Chủ nhật, 17/11/2024, 09:34[GMT+7]

Tiêu thụ nông sản trong thời điểm dịch Covid-19 lây lan

Thứ 2, 13/04/2020 | 11:05:57
7,498 lượt xem
Cùng với sự vào cuộc của chính quyền thì chính người dân, người tiêu dùng là những người đã gỡ khó cho nông dân thông qua hoạt động chung tay đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kén tằm và nhộng tằm của nông dân xã Hồng Phong (Vũ Thư) khó tiêu thụ và rớt giá so với cùng kỳ các năm trước.

Dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới với những diễn biến phức tạp không chỉ đe dọa sức khỏe và tính mạng của người dân mà còn tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Là huyện có nhiều cơ sở trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn, Vũ Thư gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ các loại nông sản hàng hóa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong điều kiện khó khăn trên, cùng với sự vào cuộc của chính quyền thì chính người dân, người tiêu dùng là những người đã gỡ khó cho nông dân thông qua hoạt động chung tay đẩy mạnh tiêu thụ nông sản  trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Khó khăn tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Trang trại nuôi gà đẻ của gia đình ông Phạm Văn Tràng, thôn 1, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) là cơ sở chăn nuôi gà đẻ, cung cấp trứng gà có quy mô lớn nhất huyện Vũ Thư. Ông Phạm Văn Tràng, chủ trang trại chia sẻ: Khi chưa có dịch Covid-19, trang trại của gia đình ông thường chăn nuôi với quy mô 7.000 - 10.000 con gà đẻ, cung cấp ra thị trường khoảng 2 vạn quả trứng/tháng. 

Từ sau khi có dịch Covid-19, các nhà hàng, quán ăn, trường học, hầu hết bếp ăn tập thể đã dừng hoạt động, do vậy lượng trứng gà của nhà ông bị “ế” không thể tiêu thụ được. Ông Tràng buộc phải giảm quy mô sản xuất xuống còn 5.000 con gà đẻ. Giá trứng xuất ra thị trường vừa qua giảm sâu. Thông thường giá trứng đạt 2.200 đồng/quả, thì trong tháng 2, tháng 3, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chỉ đạt 800 – 900 đồng/quả khiến ông Tràng bị thiệt hại nặng.

Xã Hồng Phong (Vũ Thư) hiện có 257 ha đất trồng dâu với gần 2.000 hộ dân chỉ có thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm. 

Ông Trịnh Văn Khanh - Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Nhộng tằm trước kia thường được xuất bán cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng, là “đặc sản” của các nhà hàng, khách sạn. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nông dân ở đây “điêu đứng” khi không thể xuất bán kén và nhộng tằm. Trước khi có dịch Covid-19, giá kén đạt ở mức 100.000 – 110.000 đồng/kg, giá nhộng tằm đạt 250.000 – 300.000 đồng/kg; thì nay chỉ đạt 50 – 60% mức giá này ở cả kén và nhộng tằm. Giá giảm, đồng thời người dân không thể xuất bán được sản phẩm kén và nhộng do không có người tiêu thụ. Một số đại lý của địa phương bắt buộc phải tiêu thụ cầm chừng, số lượng kén và nhộng hạn chế cho nông dân, sau đó bảo quản ở kho lạnh. Tuy nhiên lượng kho lạnh ít, thời gian bảo quản kén, nhộng tằm không kéo dài quá 1-2 tháng nên các đại lý chỉ có thể bao tiêu sản phẩm kén, nhộng tằm ít ỏi cho nông dân.

Không riêng trứng, kén, nhộng tằm mà nhiều sản phẩm nông nghiệp khác như thịt gia cầm, trái cây, rau, củ quả… đều khó tiêu thụ và rớt giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để phòng, chống dịch Covid-19, các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn trường học… hầu hết đã tạm dừng hoạt động. Việc xuất khẩu hàng hóa nông sản cũng tạm dừng hoặc khó khăn hơn. Chợ, nơi tiêu thụ chính cho các sản phẩm hàng hóa cho nông dân những ngày qua cũng giảm số người họp chợ, lượng hàng hóa tiêu thụ cũng ít hơn. Đây là những nguyên nhân khiến các sản phẩm nông sản hàng hóa khó tiêu thụ và rớt giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhờ có sự chung tay hỗ trợ nông sản của cộng đồng, trang trại chăn nuôi gà đẻ của ông Phạm Văn Tràng, xã Vũ Đoài đã không còn tình trạng tồn đọng trứng gà.

Chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Chị Nguyễn Thị Gái, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) cho biết: Chị vốn chỉ bán đồ gia dụng nhỏ lẻ trên mạng xã hội, vừa qua, thấy trứng gà của nông dân bị “ế” lại rớt giá, chị liền kêu gọi, vận động mọi người đặt mua trứng giúp bà con nông dân. Chị không ngờ, đông đảo người tiêu dùng trong địa bàn huyện hưởng ứng rất nhiệt tình. Chỉ trong vài tuần, chị Gái đã tiêu thụ được trên 25.000 quả trứng. Để tránh tụ tập đông người, phòng, chống dịch Covid-19, chị Gái đẩy mạnh bán trứng gà online và giao hàng miễn phí tận nhà cho khách hàng. 

Ông Phạm Văn Tràng, chủ trang trại chăn nuôi gà đẻ xã Vũ Đoài chia sẻ: Nhờ tiểu thương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; bà con nhân dân trong toàn huyện chung tay tiêu thụ trứng gà, nên đến đầu tháng 4, trang trại của ông đã không còn tình trạng “ế” trứng, thậm chí giá trứng đã được nâng lên. Đến nay, giá trứng đã đạt 1.300 – 1.400 đồng/quả,  với giá này, trang trại đã hòa vốn đầu tư, tuy không lãi, nhưng cũng không bị lỗ. Ông Tràng phấn khởi và mong cộng đồng tiếp tục hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản và đoàn kết nhau chiến thắng dịch Covid-19.

Còn chị Trịnh Huyền, tổ dân phố Minh Hòa, thị trấn Vũ Thư cho biết: Nhận thấy bà con ở quê mình đang khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm kén tằm, thịt ngan, vịt thương phẩm, qua mạng xã hội chị đã tuyên truyền, tiêu thụ nông sản cho bà con. Bất đắc dĩ trở thành tiểu thương, chị Huyền khá vất vả vì phải về quê nhận hàng, rồi giao hàng tận nhà cho khách. Niềm vui chị nhận được xứng đáng với công sức chị bỏ ra, đó là sự hân hoan của những người nông dân khi bán được số kén, nhộng tằm tồn đọng trong nhà để gỡ được chút vốn đầu tư đã bỏ ra.

Cùng với chị Gái, chị Huyền, rất nhiều người tiêu dùng, người dân có ý thức chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản mùa dịch. 

Ông Trần Đức Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho biết: Huyện hiện có khoảng 60.000 con lợn, trên 7.000 con bò, 1,4 triệu con gia cầm, 1.527 ha nuôi trồng thủy sản, 78 lồng cá nuôi trên sông; trong số đó, khoảng 40 - 50% tổng đàn là đàn gia súc, gia cầm, thủy sản thương phẩm, có nhu cầu xuất bán ra thị trường. Cùng với sản phẩm chăn nuôi, ngành trồng trọt có phong phú các loại cây rau màu như bí xanh, đậu đỗ, dưa ăn quả các loại như dưa lê, dưa hồng, dưa chuột; tại những diện tích đất tích tụ, đất bãi ven sông trồng cây ăn trái như bưởi, ổi; một số xã như Hồng Phong, Hồng Lý có nghề trồng dâu gắn với nuôi tằm… Khi xảy ra dịch Covid-19, cũng như nhiều ngành kinh tế khác, ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng lớn, nhiều trang trại, cơ sở sản xuất bị thiệt hại nặng nề, khó khăn hoặc không thể tiêu thụ được các sản phẩm nông nghiệp đã sản xuất. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường, phức tạp và chưa thể xác định khi nào sẽ chấm dứt, huyện kịp thời tập trung tháo gỡ khó khăn giúp nông dân ổn định sản xuất. Huyện và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sự tương trợ, hỗ trợ của cộng đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bị tồn đọng do dịch Covid-19, giúp nông dân giảm bớt thiệt hại. Ngoài các thị trường trao đổi hàng hóa truyền thống như chợ, siêu thị, huyện cũng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tiếp cận phương pháp bán hàng online, vừa góp phần tiêu thụ hàng hóa bị tồn đọng trong mùa dịch, lại hạn chế tiếp xúc góp phần phòng chống, dịch hiệu quả hơn. Nhiều bạn trẻ, người tiêu dùng tích cực hưởng ứng bằng cách quảng bá các sản phẩm của địa phương, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản qua các trang mạng xã hội, nhờ đó đã góp phần tiêu thụ một phần lượng nông sản cho nông dân trong mùa dịch, giúp bà con giảm bớt thiệt hại và ổn định sản xuất.

Quỳnh Lưu