Thứ 5, 14/11/2024, 11:02[GMT+7]

Anh hùng quê lúa trong trang sử vẻ vang chống Mỹ

Thứ 6, 01/05/2020 | 08:37:53
12,806 lượt xem
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn thanh niên Thái Bình đã lên đường nhập ngũ. Như vàng trong lửa, đối mặt với hiểm nguy nơi chiến trường, tinh thần dũng cảm, quật cường, mưu trí, sáng tạo của những người con quê lúa đã được phát huy cao độ, làm nên những chiến công xuất sắc được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Xuân Liêm ôn lại kỷ niệm thời chiến.

Biển lửa sân bay Pôchentông


Đại tá, Anh hùng LLVTND Ngô Văn Lủi, sinh năm 1950 tại xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy. Năm 1968, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 51 thuộc Tỉnh đội Thái Bình. Là người có sức vóc cường tráng, nhanh nhẹn và nhạy bén nên chỉ sau 3 tháng huấn luyện, ông được chọn vào đơn vị đặc công thuộc Bộ Tư lệnh Đặc công. Năm 1969, ông gia nhập Sư đoàn 367 (Đoàn đặc công miền Đông Nam Bộ). Trong 5 năm chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông cùng đơn vị đã tham gia đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng nghìn quân địch, bắn phá hàng trăm máy bay, kho bom đạn quan trọng. Trận đánh sân bay Pôchentông (tháng 1/1971) là một trong những trận đánh lớn làm nên tên tuổi của người anh hùng đặc công quê lúa. Theo lời kể của ông: Sân bay Pôchentông được bố trí rất cẩn mật. Đây là một sân bay tập trung tới 90% lực lượng của không quân ngụy Lon Non Campuchia. Đánh thắng được trận này sẽ giúp cho chiến trường chính ở miền Nam đỡ đổ nhiều xương máu. Trong trận đánh này, ông ôm quả bộc phá nặng 7kg ném thẳng vào khu nhà giặc lái rồi chạy ra. Sức ép của vụ nổ khiến ông đập mạnh xuống đất, bị thương nặng ở đầu và tai. Tỉnh dậy, ông tự băng vết thương và ném tiếp 4 trái thủ pháo vào khu nhà giặc lái rồi tiếp tục đi phá hủy 11 chiếc máy bay. Trận ấy, 76 chiến sĩ đặc công thuộc Đoàn 367, trong đó có tổ đặc công do ông dẫn đầu đã tiêu diệt 115 máy bay, 9 kho bom đạn, hơn 350 giặc lái và nhân viên kỹ thuật, làm hỏng, tê liệt toàn bộ sân bay. Sau trận này, ông bị thương, sau 15 ngày điều trị, ông tiếp tục trinh sát, tìm hướng đánh phá kho bom Môngđuôn. Với sự hỗ trợ của 2 đồng đội, ông tiến sâu vào kho đạn, đặt bom, kích nổ, phá hủy kho đạn; cháy nổ suốt 3 ngày 3 đêm, ngọn lửa cao, xa 80km vẫn thấy, phá hủy 500.000 tấn bom đạn, tiêu diệt hơn 1.000 lính. Sau trận đánh, ông được điều về chiến trường miền Nam. Ngày 20/12/1973, khi đài phát thanh đọc danh sách tuyên dương anh hùng trong đó có ông là lúc ông cùng đồng đội đang đào củ mài ở rừng vì hết gạo. 70 năm tuổi đời, 48 năm tuổi đảng, 33 năm chiến đấu và công tác dù là anh hùng, đại tá, trở về cuộc sống đời thường ông vẫn giữ cho mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, sống giản dị và tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, được mọi người tin yêu, quý mến.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Ngô Văn Lủi bên những tài liệu, kỷ vật thời chiến.

“Còn người, còn xe, một xe cũng tấn công”


Cũng giống như nhiều thanh niên cùng trang lứa, năm 1965, ông Nguyễn Xuân Liêm (xã Thăng Long, huyện Đông Hưng) khi ấy 19 tuổi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 53, Tỉnh đội Thái Bình. Tháng 5/1972, khi đang học lớp đào tạo cán bộ sơ cấp, do yêu cầu thực tế của chiến trường, ông được điều về Binh chủng Tăng - Thiết giáp, học công tác chỉ huy, điều hành trên xe tăng. Tháng 7/1972, đơn vị của ông nhận xe, nhận pháo, nhận quân, cấp tốc vào chiến trường. Lúc này ông giữ chức vụ Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 201B, Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Trong trận đánh thị xã Phước Long từ ngày 2/1 đến ngày 6/1/1975, khi quân ta tiến công vào trung tâm phòng ngự, do địch tập trung hỏa lực, ngăn chặn và chống cự quyết liệt nên chỉ còn xe của ông chiến đấu ở khu vực cửa tiến vào. Với tinh thần quyết tâm “Còn người, còn xe, một xe cũng tấn công”, ông đã chỉ huy đồng đội bình tĩnh tăng tốc xông lên, đè bẹp các lớp rào và diệt các hỏa điểm địch, mở cửa cho bộ binh xung phong vào căn cứ. Khi 3 xe tăng chi viện tới, ông dẫn đầu đội hình cùng bộ binh đánh thẳng vào sân bay thị xã, làm cho địch hoang mang, rối loạn và thất bại nhanh chóng. Sau khi đánh chiếm Phước Long, đơn vị của ông tiếp tục hành trình “tiến về Sài Gòn”, tham gia giải phóng Lâm Đồng; đánh Xuân Lộc - cửa ngõ vào Sài Gòn; đánh chiếm Trảng Bom, Hố Nai và sân bay Biên Hòa. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được cấp trên điều động về công tác tại Phòng Chính trị, Đoàn Tăng - Thiết giáp Đông Nam Bộ. Với những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 15/1/1976, người con quê lúa Nguyễn Xuân Liêm vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. 45 năm đã trôi qua, mỗi lần trở lại thăm chiến trường xưa, được chứng kiến sự “thay da đổi thịt” ở những nơi mình đã từng đi qua, thấy được sự đổi thay, lớn mạnh của đất nước, ông Liêm càng thấy thấm thía giá trị của những hy sinh lớn lao của các thế hệ người Việt Nam trong kháng chiến để có được cuộc sống độc lập, tự do, hòa bình như ngày hôm nay, càng củng cố thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà.

Anh hùng LLVTND, Trung tá Vũ Đình Bạch bên cuốn sách Ký ức về những trận chiến đấu của đặc công rừng Sác.

Huyền thoại đặc công rừng Sác


Chiến trường miền Nam những năm kháng chiến chống Mỹ với hình ảnh những chiến sĩ đặc công rừng Sác vai trần, chân đất, đã từng khiến kẻ thù khiếp sợ, kinh hoàng. Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, nhưng ký ức về những tháng năm chiến đấu gian khó và oanh liệt của những chiến sĩ đặc công rừng Sác vẫn còn đầy ắp trong những câu chuyện của Anh hùng LLVTND, Trung tá Vũ Đình Bạch (quê xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy). Năm 1962, khi vừa tròn 19 tuổi, ông Bạch đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ và được phân về đơn vị C2, Đoàn 8, Hải Quân. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện đặc công nước, năm 1965 ông tới vùng ven Sài Gòn và trở thành chiến sĩ đặc công rừng Sác. Bộ đội rừng Sác không chỉ thường xuyên phải đối mặt với sự bố ráp, càn quét của địch mà còn phải chống chọi trước sự khắc nghiệt của môi trường rừng ngập mặn và mối hiểm nguy rình rập của cá sấu, rắn độc. 10 năm là chiến sĩ rừng Sác, ông đã trực tiếp tham gia hơn 50 trận đánh lớn trong đó nổi tiếng là trận tiêu diệt tàu Victory trên dòng sông Lòng Tàu (huyện Cần Giờ) ngày 23/8/1966. Ông cho biết: Lúc đó tôi là Tiểu đội trưởng và là 1 trong 18 chiến sĩ trực tiếp tham gia vào trận đánh này. Vụ đánh chìm tàu Victory đã tiêu diệt 43 thủy thủ, phá hủy 30 xe tăng, 3 máy bay phản lực, hàng trăm quả pháo và hàng nghìn tấn lương thực đủ cho cả một sư đoàn ăn trong 1 năm. Không chỉ chặn đánh tàu địch trên sông, ông và đồng đội còn thường xuyên đột nhập ấp chiến lược Ông Kèo, Quế Thạnh và Phước Gan để tuyên truyền, gây dựng cơ sở, lấy gạo và thuốc cho đơn vị. Có lần dẫn một nhóm đột kích vào đồn bốt của địch, ông dẫm phải một trái mìn Mo - loại mìn 450 mảnh có độ sát thương cao - nhưng may không nổ. Ông mang trái mìn này về đơn vị và sau đó chế thành thủy lôi đánh chìm 1 chiếc tàu LCM của địch ngay tại rừng Sác, tiêu diệt gần 100 tên địch. Với ông, mỗi trận đánh là một chiến thuật, đòi hỏi người lính luôn phải dũng cảm, quyết tâm và sáng tạo. Với những chiến công xuất sắc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông đã được tặng nhiều danh hiệu và huân chương, huy chương cao quý; năm 2015, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.


Đi trọn chặng đường 21 năm đánh Mỹ (1954 - 1975), bộ đội Thái Bình dù bổ sung cho chiến trường nào, đơn vị nào, ở đâu cũng để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp, trong đó có rất nhiều người lập được những chiến công xuất sắc. Không chỉ là nhân chứng, tư liệu sống của những ngày tháng hào hùng với lòng quả cảm, chiến công xuất sắc của mình, những người anh hùng như ông Lủi, ông Liêm, ông Bạch… góp phần cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng vang dội, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trong mọi thế hệ.

Đào Quyên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày