Chủ nhật, 24/11/2024, 16:05[GMT+7]

Năm 2020 sẽ nắng nóng kỷ lục

Thứ 5, 16/04/2020 | 20:16:57
3,193 lượt xem
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là bước vào mùa mưa, bão năm 2020 với dự báo thời tiết có nhiều diễn biến bất thường. Chủ động "đón" mùa mưa bão, Hệ thống Dự báo KTTV quốc gia sẽ theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến về KTTV với phương châm “thống nhất, chính xác, liên tục, tin cậy và kịp thời”.

Ảnh minh họa.

Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trần Hồng Thái thông tin như vậy về công tác chuẩn bị của ngành KTTV trước mùa mưa bão 2020.

Theo ông Trần Hồng Thái, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nên thiên tai có diễn biến bất thường, không chỉ xảy ra trong mùa mưa bão và còn diễn ra quanh năm, cả trong những tháng được xem là hiếm có thiên tai như trước đây. Chính vì vậy, toàn ngành KTTV cũng phải chuyển đổi, công tác chuẩn bị và triển khai hệ thống dự báo KTTV quốc gia phải thường xuyên, liên tục, không chỉ chờ đến mùa mưa bão mới chuẩn bị.

Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office), năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng có thể tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, kéo dài số năm ấm nhất liên tiếp thêm ít nhất 1 năm nữa  (từ năm 2015). Kèm theo đó là tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường.

Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO đã có Công hàm gửi tới tất cả các Quốc gia thành viên; trong đó yêu cầu các quốc gia thành viên cần đặc biệt cảnh giác với các nguy cơ khí tượng thủy văn như mưa, lũ, bão, các thảm họa liên quan tới biến đổi khí hậu và thời tiết tiếp tục diễn ra. Nguy có nhiều thiên tai xảy ra ở cùng một nước có thể gia tăng.

Ông Trần Hồng Thái cho biết, thực tế ở Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, vào các thời điểm rất hiếm khi, thậm chí chưa từng xảy ra; hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở Nam Bộ, Trung Bộ.

Trước những thách thức, khó khăn như vậy, từ cuối năm 2019 đến nay, Tổng cục KTTV đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo tất cả các đơn vị trong hệ thống dự báo quốc gia thực hiện đánh tổng kết rút kinh nghiệm công tác dự báo phòng, chống thiên tai năm 2019, rà soát hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, các quy định, quy trình kỹ thuật dự báo,.. trên cơ sở đó  cập nhật, bổ sung phương án tác nghiệp trong năm 2020 sát với tình hình thực tế, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, toàn ngành KTTV đã chuyển sang hình thức tác nghiệp từ xa để ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Hệ thống dự báo KTTV quốc gia vẫn được triển khai thường xuyên để đảm bảo thực hiện bản tin thời tiết hàng ngày, cảnh báo sớm thiên tai phục vụ công tác phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội. Không những thế, ngành KTTV còn bổ sung, tăng cường các dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn, các bản tin chuyên đề theo yêu cầu của các Bộ, ngành, địa phương.

Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết, chỉ còn khoảng hai tháng nữa là bước vào mùa mưa, bão năm 2020 với dự báo thời tiết có nhiều diễn biến bất thường. Chủ động "đón" mùa mưa bão, Hệ thống Dự báo KTTV quốc gia đã và đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến về KTTV để cung cấp thông tin cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý về thiên tai và người dân trên mọi miền tổ quốc với phương châm “thống nhất, chính xác, liên tục, tin cậy và kịp thời”.

Tổng cục KTTV đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, những người làm công tác dự báo tuyệt đối không được chủ quan, phải luôn có ý thức nâng cao năng lực, không ngừng đổi đổi mới, thường xuyên theo dõi, giám sát và cảnh báo kịp thời các diễn biến bất thường của thời tiết.

Các đơn vị dự báo từ Trung ương đến địa phương phải luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai KTTV, chú trọng tới cảnh báo tác động của thiên tai đối với các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai. “Yêu cầu các đơn vị dự báo phải kiên trì thực hiện “đong đếm” từng kết quả, tính toán từng phương án, mô hình khác nhau, “chắt chiu” phân tích từng số liệu quan trắc từ toàn cầu, khu vực đến địa phương để có được bản tin dự báo tốt nhất”- Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV khẳng định.

Theo baochinhphu.vn