Thứ 5, 14/11/2024, 23:33[GMT+7]

Thì thầm dòng sông

Thứ 2, 27/04/2020 | 08:20:29
5,393 lượt xem

Cửa Đào Thành (làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà), bến Lưu Gia, địa danh lịch sử thời Lý, Trần.

Sử cũ ghi: Sau khi “rũ áo từ quan” về trí sĩ ở quê, làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà), Thái phó Lưu Khánh Đàm (triều Lý) xây chùa, xuất gia đi tu, hội kiến 3 vị sư nổi tiếng thời bấy giờ là Giác Hải, Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không cùng chung tay “Cơi đê sông Hoàng (sông Hồng), khơi thông sông Luộc, móc ruột sông Sinh, cắt phình sông Hóa” khai thác triệt để dòng chảy tự nhiên của sông Luộc, sông Hóa và hệ thống sông nhỏ khác phục vụ phòng thủ quân sự của triều đình và làm thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Những dấu tích của công cuộc khai thông các dòng chảy tự nhiên phục vụ quân sự và nông nghiệp của vị Thái phó triều Lý cùng ba nhà sư hơn một ngàn năm trước vẫn còn hiện hữu ở các làng quê của huyện Hưng Hà. Theo các nguồn khảo luận, công cuộc trị thủy lúc bấy giờ của ba nhà sư cùng Thái phó Lưu Khánh Đàm có quy mô lớn nhất địa phương không thể gói gọn và hoàn thành trong vòng vài năm được. Bởi công cuộc trị thủy của triều Lý mới chỉ tiến hành xung quanh kinh thành Thăng Long và phải tới thời nhà Trần thay thế nhà Lý suy vong mới thực hiện quy mô cấp quốc gia, mở rộng tới tận các địa phương, đặc biệt là cuộc khai thông dòng chảy của các dòng sông nhỏ có dòng chảy tự nhiên ở lộ Long Hưng.

Truyền ngôn và các tài liệu khảo cứu, để “cơi đê sông Hoàng” việc phải làm song song là khơi thông các dòng chảy tự nhiên tiêu nước mùa lũ. Tuy nhiên về sau, kết quả của các cuộc khai thông các dòng chảy lại đem lại lợi ích hết sức thuyết phục cho ý đồ quân sự và tưới, tiêu trong nông nghiệp. Sách “An Nam chí nguyên” đời nhà Thanh (Trung Hoa) có chép về công cuộc trị thủy quốc gia Đại Việt như sau: “Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm các quan coi đê phải lo đốc thúc dân phụ cận không kể sang hèn, già trẻ phải đi đắp... Một con đê chạy dài từ sông Đáy (sông phó Đáy) đến cửa Hải Triều (sông Luộc), sông Phù Vạn thì đứt...”. Sách “Đại Nam nhất thống chí” lại ghi rằng xưa trên đất Thái Đường (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) có con sông Thái Thường bao quanh khu lăng tẩm Thái Đường của nhà Trần. Còn sách “Tiên Hưng phủ chí” của Phạm Nguyên Hợp lại ghi sông này là do Thái sư Hồ Quý Ly đào vào cuối đời Trần. Theo những tồn nghi đó, ngày trung tuần tháng 4, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã tìm về Tân Lễ, làng Mẽ, khu Châu, thị trấn Hưng Nhân; làng Lưu Xá, xã Canh Tân; làng Hú, xã Hòa Tiến; làng Khuốc, xã Liên Hiệp (huyện Hưng Hà) sưu tập tài liệu, khảo tả dòng chảy của sông Thái Đường (Thái Sư) cùng những trầm tích lịch sử, văn hóa dọc các nhánh sông huyền thoại một thời. Dân gian tương truyền sông do Thái sư Trần Thủ Độ chỉ huy đào, sửa, nạo vét dòng chảy mà thành vì Thái sư Trần Thủ Độ cho rằng mạch nước tự nhiên, uốn lượn qua đất Ngự Thiên có hình dáng con rồng, biểu hiện mạch đất vượng khí “tay long, tay hổ” liền cho khơi rộng ra đồng thời sông cũng là hệ thống tường hào bảo vệ khu vực lăng tẩm trước sự tấn công ồ ạt của quân thù khi xảy ra chiến sự. Theo tài liệu khảo cứu, sông Thái sư bắt đầu từ cửa Xuân Hải (sông Luộc) chảy về làng Mẽ (Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân), qua Thái Đường (Tiến Đức) dân gian gọi là sông Trúc vì trước đây hai bên bờ có rất nhiều trúc mọc. Một nhánh khác lấy nước từ cửa Đào Thành (thuộc bến Lưu Gia, xã Canh Tân nay) chảy về làng Ngừ bao quanh thành Ngự Thiên (làng Hú, xã Hòa Tiến)... Để đào sông nhanh, gọn, Thái sư Trần Thủ Độ úy lạo dân chúng: “Ai có hiếu với tổ tiên, bố mẹ thì ra đào”, vậy là dân chúng không kể già, trẻ, gái, trai, sang hèn nô nức ra đào sông. Có đoạn sông tương truyền chỉ sau...một đêm trăng, sáng hôm sau đã là một dòng sông thơ mộng. Dân gian vùng Long Hưng còn lưu truyền câu ca: “Thượng chí Thái sư/Hạ chí An Lộng”, riêng đoạn chảy qua xã An Đồng (nay là thị trấn Hưng Hà) chia ra một nhánh nối vào kênh Tịnh Xuyên chảy qua huyện Thần Khê (nay là xã Thăng Long, Đông Hưng) rồi chảy ra vùng Thượng Hộ (Trà Lý)...

