ phải thật sự tâm huyết mới cho ra được những sản phẩm độc đáo mà không nơi nào có được.
Những sản phẩm chỉ đơn giản là những bức tranh, cái trống đồng, bộ lư hương, hoành phi câu đối nhưng đều gợi về phong tục tập quán, văn hóa của người dân Việt Nam. Vì vậy, cứ từ ngày mùng 1 đến ngày 3/4 âm lịch lễ hội đền Đồng Xâm lại được tổ chức để tri ân, tưởng nhớ đến ông tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu. Đến với lễ hội du khách sẽ được chứng kiến các hoạt động tế lễ, các trò chơi dân gian đặc sắc, mang đậm văn hóa truyền thống vùng châu thổ sông Hồng.
Ông Nguyễn Văn Niết, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Toàn xã hiện có 158 tổ sản xuất, 6 nghệ nhân, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động. Nghề chạm bạc phát triển không chỉ là nguồn thu nhập chính của người dân, đem lại giá trị sản xuất từ nghề đạt 130 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 45% tổng giá trị sản xuất của xã mà còn kéo theo sự chuyển dịch trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay nhiều người mải làm nghề không còn cấy lúa đã tạo điều kiện cho các hộ khác mượn ruộng góp phần giảm tình trạng bỏ ruộng hoang ở địa phương, xuất hiện nhiều mô hình tích tụ ruộng đất lớn.
Một trong số những công nhân chạm bạc lành nghề, bà Tạ Thị Thu cho biết: Tôi làm nghề từ năm 18 tuổi, đến nay đã 60 tuổi vẫn gắn bó với nghề, mỗi một bức tranh tôi chạm đều theo một chủ đề, ý nghĩa của từng tích truyện nên đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cũng vì thế nghề đã mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Với những hộ tập trung làm nghề truyền thống không cấy lúa thì diện tích ruộng lại nhượng lại cho các hộ làm nông nghiệp tích tụ để đưa máy móc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng nên đời sống vì thế cũng khấm khá lên.
Hiện nay dù còn nhiều khó khăn trong việc truyền nghề cho lớp trẻ, nhưng với tâm huyết của những nghệ nhân làng nghề và hơn hết là những tín hiệu vui của thị trường, những người thợ kim hoàn làng Đồng Xâm có nhiều hy vọng để tin tưởng vào tương lai phát triển, góp phần làm nên bức tranh đẹp về làng nghề truyền thống có một không hai ở miền quê lúa.
Nội dung: Thu Thủy
Đồ họa: Việt Hùng - Kỹ thuật: Phạm Thủy