Chủ nhật, 24/11/2024, 09:02[GMT+7]

Hương đậu làng Kênh

Thứ 2, 06/04/2020 | 08:53:19
21,913 lượt xem
Dù đi xa về gần, người dân làng Kênh, xã Tây Đô (Hưng Hà) luôn tự hào giới thiệu món đặc sản của quê mình. Ấy là đậu phụ làng Kênh - món ăn tuy dân dã mà nức tiếng gần xa.

Người làng Kênh, xã Tây Đô (Hưng Hà) tự hào với nghề làm đậu phụ.

“Bao đời nay, người làng Kênh chúng tôi luôn lấy cái tâm để giữ nghề truyền thống của cha ông để lại. Nếu như trước đây, đậu phụ làng Kênh thường chỉ bán chạy nhất vào thời điểm thu hoạch vụ mùa thì nay món đậu phụ này lúc nào cũng bán chạy như tôm tươi” - đó là chia sẻ của bà Đặng Thị Hường, thôn Kênh, xã Tây Đô. Bà Hường cho biết thêm: Gia đình làm đậu đã hơn 20 năm nay. Mỗi ngày làm khoảng 1 tạ hạt đậu tương; 1kg hạt đậu làm được 2kg đậu phụ. Hàng ngày, mọi người trong nhà bắt đầu một ngày mới làm đậu phụ từ lúc 4 giờ sáng cho đến chiều. Làm đậu phụ không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình mà đó còn là niềm tự hào của gia đình khi gìn giữ và phát triển được nghề truyền thống. Giống như gia đình bà Hường, gia đình ông Trần Văn Dư, thôn Kênh, xã Tây Đô cũng có “thâm niên” 40 năm làm đậu phụ. Ông Dư chia sẻ: Khách hàng chỉ cần ăn đôi ba miếng là đã đủ để nhận ra đâu là đậu phụ làng Kênh với vị béo, bùi, thơm mềm, không pha tạp chất. Bản thân tôi theo nghề truyền thống của gia đình từ năm 13 tuổi. Hiện giờ, mỗi ngày gia đình tiêu thụ trên 80kg đậu phụ, cung cấp chủ yếu cho các chợ, các trường học trong huyện và một số tỉnh ngoài. Trước đây, người làng Kênh làm đậu phụ chủ yếu bằng sức người thì nay có máy xay, máy vắt, nồi hơi nên đỡ vất vả, vừa giảm sức lao động, vừa đáp ứng nhu cầu số lượng ngày càng nhiều của người tiêu dùng.

Ai ghé làng Kênh, dù mới đến đầu làng là đã có thể nhận ra hương thơm của đậu lan tỏa. Hương thơm đó có được từ những hạt đậu được lựa chọn kỹ càng, được ngâm ủ đủ giờ và được chế biến theo một bí quyết gia truyền tạo nên hương vị không thể lẫn với các loại đậu phụ khác. Qua lời kể của người làng Kênh thì nhiều người biết đến đậu phụ làng Kênh bởi vị mềm bùi, thơm ngon của những thanh đậu tinh khiết không pha tạp chất gì khác. Đậu Kênh có hai kiểu tạo hình, đó là tạo hình mỏng từng tấm nên đậu có thể chế được thành nhiều món ngon mà lại bắt mắt, ví như đậu cuốn thịt sốt cà chua, đậu rán cuộn rau củ chấm mắm hay đơn giản chỉ là đậu rán lướt chấm mắm tôm vắt chanh. Loại còn lại tạo hình bánh, rất phù hợp với món luộc hay đậu nhồi thịt, ăn lẩu... Đậu phụ bánh khác với đậu phụ tấm bởi miếng dày, chắc và công đoạn làm cầu kỳ hơn. Song dù tạo hình theo kiểu nào thì những món ngon hấp dẫn từ đậu làng Kênh luôn có sức cuốn hút đối với người thưởng thức. Khác với nhiều loại đậu phụ chỉ để hôm trước hôm sau là bị hỏng, đậu phụ làng Kênh có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 3 - 4 ngày. Đậu làng Kênh thường được người làm bán theo cân với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Cũng theo người làm đậu làng Kênh, dù hiện nay máy móc có hiện đại tới đâu thì bàn tay và bí quyết của người làm đậu mới là mấu chốt quyết định cho ra mẻ đậu phụ thơm ngon. Để có được những miếng đậu mỏng đều và mịn thì phải chế nước chua cho đủ độ. Pha ít chua thì đậu sẽ không hoặc khó kết tảng, còn khi pha quá tay thì đậu sẽ rắn và nhanh bị chua.

Bà Nguyễn Thị Xuê, Bí thư Chi bộ thôn Kênh, xã Tây Đô cho biết: Dù ở nơi nào, người làng Kênh vẫn tự trọng với lương tâm và với nghề truyền thống. Họ không chạy theo lợi nhuận để đánh mất thương hiệu làng nghề của mình. Xã Tây Đô hiện có 40 hộ sản xuất đậu phụ với quy mô lớn. Nghề làm đậu phụ chiếm 40% số hộ làm nghề trong thôn. Với 1 tạ hạt đậu, người làm đậu có thể thu về tiền triệu mỗi ngày. Bình quân, mỗi hộ làm đậu phụ thu lãi từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Nghề làm đậu phụ phát triển góp phần đưa nghề chăn nuôi phát triển theo. Người làng Kênh ai cũng biết, xưa kia đậu làng Kênh là một trong những món “sơn hào hải vị” dùng để tiến Vua. Và ngày nay, hương đậu làng Kênh ngày càng bay xa, bay cao, đến với nhiều người trong và ngoài tỉnh, góp phần để người làng Kênh thêm tự hào và giữ gìn, phát triển nghề truyền thống quê hương mình.

Mai Thư