Thứ 7, 23/11/2024, 14:49[GMT+7]

Ngành Y tế xung kích trên mặt trận mới

Thứ 5, 30/04/2020 | 09:06:08
1,190 lượt xem
Thành công của một chiến lược y tế dự phòng có thể cứu sống, mang đến niềm vui cho hàng chục triệu người. Để bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân trước đại dịch toàn cầu, trong cuộc chiến chống Covid-19, các y bác sĩ đã xung phong lên tuyến đầu. Không ngại khó khăn, hiểm nguy, họ sẵn sàng đối mặt với loại virus khiến hơn 3 triệu người nhiễm và hơn 218.000 người tử vong trên thế giới (tính đến ngày 29/4).

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhanh chóng tiếp cận kỹ thuật xét nghiệm phát hiện Covid-19.

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), ngành Y tế đã có kế hoạch chuẩn bị nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế đồng thời xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch. Khi dịch lan rộng ra các quốc gia trên thế giới, Việt Nam bước sang giai đoạn mới phòng, chống dịch, số người nhiễm tăng, xuất hiện những ca nhiễm trong cộng đồng, Thái Bình triển khai nhiều giải pháp cấp bách, quyết liệt phòng, chống dịch. Từ tỉnh tới cơ sở, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cùng vào cuộc, người dân đồng tình hưởng ứng, chung sức đồng lòng phòng, chống dịch. Trong mỗi giai đoạn của dịch bệnh, từ đội ngũ cán bộ y tế dự phòng, đến đội ngũ cán bộ y tế các bệnh viện, trạm y tế xã, cộng tác viên y tế thôn đã không quản vất vả ngày đêm, xung phong trên tuyến đầu phòng, chống dịch.

Đã nhiều tháng nay, các cán bộ Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dường như không có ngày nghỉ. Đi sớm, về khuya, thậm chí là làm việc thâu đêm, các cán bộ của Khoa luôn có mặt tại các điểm nóng trong phòng, chống dịch Covid-19 để điều tra, xác minh, xử lý, tổng hợp, phân tích, định hướng tình hình dịch, từ đó đưa ra những cảnh báo nhanh, kịp thời trong tất cả các trường hợp. Mọi người trong Khoa đều hiểu rằng “sớm phút nào quý phút ấy để có thể khoanh vùng, dập dịch kịp thời khi có người nhiễm Covid-19”.

Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Quang Huy, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm chia sẻ: Khoa có 7 người, mỗi người một nhiệm vụ, từ cập nhật thông tin dịch bệnh đến nắm tình hình người nghi nhiễm trong cộng đồng, doanh nghiệp, người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai… Khi có người nhiễm mới có liên quan đến Thái Bình, cán bộ Khoa tiếp nhận thông tin, phối hợp với cơ sở rà soát, xác minh đối chiếu. Công việc thường mất nhiều thời gian bởi liên quan đến người nhiễm, nghi nhiễm là hàng chục, thậm chí là hàng trăm người tiếp xúc gần. Thời điểm vất vả nhất của Khoa là khi Bộ Y tế công bố Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịnh, cán bộ của Khoa đã phối hợp rà soát tất cả những người Thái Bình có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Trong số hơn 1.100 người đã từng đến khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có khoảng 200 bệnh nhân nhưng không có địa chỉ cụ thể, rõ ràng, cán bộ của Khoa phải rà soát thông qua đầu mối các bệnh viện trong tỉnh và công an tra thông tin xuất nhập cảnh. Sau đó cùng với y tế xã vào cuộc rà soát, có những trường hợp trùng họ tên, mất nhiều thời gian đối chiếu, xác minh lại thông tin.

Cán bộ y tế chuẩn bị tiếp nhận người vào khu cách ly tập trung của tỉnh.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần công việc của các cán bộ Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Khó khăn, vất vả và nguy hiểm hơn trong công việc của họ là đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao khi tiếp xúc với người nghi nhiễm. Mỗi khi có người từ nước ngoài về, người nghi nhiễm mới vào khu cách ly, bất kể ngày hay đêm, cán bộ trong Khoa đều phải lên đường để điều tra thông tin, tiền sử di chuyển, phối hợp lấy mẫu bệnh phẩm… Có những ngày thâu đêm từ 2 - 5 giờ sáng nhưng không vì thế mà chùn bước, bỏ cuộc, họ vẫn làm việc với tinh thần và trách nhiệm cao nhất với mong muốn bảo vệ tốt sức khỏe cho người dân, chiến thắng đại dịch.  

Tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 toàn ngành Y vào cuộc. Bên cạnh lực lượng chủ chốt là các bác sĩ tại các trung tâm y tế, các bệnh viện, trạm y tế còn có sự hỗ trợ của các bạn sinh viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình và Cao đẳng Y tế Thái Bình - những người chưa từng tham gia phòng, chống dịch nhưng vẫn xung phong vào trận tuyến. Quyết tâm diệt giặc Covid-19, nhiều cán bộ, bác sĩ làm việc thâu đêm, tự cách ly tại nơi làm việc, cả tuần không về nhà. Nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên dù con nhỏ nhưng vẫn đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch lên hàng đầu, tạm quên việc riêng vì việc chung to lớn.

Bác sĩ Hà Thị Thu Thảo, Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho biết: Công việc của tôi là điều tra ca bệnh nghi nhiễm Covid-19 và nhận mẫu gửi xét nghiệm. 3 tháng nay, tôi luôn thường trực ở cơ quan, có về nhà cũng hơn 11 giờ đêm. Chồng đi làm xa, 2 con nhỏ, phải nhờ bà trông hộ. Nhiều khi phải tự cách ly với gia đình chờ có kết quả xét nghiệm âm tính của người nghi nhiễm mới dám gần con. Cả nước đang cùng chống dịch, những người ở tuyến đầu như chúng tôi càng phải cố gắng, dù khó khăn cũng phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ, chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Toàn ngành Y tế đã vào cuộc với tinh thần quyết tâm cao nhất. Tuy nhiên, để có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế có vai trò vô cùng quan trọng. Đây được coi là “vũ khí” để nhanh chóng tìm Covid-19 và tiêu diệt. Khi tỉnh đầu tư kinh phí mua hệ thống xét nghiệm phát hiện nhanh Covid-19, máy thở, máy chụp X-quang tại chỗ… cho các cơ sở y tế và đồng ý xây dựng phòng áp lực âm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đội ngũ cán bộ ngành Y tế đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, làm chủ kỹ thuật, sớm đưa vào hoạt động. Việc đưa hệ thống xét nghiệm vào vận hành giúp Thái Bình chủ động trong việc xét nghiệm, nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, điều trị khi có người nhiễm.

Căng mình phòng, chống dịch, hệ thống y tế từ tỉnh tới cơ sở đã phối hợp hiệu quả với các cấp, ngành, địa phương ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch bệnh. Song không vì thế mà bằng lòng, chủ quan bởi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, có thể còn kéo dài và chưa biết bao giờ mới kết thúc. Hơn ai hết, ngành Y tế luôn phải sẵn sàng, chủ động trong mọi tình huống dịch bệnh. Để chiến thắng dịch bệnh, những chiến sĩ mang màu áo blouse trắng cần có những điểm tựa vững chắc, đó là sự chung sức, đồng lòng của toàn đảng, toàn dân, các cấp ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh - vì một Thái Bình luôn bình yên, không dịch bệnh.

Hoàng Lanh