Thứ 5, 28/11/2024, 18:01[GMT+7]

Không để sâu bệnh ảnh hưởng tới năng suất lúa xuân

Thứ 3, 07/04/2020 | 15:55:54
4,908 lượt xem
Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị bàn giải pháp bảo đảm hoạt động sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra vào sáng ngày 7/4. Lãnh đạo một số sở, ngành, các huyện, thành phố dự hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Hiện nay, lúa xuân trong toàn tỉnh đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh, một bộ phận ở giai đoạn phân hóa đòng. Thời gian qua, nông dân các địa phương đã tích cực phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn tuy nhiên do điều kiện thời tiết âm u, thiếu ánh sáng, độ ẩm cao kết hợp mưa trong nhiều ngày trong giai đoạn cây trồng mẫn cảm vì vậy bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh và gây hại. Dự báo từ nay đến 20/4 bệnh có nguy cơ gây hại nặng trên diện rộng nếu không có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, yêu cầu bảo đảm ổn định lương thực, an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trong đó, việc thực hiện thắng lợi toàn diện sản xuất vụ xuân 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trên quan điểm không để sâu bệnh ảnh hưởng tới năng suất lúa xuân, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp và các địa phương cử cán bộ chuyên môn theo dõi, bám sát đồng ruộng, hàng tuần có báo cáo đánh giá cụ thể tình hình sinh trưởng, dự báo từng loại dịch hại trên lúa xuân, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông có thể phát sinh từ nay đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, hướng dẫn đến tận người dân quy trình chăm sóc, khuyến cáo phòng trừ sâu bệnh đúng thuốc, đúng thời điểm và cụ thể đến từng vùng theo thực tế của đồng ruộng. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; bảo đảm hoạt động an toàn, thông suốt của các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi. Cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các huyện, thành phố cần chỉ đạo sát sao sản xuất vụ xuân cũng như trong các đợt phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh bảo đảm theo nguyên tắc “4 đúng”.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 14/06/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển đàn trâu bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo còn chậm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện; có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ thực hiện đề án; tập trung phát triển các mô hình chăn nuôi trâu bò thương phẩm từ đó nhân ra diện rộng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương ban hành hướng dẫn liên ngành thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết giai đoạn 2021 – 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 24/02/2020 của HĐND tỉnh ban hành quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2020 – 2025. Quan tâm thu hút, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 322/UBND-KTNN ngày 31/01/2020 về việc tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Lưu Ngần