Một số sử gia địa phương và nhà nghiên cứu khác cho rằng: chỉ có sách “Đại Nam nhất thống chí” và một số tài liệu địa phương có mô tả sơ qua về sông Thái sư còn lại là truyền thuyết dân gian. Giả thuyết sông Thái sư bắt nguồn từ cửa Xuân Hải thuộc địa phận làng Hải Triều, xã Tân Lễ, giáp ranh với làng Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà mà dòng chảy quanh co uốn khúc qua các làng Xuân Trúc, Kiều Thanh, Nái, Đào Xá, Ninh, Ngọc Đường xuống làng Mẽ rồi tách làm đôi. Một nhánh chảy về phía Tây qua Thái Đường, Dương Xá, Phú Đường, Lê Xá rồi đổ qua cửa Tịnh Xuyên. Một nhánh từ làng Mẽ (Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân nay) chảy xuôi xuống Đông Nam qua các làng Khám, Bùi, Quan Chiêm, Khuốc, Lại, Khống... rồi chảy qua Nông Kỳ. Theo dấu tích các làng huyện Ngự Thiên và dòng chảy còn lại hoặc đã bị lấp đầy do biến động của thời gian và lịch sử truyền ngôn, sông Thái sư còn có tên khác là Hàm Rồng, sông Quan Hà... Trong tiềm thức của người dân Long Hưng qua biến động của lịch sử không gọi sông Hàm Rồng hay Quan Hà mà quen gọi sông Thái Sư. Khảo cứu thực địa từ sông Luộc địa phận xã Tân Lễ, đi xuôi về hướng Đông Nam qua làng Mẽ, làng Khám, làng Bùi, Quan Chiêm, Khuốc, Lại, Khống (xã Liên Hiệp)... nhân dân hai bên bờ sông đều gọi là sông Thái sư. Ở địa phận xã Phúc Khánh vẫn còn dấu tích nhánh sông cổ, nhiều đoạn đã bị lấp, tương truyền nhánh sông này hợp lưu với sông Thái Sư đổ ra Nông Kỳ dân gian gọi là sông Quan Hà. Cửa dòng sông này nối với sông Luộc, thôn Hà Thanh, xã Cộng Hòa chạy vòng vèo, uốn lượn qua thôn Nhiễm chảy qua trước cửa đình Hú (làng Hú, xã Hòa Tiến) qua cánh đồng làng Vải, qua làng Sâm rồi chảy tới Phúc Khánh hợp lưu với dòng sông Thái sư. Theo dòng chảy kể trên thì sông Quan Hà và sông Thái sư ôm lấy thành Ngự Thiên, vùng đất thuộc xã Cộng Hòa, Phúc Khánh, Hiệp Hòa, Canh Tân, Lam Sơn, Hoàng Đức, Tiến Dũng, Trần Phú (cũ). Theo ông Vũ Đức Thơm, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh: “Từ làng Hú (xã Hòa Tiến) sang làng Vải cách nhau khoảng 1km, đây là cánh đồng trũng, thấp dần về phía Tây là làng Quan Hà có con đường gọi là đường Chúa. Quan Hà, Vải, Hú nằm theo thế chân kiềng, giáp làng Khuốc, Ngừ, Khống, Quan Chiêm... xung quanh làng Hú phát hiện dấu tích thành cổ bằng đất, dân gian gọi là vành lao bao quanh làng Hú chu vi khoảng 5km. Chính giữa làng còn rất nhiều phế tích gạch, gốm từ thời Lý đến thời Lê. Hệ thống ao đều chạy vành ngoài làng Hú giống như hệ thống hào bao quanh. Các dấu tích địa danh cửa Bắc, cửa Đông vẫn còn lưu giữ có đoạn lũy còn cao hơn mặt bằng canh tác và thổ cư hiện nay. Đất đắp thành mà người dân hiện giờ đào được có lẫn mảnh gốm sứ thời Tùy, Đường. Như vậy, từ các tài liệu điền dã có thể thấy mối liên hệ giữa các làng Vải, Hú, Quan Hà và dòng sông Quan Hà chảy rộng trên một địa bàn lớn của thành Ngự Thiên”.

Bài thơ “Lưu Gia độ” của Trần Quang Khải có câu: “Thái Bình đồ chi kỳ thiên lý/Lý Đại Quan Hà nhị bách niên”. Nghĩa là: Đất Thái Bình rộng muôn nghìn lý, đất ấy thời nhà Lý gọi là đất Quan Hà. Sông Quan Hà có phải là sông Thái sư không vẫn là một tồn nghi và Quan Hà có gắn kết mật thiết với sông Hồng, sông Luộc... như thế nào để hoàng thân quốc thích nhà Lý và nhà Trần coi Ngự Thiên là hậu phương vững chắc lúc hoạn nạn vẫn cần được làm sáng tỏ.

Ông Vũ Đức Thơm, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh
Sông Thái sư, sông Hàm Rồng hay sông Quan Hà có phải là một tên gọi hay không vẫn là những điều còn tồn nghi nhưng điều không thể chối cãi được là dòng sông không những là phòng tuyến bảo vệ thành Ngự Thiên mà còn là đường giao thông trọng yếu, nguồn phù sa bồi đắp lên làng quê Long Hưng trù mật.

Ông Đỗ Văn Tụy, khu Châu, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà
Từ tấm bé tôi đã nghe cha ông kể về dòng sông Thái sư chảy qua làng tôi. Ngày trước hai bên bờ sông Thái sư đầy tre trúc mọc, mùa lũ nước sông đỏ ngầu phù sa tưới cho những thửa ruộng thêm màu mỡ. Mùa đông nước trong leo lẻo, cá tôm đầy sông chỉ cần chao nhẹ cái “xẻo” cũng bắt được cá tôm.

Ông Nguyễn Văn Tựa, cán bộ hưu trí thôn Hú, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà
Các cụ già quê tôi vẫn kể, làng Hú xưa là thành Ngự Thiên của huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng. Làng tôi vẫn còn dấu tích của thành xưa, nhiều hào sâu bao quanh giờ bị san lấp làm nhà ở nên còn lại dấu tích vụng Vàng thuộc làng Sâm rất sâu, tàu thuyền xưa vẫn vào; làng Hú còn các ao lớn như ao ông Tươm, ông Kiểm, ông Tước, ao Mai, ao Xây...


Quang Viện