Thứ 6, 15/11/2024, 22:38[GMT+7]

Người chiến sĩ ấy

Thứ 4, 29/04/2020 | 13:11:53
2,387 lượt xem
Y trạm thiếu thốn không có thuốc gây tê và dụng cụ phẫu thuật, bác sĩ xử lý trực tiếp vết thương, dùng cưa và kìm cố định lại xương cánh tay của Đại đội trưởng Nguyễn Khắc Lịch bị đạn đại liên phá nát… Chỉ kịp hỏi y tá một câu “bao giờ tôi được quay lại chiến đấu” rồi anh ngất lịm đi vì vết thương quá nặng…

Lãnh đạo huyện Quỳnh Phụ thăm hỏi, động viên cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch, xã An Thanh (Quỳnh Phụ).

Xuôi Quốc lộ 10 qua thị trấn An Bài, về xã An Thanh thăm cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch. Năm nay ông đã bước sang tuổi 84 nhưng người lính của những điều “đặc biệt” vẫn hào sảng mỗi khi nhắc lại một thời trận mạc năm xưa.

Năm 1959, anh thanh niên Nguyễn Khắc Lịch tình nguyện nhập ngũ. Qua thời gian huấn luyện tại Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320A, Nguyễn Khắc Lịch thực hiện nhiệm vụ “đặc biệt” đầu tiên. Sau khi xét duyệt kỹ thể trạng, lý lịch, anh và các đồng đội được lựa chọn từ các đơn vị bí mật đào hầm, đào công sự phòng ngự chiến lược tại Hải Phòng để sẵn sàng chống đế quốc Mỹ đổ bộ vào miền Bắc theo đường biển. Hoàn thành nhiệm vụ, anh được cấp trên điều chuyển về Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312. Được biên chế vào Đại đội 2, đại đội của anh hùng Phan Đình Giót, người chiến sĩ trẻ Nguyễn Khắc Lịch luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Là một trong số ít chiến sĩ của đơn vị được lựa chọn vào đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân, giữa năm 1962, Nguyễn Khắc Lịch vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Sau 6 tháng bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ, Nguyễn Khắc Lịch hoàn hành khóa đào tạo, sẵn sàng vào chiến trường chiến đấu. Những ngày nghỉ phép ngắn ngủi tại quê nhà, họ hàng, gia đình đã vun vén để người sĩ quan quân đội kết duyên cùng cô giáo Đào Thị Nháng, người cùng quê.

Phút chia tay lưu luyến, khóe mắt người cha già tiễn con ngấn lệ, người cựu chiến sĩ bị thực dân Pháp bắt tù đày với cái án chung thân tại trại giam Hỏa Lò vẫn cố động viên con phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và quân đội giao phó.

Trở về đơn vị, Nguyễn Khắc Lịch và đồng đội hành quân từ Thanh Hóa vào Quảng Bình. Tháng 10/1962, đơn vị thay quân tư trang, vượt sông Bến Hải vào nam làm nhiệm vụ. Những chiến sĩ của đơn vị đặc biệt ấy bí mật hành quân băng rừng, vượt núi qua đường 9, sang đất bạn Lào… vào trú quân tại Quảng Nam – Quảng Ngãi.

Nguyễn Khắc Lịch và đồng đội được biên chế vào Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), là trụ cột đội hình của Sư đoàn 2 Quảng - Đà, sư đoàn bộ binh cơ động chủ lực thiện chiến bậc nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, trải qua hàng trăm trận đánh lớn nhỏ trên khắp các chiến trường cao nguyên đất đỏ tới vùng Hạ Lào nắng gió trong kháng chiến chống Mỹ.

Câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch như chùng xuống theo ánh mắt nhìn xa xăm, nhớ về đồng đội đã bao phen vào sinh ra tử trên các chiến trường quân khu 5, mắt ông ngấn lệ.

Đêm 28, rạng sáng ngày 29/5/1965, Trung đoàn 1 và lực lượng bộ đội địa phương, bí mật hành quân, bất ngờ tấn công địch tại cứ điểm Ba Gia trên chiến trường bắc Quảng Ngãi. Sau 42 giờ chiến đấu liên tục, Nguyễn Khắc Lịch và đồng đội bằng nhiều phương pháp tác chiến như vây đồn diệt viện, phục kích, tập kích... phối hợp theo một ý định thống nhất đã chủ động tiến công vận động, diệt một chiến đoàn, hai tiểu đoàn bộ binh hải quân và ba tiểu đoàn biệt động quân, tiêu diệt 916 tên địch, bắt sống hàng trăm tên… Lần đầu tiên trên chiến trường Quân khu 5, một trung đoàn chủ lực của ta phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích đã tiêu diệt một chiến đoàn hỗn hợp tinh nhuệ của địch, góp phần phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ngụy, tạo điều kiện cho quân và dân Quảng Ngãi có một thế đứng vững vàng, thế chủ động về chiến dịch và chiến đấu trên một chiến trường quan trọng của Quân khu 5 và của toàn miền nam. Sau chiến thắng Ba Gia vang dội, Nguyễn Khắc Lịch cùng Trung đoàn 1 chuyển về đóng quân ở khu vực thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, triển khai mọi công tác chuẩn bị bước vào trận chiến đấu mới.

Phát hiện có đơn vị Quân giải phóng cách căn cứ Chu Lai khoảng 17km về phía Đông Nam, Bộ Tư lệnh lính thủy đánh bộ Mỹ quyết định mở cuộc hành quân mang tên “Ánh sáng sao” quy mô lớn đầu tiên với sự phối hợp hải, lục, không quân và phát huy tối đa ưu thế binh hoả lực và phương tiện chiến tranh tối tân của quân đội Mỹ…

Đêm 17/8/1965, tàu chiến Mỹ từ ngoài khơi liên tục bắn đại bác vào thôn Vạn Tường và các cao điểm xung quanh. Sáng 18/8, sau các đợt pháo kích và ném bom dữ dội, lực lượng lớn quân Mỹ gồm 4 tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ, 1 tiểu đoàn xe tăng và xe bọc thép, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly, 6 tàu đổ bộ và pháo hạm cùng hàng trăm máy bay chiến đấu ồ ạt từ 4 hướng tiến quân vào Vạn Tường với âm mưu tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ta trong thời gian ngắn nhất.

Trước tình hình đó, Nguyễn Khắc Lịch trong đội hình chiến đấu thuộc Trung đoàn 1 đã dựa vào các hầm sâu và các vị trí ngụy trang, bình tĩnh phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương, dân quân du kích kiên cường đánh trả quân địch đến khi màn đêm buông xuống thì trận đánh kết thúc. “Đất đá bị cày xới bởi bom đạn quân thù, đồng đội hy sinh nhiều, đau thương lắm nhưng phải cố nhủ lòng chắc tay súng giữ vững trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng…”, ông Lịch chia sẻ.

Chiến thắng Vạn Tường lịch sử là đòn đánh phủ đầu chí tử vào lính thủy đánh bộ Mỹ, một binh chủng được xem là thiện chiến, tối tân của quân đội Mỹ lúc bấy giờ. Mở đầu cho cao trào diệt Mỹ, khẳng định quân và dân ta có khả năng đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lăng, dù chúng có thể đông quân, hùng hậu về vũ khí trang bị và khả năng cơ động nhanh…

Tôi chợt hỏi về những vết thương của ông trong các trận chiến, ông Lịch xòe bàn tay, 7 lần bị thương trên chiến trường khi chiến đấu với những đơn vị khét tiếng tàn bạo của Mỹ và chư hầu như bộ binh anh cả đỏ, kỵ binh không vận 1, bộ binh Mãnh hổ, lính thuỷ đánh bộ Rồng xanh… 10 vết thương mang trên người, nhiễm chất độc hóa học cùng 3 lần chết lâm sàng do bị sốt rét ác tính, đồng đội mang đi mai táng ông lại sống, chiến đấu trở lại… ông cười và bảo so với sự hy sinh của đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc thì những vết thương của ông chưa thấm vào đâu.

Tháng 8/1969, Đại đội trưởng Nguyễn Khắc Lịch và đồng đội đang hành quân qua một cánh đồng thuộc huyện Quế Sơn (Quảng Nam) thì bất ngờ rơi vào ổ phục kích của Mỹ. Triển khai đội hình chiến đấu trên địa hình trống trải bất lợi, lực lượng của ta bị tổn thất khá nặng. Đại đội trưởng Nguyễn Khắc Lịch gục xuống khi bị đạn đại liên địch bắn nát cánh tay trái. Anh chỉ kịp bóp chặt cánh tay rồi ngất lịm đi do vết thương mất máu quá nhiều… Khi tỉnh lại, cảm giác cánh tay vẫn hoạt động, anh tự cắt nốt chiếc quần đùi đang mặc nhét vào cánh tay rồi quấn bó chặt lại. Đêm đó, được đưa về trạm phẫu, quân y vẫn không hy vọng Lịch có thể sống được. Tỉnh táo sau chút nước cầm hơi, Đại đội trưởng Nguyễn Khắc Lịch kiên quyết xin quân y phẫu thuật nối cánh tay để sớm trở lại chiến đấu cùng đồng đội. Vị bác sĩ là hàng binh Pháp, theo cách mạng vào Nam phục vụ chiến đấu chưa bao giờ thấy một bệnh nhân kiên cường và một ca mổ nào khó như vậy. Phẫu thuật trực tiếp, lắp ghép, cố định lại các mảnh xương vỡ mà không có thuốc gây tê… Nhưng như một điều kỳ diệu, dù cánh tay bị dập nát nhưng các dây thần kinh chính không bị đạn cắt đứt… bác sĩ cẩn thận khâu ghép lại với hy vọng mong manh cánh tay có thể lành được.…Sau phẫu thuật, cánh tay dần hồi phục, Nguyễn Khắc Lịch được chuyển ra miền Bắc an dưỡng

Tại quê nhà, bà Đào Thị Nháng vừa khuya sớm tảo tần thay chồng chăm sóc cha già vừa hoàn thành nhiệm vụ của một giáo viên cấp 1. Đôi lần phong thanh nghe tin anh Lịch hy sinh nhưng bà vẫn một lòng, một dạ đợi chồng về. Trở về làng quê sau 10 năm xa cách, người cha già đã không còn, Nguyễn Khắc Lịch lại cùng vợ vun vén nếp nhà, đồng thời nhận nhiệm vụ mới tại tỉnh đội Hà Nam Ninh. Dưới mái nhà ấm êm, những người con trai, con gái lần lượt ra đời, trưởng thành trong sự giáo dục của gia đình nền nếp.

Sau một thời gian công tác và cống hiến, ông Nguyễn Khắc Lịch nhận quyết định về hưu với quân hàm trung úy, thương binh hạng 2/4, tỷ lệ thương tật 61%, sống bình dị tại quê nhà. Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Lịch tâm sự: Có cuộc sống tuổi già viên mãn bên con cháu, trên quê hương đổi mới từng ngày, ông bà càng thêm trân quý giá trị của hòa bình. Mỗi người chúng ta sống ngày hôm nay phải sống tốt, có ích cho xã hội để không phụ công ơn máu xương của bao anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Trịnh Cường

 

 

 

  • Từ khóa