Tới cửa ngõ của thành phố Điện Điện Phủ ngập sắc cờ hoa rực rỡ, trong lòng bất kỳ ai đều cảm thấy xúc động, bồi hồi, xen lẫn tự hào, trong tim vang lên khúc khải hoàn ca: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui...”. Đã có rất nhiều đổi thay trên vùng đất từng là chiến trường khốc liệt năm xưa với chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân dân ta, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Trên mảnh đất oai hùng này, quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ luôn được tỉnh Điện Biên giữ gìn, bảo vệ, đồng thời phát triển thành điểm nhấn trong hành trình tìm về cội nguồn chiến thắng và sức mạnh dân tộc.
Anh Phạm Ngọc Hân, Tổng biên tập Báo Điện Biên Phủ chia sẻ với chúng tôi: Quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ là một trong hơn 100 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước và đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên. Trong đó có di tích lịch sử đồi A1 - nơi diễn ra trận chiến cam go, khốc liệt giữa Quân đội Việt Nam và quân đội Pháp vào năm 1954, nơi ghi lại mốc son rực sáng trong lịch sử của cả dân tộc ta.
Để có được chiến thắng vĩ đại này, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ riêng tại cứ điểm đồi A1 đã có hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ của ta đã hy sinh. Khi ấy, đồi A1 chỉ toàn màu vàng của đất, màu đen của khói, thuốc súng và màu đỏ của máu. Máu đào của các anh đã đổ xuống để đất nước ta “nở hoa độc lập - kết trái tự do”. Hôm nay, trong những ngày tháng 5 lịch sử, màu hoa phượng đỏ thắm trên đỉnh đồi A1 tô thắm bầu trời Điện Biên, cháy lên “ngọn lửa” của tinh thần quyết chiến - quyết thắng, để lại những cảm xúc đặc biệt cho bất cứ ai đến nơi này.
Những ngày tháng 5 lịch sử này, cả lòng chảo Điện Biên trở nên sôi động, hào hùng như không khí của những ngày chiến thắng. Những vần thơ bất hủ của nhà thơ Tố Hữu “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” lại vang lên nhắc nhở mỗi người dân Việt Nam tìm về cội nguồn chiến thắng, tìm về nơi 70 năm về trước lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm De Castries, báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Căn hầm được thiết kế kiên cố, vững chắc, là nơi quân và dân ta đổ biết bao công sức, xương máu để quyết tâm giành chiến thắng. Địa điểm này cũng là trận tấn công cuối cùng, mang tính quyết định của chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung. Nơi đây, đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Chỉ huy trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 - Tạ Quốc Luật đã bắt sống tướng De Castries. Hình ảnh lá cờ tung bay trên nóc hầm đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cho sức mạnh và bài ca chiến thắng của dân tộc Việt Nam.
Lòng chảo Mường Thanh như một “di tích sống” gắn với những chiến công lẫy lừng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 5/1954. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Thanh ngút ngàn một màu xanh mướt của lúa, của ngô gợi nên sức sống đang trào dâng mãnh liệt. Dòng sông Nậm Rốm hiền hòa chảy dọc theo thung lũng như người mẹ vươn mình nâng đỡ thành phố nhỏ xinh và cánh đồng xanh mướt mắt, ôm ấp cộng đồng nhiều dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất này. Bao bọc xung quanh đó là những triền núi trập trùng, hùng vĩ, cao ngút tầm mắt. Nơi đây có di tích đặc biệt - Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng già ở xã Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ). Tại đây, cơ quan đầu não của Quân đội ta đã “đóng chốt” 105 ngày (từ 31/1/1954 đến 15/5/1954). Nơi đây cũng được coi là “trái tim” của chiến dịch Điện Biên Phủ - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi cuối cùng của chiến dịch.
Trong dòng người về với Điện Biên, đến Mường Phăng hôm nay có những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhiều người là đồng đội, là thân nhân, con cháu của những liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Và cũng không ít người mới lần đầu đến với mảnh đất này, đến với các di tích của chiến trường xưa. Mỗi người một cảm nhận, một tâm trạng nhưng đều thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hy sinh xương máu để làm nên chiến thắng.
Mỗi điểm di tích như: Đồi A1, hầm De Castries, Sở Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, đồi Ðộc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, Tượng đài chiến thắng, Tượng đài kéo pháo, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1... là một chứng tích với rất nhiều câu chuyện của một thời đạn bom, khói lửa khốc liệt nhưng cũng rất đỗi hào hùng, oanh liệt của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Câu chuyện đó một lần nữa lại được tái hiện sinh động qua gần 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh, bản đồ, đặc biệt là bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.… được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đó là hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên “khoét núi, ngủ hầm”, là những dân công hỏa tuyến bên chiếc xe thồ hướng về Điện Biên, hình ảnh tham gia chiến dịch của đồng bào các dân tộc thiểu số, khí thế tiến công như vũ bão của quân và dân ta trên các cứ điểm và đặc biệt là trận quyết định trên đỉnh đồi A1 lịch sử. Tất cả đã truyền tải một một thông điệp của thế hệ cha anh đến lớp lớp các thế hệ mai sau đó là: Bằng lòng quả cảm và trí tuệ vô song, bằng mưu lược quân sự đã được nâng tới tầm nghệ thuật, được hun đúc bởi lòng yêu nước nồng nàn, chính nghĩa và lịch sử mấy ngàn năm giữ nước; bằng sự hy sinh anh dũng của bao anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ, sự đóng góp xương máu của đồng bào; bằng sự hiệp đồng chặt chẽ của các dân tộc anh em, sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới... dân tộc Việt Nam ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bà Nguyễn Thị Hoa, quận Hoàng Mai (thành phố Hà Nội) chia sẻ: Tôi lên Điện Biên nhiều lần nhưng lần nào cũng rất xúc động, tự hào, mảnh đất này đã có những đổi thay diệu kỳ. Khi được xem toàn cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ thông qua bức tranh Panaroma tôi thấy rất vĩ đại, hùng vĩ và rất biết ơn các anh hùng liệt sĩ, thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh giành lại độc lập, tự do, mang lại cuộc sống hòa bình cho hôm nay.
Tạm biệt Điện Biên, tạm biệt vùng đất phía Tây Bắc thiêng liêng và hùng vĩ của Tổ quốc, nơi cất giữ những bài học quý giá, góp phần làm nên giá trị lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Máu đào của thế hệ cha ông đã nhuộm thành màu cờ Tổ quốc, để cho thế hệ hôm nay được sống trong thanh bình, hạnh phúc. Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là điểm tựa lịch sử, chiến thắng vĩ đại của dân tộc mà còn là sợi dây kết nối, bền chắc, xuyên suốt con người Việt Nam. Đó là linh hồn, là điểm hội tụ để muôn trái tim hướng về Điện Biên, hành trình về với mảnh đất, con người Điện Biên để khắc sâu tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chung tay dựng xây đất nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.
Nội dung: Nhóm phóng viên
Đồ họa: Việt Hùng - Trình bày: Thu Hà