Thứ 7, 30/11/2024, 08:32[GMT+7]

Đẩy mạnh làm việc trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19

Thứ 4, 01/04/2020 | 17:31:11
2,191 lượt xem
Thực hiện Công điện khẩn số 04 của UBND tỉnh về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, ngày 1/4, theo ghi nhận của phóng viên Báo Thái Bình, nhiều cơ quan hành chính nhà nước đã bố trí cho một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) làm việc tại nhà. Các cuộc họp đã được chuyển sang hình thức trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn.

Làm việc trực tuyến tại nhà được nhiều cơ quan, đơn vị triển khai để phòng tránh dịch Covid-19.

Bên cạnh việc bảo đảm an toàn thông tin liên lạc, kịp thời tuyên truyền về việc triển khai các nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh, trước tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai làm việc trực tuyến để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. 

Trong thời gian cao điểm 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4, Sở TTTT bố trí tối thiểu 1 lãnh đạo sở, các phòng bố trí tối thiểu 1 cán bộ làm việc tại cơ quan. Tùy điều kiện cụ thể, lãnh đạo sở có thể điều động để xử lý tình huống phát sinh theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Trung tâm CNTT và Truyền thông có phương án chi tiết cụ thể riêng phục vụ vận hành, quản trị các hệ thống ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh đáp ứng nhu cầu làm việc trực tuyến của tỉnh. Xác định làm việc trực tuyến dù không đến cơ quan, công sở nhưng vẫn phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, Sở TTTT đã yêu cầu cán bộ, công chức làm việc trực tuyến phải đăng ký kế hoạch, lịch trình làm việc hàng tuần. Các trưởng phòng, đơn vị trực thuộc có trách nhiệm quản lý tiến độ, thời gian làm việc của công chức làm việc trực tuyến. Trong giờ hành chính, công chức và người lao động phải làm việc trực tuyến, không sử dụng thời gian này để làm việc riêng đồng thời phải chấp hành nghiêm túc các quy định của cơ quan, của tỉnh, của nơi cư trú về phòng, chống dịch Covid-19. Công chức và người lao động phải đảm bảo có máy vi tính kết nối Internet, micro, webcam, loa để thực hiện các nội dung trao đổi, thảo luận, họp trực tuyến. Sở cũng yêu cầu cài đặt phần mềm OBS Studio để ghi lại màn hình máy tính cá nhân, lưu trữ file trong toàn bộ thời gian làm việc theo quy định và báo cáo trưởng phòng để thực hiện kiểm tra, giám sát thời gian làm việc, hàng tuần nộp về văn phòng sở để giám sát khi cần thiết. Bên cạnh đó, Sở TTTT cũng quy định cụ thể, chi tiết 6 công việc triển khai phục vụ làm việc trực tuyến. 

Ông Vũ Tiến Khoái, Giám đốc Sở TTTT cho biết: Mục đích, yêu cầu cao nhất của chúng tôi thực hiện làm việc trực tuyến thông qua việc sử dụng các ứng dụng CNTT dùng chung của tỉnh để giải quyết các công việc của cơ quan nhằm hạn chế, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trong cơ quan khi có người có nguy cơ nhiễm bệnh, bảo đảm hoạt động của các đơn vị được duy trì, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Qua đó, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh phương án triển khai làm việc trực tuyến khi có yêu cầu, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có nhu cầu thực hiện làm việc trực tuyến.

Để triển khai làm việc trực tuyến hiệu quả, bên cạnh việc bảo đảm thông tin trên Mạng Văn phòng điện tử liên thông của tỉnh, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong bối cảnh dịch Covid-19, Sở TTTT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ. Nhiều giải pháp công nghệ như VNPT iOffice, VNPT e-Cabinet, VNPT Meeting, VioEdu, ViettelStudy… đã được các doanh nghiệp viễn thông triển khai, ứng dụng hiệu quả giúp người dân và cơ quan, đơn vị làm việc, họp và học tập trực tuyến.

Thông qua các ứng dụng CNTT giúp cán bộ, công chức tiếp cận phương thức làm việc mới, giảm chi phí, thời gian và mang lại hiệu quả cao trên cơ sở bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, công việc được giao trên Mạng Văn phòng điện tử liên thông. Bảo đảm giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến thuộc thẩm quyền xử lý đúng thời gian quy định và hoàn thành các nhiệm vụ khác thông qua các hình thức trao đổi trực tuyến. Những giải pháp này được áp dụng hiệu quả trong thời đại công nghệ 4.0, giúp giảm khí thải ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho cơ quan, đơn vị, góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thái Bình với 300 cán bộ, công chức làm việc tại cơ quan BHXH tỉnh tại 11 phòng, ban và BHXH 8 huyện, thành phố. BHXH tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện chỉ đạo của tỉnh đẩy mạnh làm việc trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19. 

Ông Phạm Quốc Thái, Giám đốc BHXH Thái Bình cho biết: Do đơn vị đã chủ động về trang thiết bị và tập huấn kỹ năng CNTT cho cán bộ, công chức nên việc triển khai làm việc và họp trực tuyến tại BHXH tỉnh rất thuận lợi. Thông qua các phần mềm quản lý thời gian, tiến độ công việc… nên các bộ phận đều bảo đảm hoàn thành xử lý công việc trên môi trường mạng. Do tính chất đặc thù công việc nên hiện tại, ngoài Ban Giám đốc làm việc tại cơ quan, mỗi phòng, ban chúng tôi cử 2 cán bộ thường trực điều hành, giải quyết công việc tại chỗ. Còn lại, phần lớn cán bộ, công chức sử dụng CNTT làm việc tại nhà. Tùy tình hình thực tế sẽ điều động nhân lực để giải quyết công việc tại cơ quan. Đơn vị cũng khuyến khích người dân chuyển từ giao dịch trực tiếp sang trực tuyến. Do đó giảm được lượng hồ sơ giấy tờ, đồng thời giảm được số lượt tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và người dân. Việc này mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác phòng chống dịch Covid-19.


Trịnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày