Thứ 2, 18/11/2024, 09:49[GMT+7]

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Thứ 3, 14/04/2020 | 18:56:23
9,996 lượt xem
Sáng ngày 14/4, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận và cho ý kiến về quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị, du lịch Cồn Vành - Cồn Thủ và quy hoạch cảng Ba Lạt, huyện Tiền Hải.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 1504_hoinghithuongvu_mixdown.mp3

Các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy dự hội nghị.

Theo phương án quy hoạch, Khu đô thị, du lịch Cồn Vành - Cồn Thủ bao gồm 5 phân khu chức năng chính: khu sân golf 36 lỗ, khu casino và khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao, khu du lịch sinh thái - tâm linh, khu công viên vui chơi giải trí cảm giác mạnh, khu đô thị du lịch sinh thái. Quy hoạch cảng Ba Lạt bao gồm hệ thống các công trình với một thể thống nhất đó là: bến cập tàu và khu nước trước bến, hệ thống đường bãi và kho, các công trình phụ trợ, hệ thống cây xanh cách ly… Khi hoàn thành đầu tư xây dựng, cảng Ba Lạt sẽ là 1 trong những cảng đầu mối của khu vực, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ Khu kinh tế Thái Bình và các vùng lân cận.

Qua thảo luận, các đại biểu đều cho rằng quy hoạch Khu đô thị, du lịch Cồn Vành - Cồn Thủ và quy hoạch cảng Ba Lạt mang tính hiện đại, có giá trị thực tiễn và bảo đảm tính khả thi cao, phù hợp với quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình, tuân thủ quy luật tự nhiên. Khi các dự án được triển khai sẽ tạo sự hấp dẫn, thu hút đầu tư các dự án khác vào khu vực này nói riêng, Khu kinh tế Thái Bình nói chung. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu kỹ chế độ thủy văn, thủy triều, điều kiện tự nhiên để bố trí các hạng mục công trình phù hợp, khai thác lợi thế tự nhiên ở đây.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Khu đô thị, du lịch Cồn Vành - Cồn Thủ là một trong 2 điểm nhấn quan trọng về đô thị hiện đại hướng biển kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp trong khu Khu kinh tế Thái Bình. Đây là khu đô thị, du lịch xanh, kết hợp đô thị với cảnh quan môi trường tự nhiên, có rừng ngập mặn, rừng phi lao, hạng mục công trình và phi công trình sẽ tạo điểm nhấn, ấn tượng với du khách khi đến đây. Với các giải pháp đề ra trong quy hoạch, nếu được đầu tư xứng tầm, nơi này không chỉ là điểm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn của cả vùng duyên hải Bắc Bộ mà còn của cả nước. Để hoàn thiện đồ án quy hoạch, đồng chí đề nghị nhà tài trợ, đơn vị tư vấn tiếp tục rà soát, cơ cấu quỹ đất đô thị phù hợp để tạo nguồn thu cho tỉnh đầu tư các công trình giao thông trọng điểm. Với các loại đất khác, nhất là đất dịch vụ phải xác định rõ vị trí để thu hút đầu tư trong tương lai gần, điều chỉnh vị trí đất quốc phòng sang địa điểm mới. Đồ án quy hoạch phải tuân thủ quy luật tự nhiên, nguyên tắc thông thủy, khai thác triệt để các lợi thế tự nhiên. Tất cả các công trình trong khu đô thị, du lịch phải tuân thủ nguyên tắc hướng biển, mặt biển là không gian dùng chung vừa tạo không gian tự nhiên song vẫn mang lại những giá trị kinh tế. Các công trình giao thông trong khu vực, nhất là giao thông nội khối phải quy hoạch bảo đảm quy mô, độ rộng hợp lý, để các phương tiện giao thông cỡ lớn ra vào vận chuyển hành khách và hàng hóa. Giao thông kết nối khu này với đất liền trước mắt sẽ sử dụng đường 221A, trong tương lai sẽ nghiên cứu quy hoạch thêm tuyến giao thông kết nối với đường ven biển. Các công trình chắn sóng sẽ kết hợp giải pháp công trình và phi công trình để giữ được cảnh quan môi trường tự nhiên, nhất là giữ hệ thống rừng ngập mặn, rừng phi lao nguyên sinh. Khi thiết kế xây dựng các công trình, các cốt chuẩn phải được tính toán trên cơ sở cốt chuẩn các công trình kiên cố đã xây dựng tại khu vực này cộng thêm hệ số K để ứng phó với tình trạng nước biển dâng trong tương lai.

Đối với quy hoạch cảng Ba Lạt, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá đơn vị tư vấn đã chuẩn bị đồ án quy hoạch có chất lượng, có tầm nhìn xa và nếu hình thành cảng biển ở đây sẽ tạo động lực thu hút các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình. Đồng chí yêu cầu đơn vị tư vấn nghiên cứu xác định chiều dài cầu cảng và độ giãn cách giữa cầu cảng với đất liền bảo đảm hợp lý, không làm thay đổi dòng chảy tự nhiên. Đây là cảng hàng hóa có công suất lớn, vì vậy hệ thống giao thông kết nối từ đất liền ra cảng và giao thông nội khối phải có độ rộng, đủ năng lực phục vụ vận tải hàng hóa và đáp ứng các nhu cầu dịch vụ khác. Các hạng mục công trình phụ trợ phải bố trí sao cho hợp lý, khoa học bảo đảm cảnh quan môi trường, an toàn cho khu này và khu vực liên quan.

Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Tâm 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu ý nước sạch phục vụ cho Khu đô thị, du lịch Cồn Vành - Cồn Thủ và cảng Ba Lạt sẽ lấy từ đất liền ra. Trong các khu này đều phải có hệ thống thu gom nước mặt tập trung để tái sử dụng; nước thải phải được thu gom, xử lý không gây ô nhiễm môi trường. Trong đồ án quy hoạch nghiên cứu, bố trí khu vực xử lý rác thải sinh hoạt. Đơn vị tư vấn nghiên cứu khi quy hoạch giao thông phải ngầm hóa hệ thống thu gom nước mặt, đường cấp điện, thông tin liên lạc trong khu vực nội khu của khu đô thị, du lịch và cảng biển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan phối hợp với nhà tài trợ, đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện các đồ án quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất, làm cơ sở thu hút đầu tư thực hiện dự án.

Cũng tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe báo cáo kết quả thực hiện chủ trương của tỉnh về việc hỗ trợ, xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt tại các xã và việc thu gom, xử lý chất thải rắn của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, từ năm 2015 đến nay, tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ đầu tư 101 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo mô hình lò đốt cho các xã. Về ưu điểm, mô hình này đã đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn ở thời điểm đó, khắc phục được việc chôn lấp rác thải trong điều kiện thiếu quỹ đất chôn lấp ở các địa phương. Mức đầu tư không lớn, tỉnh chỉ hỗ trợ một phần kinh phí song đã phát huy được nguồn lực xã hội hóa đầu tư lò đốt rác; đặc biệt gắn được trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với việc xử lý rác thải; tạo được ý thức của người dân trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn; giải quyết bức xúc về xử lý rác thải của những địa phương không có quỹ đất để chôn lấp. Tuy nhiên, do tỷ suất đầu tư thấp nên độ bền của lò đốt rác không cao. Nhiều lò hiện không còn phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Hơn nữa, lượng rác thải sinh hoạt nông thôn ngày càng lớn, đa dạng mà lại không được phân loại từ nguồn, gây khó khăn cho việc xử lý triệt để bằng lò đốt quy mô nhỏ.

Một trong những nguyên nhân được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ ra là do đầu tư công ở lĩnh vực xử lý rác thải với tỷ suất đầu tư thấp thời gian qua không hiệu quả. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương có biểu hiện khoán trắng cho tổ dịch vụ, có nơi tùy tiện đưa rác của cơ sở sản xuất công nghiệp vào đốt, gây ô nhiễm môi trường.  

Để khắc phục hạn chế, tìm hướng đi mới trong xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các xã, thị trấn cần tập trung chỉ đạo xử lý trong điều kiện cụ thể của mình để bảo đảm rác thải không còn là vấn đề bức xúc trong nhân dân; có biện pháp xử lý rác thải triệt để, kết hợp xử lý rác bằng công nghệ và phương thức truyền thống. Tuy nhiên dù xử lý rác thải theo phương pháp nào phải xác định đây là trách nhiệm chính của cấp ủy, chính quyền cơ sở bảo đảm môi trường sống của người dân không bị ô nhiễm. Tuyệt đối không để người dân đổ rác tùy tiện, gây ô nhiễm môi trường.

Đối với các lò đốt rác theo chính sách hỗ trợ của tỉnh không còn hoạt động được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu phải tính đến biện pháp xử lý truyền thống hoặc ký hợp đồng với các cơ sở khác để xử lý, tuyệt đối không được đầu tư để khôi phục lò đốt. Đối với các lò đốt vẫn đang hoạt động thì tiếp tục duy trì nhưng không được đầu tư mở rộng. Từ năm 2020, tỉnh không thực hiện chủ trương hỗ trợ và khuyến khích đầu tư khu xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt quy mô nhỏ, yêu cầu các huyện khẩn trương tiến hành quy hoạch  điểm để thu hút đầu tư của xã hội vào xử lý rác tập trung quy mô toàn huyện. Mỗi huyện chỉ quy hoạch 1 điểm xử lý rác tập trung với diện tích từ 7-10 ha đáp ứng quy định hiện hành, khuyến khích xử lý rác quy mô liên huyện. Việc quy hoạch phải hoàn thành trong tháng 5/2020 và trong tháng 6/2020 phải có mặt bằng sạch để sẵn sàng bàn giao cho các nhà đầu tư. Đồng chí nhấn mạnh quan điểm nghiêm cấm chuyển rác thải công nghiệp vào điểm xử lý rác thải sinh hoạt. Các cơ sở sản xuất phải ký hợp đồng với các đơn vị xử lý triệt để rác thải công nghiệp nhất là rác thải nguy hại, tỉnh sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương và cơ sở sản xuất nếu để xảy ra vi phạm. Các ngành chức năng và cấp ủy chính quyền các địa phương phải tích cực vào cuộc, hỗ trợ tích cực các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải.

Cũng tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận một số nội dung về công tác bộ.

Nguyễn Hình