Thứ 5, 14/11/2024, 11:04[GMT+7]

Chuyển 8 dự án cao tốc Bắc-Nam và Mỹ Thuận-Cần Thơ sang đầu tư công

Thứ 5, 09/04/2020 | 08:47:44
2,944 lượt xem
8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công.

Ảnh minh họa.

Tại thông báo 147/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thống nhất với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chuyển đổi 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sang hình thức đầu tư công; trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 147/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Thông báo kết luận nêu rõ, trước tình hình dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; trong đó, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, như dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Về Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đây là dự án quan trọng quốc gia, đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, trong đó 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, loại Hợp đồng BOT. Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức triển khai phê duyệt thiết kế kỹ thuật và sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư, tuy nhiên tiến độ chậm so với yêu cầu.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất chuyển đổi 3 dự án có nhu cầu cấp bách (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây) sang hình thức đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước; sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền khai thác theo hình thức hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M) để thu hồi vốn.

Sau cuộc họp, với tinh thần quyết liệt hơn nữa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo lấy thêm ý kiến một số bộ, ngành về phương án đề xuất của Bộ Giao thông vận tải. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1620/BKHĐT-KCHTĐT ngày 13/3/2020 có ý kiến đề nghị chuyển toàn bộ 8 dự án PPP sang đầu tư công.

Ngày 16/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi tiếp tục làm việc trực tiếp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ để thống nhất thêm về chủ trương. Các vấn đề này cũng đã được báo cáo Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 20/3/2020.

Trên cơ sở đó thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1620/BKHĐT-KCHTĐT ngày 13 tháng 3 năm 2020 chuyển toàn bộ 08 dự án PPP sang đầu tư công. Bộ Giao thông vận tải đề xuất các giải pháp cần thiết để đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu khởi công toàn bộ 8 dự án muộn nhất là tháng 8/2020. Lựa chọn các nhà thầu phải có đủ năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm chất lượng, tiến độ, theo đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Trong trường hợp việc thực hiện đúng trình tự điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án không bảo đảm tiến độ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5/2020, Bộ Giao thông vận tải đề xuất cụ thể các giải pháp để xin ý kiến tại Tờ trình Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm đến thời điểm khởi công phải cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện song song các thủ tục cần thiết theo quy định để ngay sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua có thể triển khai ngay.

Đối với Dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, thông báo kết luận nêu rõ: Đường bộ cao tốc đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ thuộc trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên trục cao tốc này, đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đưa vào khai thác; cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 52/2017/QH14; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang đầu tư theo hình thức BOT, tiến độ hoàn thành năm 2021. Do vậy, việc sớm triển khai đầu tư đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường năng lực vận tải trên trục cao tốc quan trọng này, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chuyển đổi sang hình thức đầu tư công theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1620/BKHĐT-KCHTĐT ngày 13/3/2020 và áp dụng cơ chế như các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển đổi sang hình thức đầu tư công nêu trên. Mục tiêu thông xe kỹ thuật năm 2021, khánh thành năm 2022.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nhằm bảo đảm nhu cầu vốn chuyển đổi sang hình thức đầu tư công cho 08 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo thực hiện các dự án nêu trên, bảo đảm tiến độ, chất lượng./.

Theo vov.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày