Thứ 5, 14/11/2024, 11:13[GMT+7]

Đưa nghề về làng

Thứ 2, 11/05/2020 | 10:26:59
5,035 lượt xem
Với lòng yêu nghề và tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, trong những năm qua, phong trào phát triển kinh tế trong đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Tiền Hải đã có những bước tiến rõ rệt, xuất hiện nhiều điển hình với những mô hình, cách làm khác nhau. Anh Nguyễn Văn Tứ là một tấm gương như thế.

Xưởng sản xuất đồng phục của Công ty TNHH Đồng phục và quà tặng Thái Bình, xã Nam Hồng (Tiền Hải) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Sinh ra và lớn lên tại xã Nam Trung (Tiền Hải), ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Tứ đã trăn trở, suy nghĩ sau này lớn lên phải tìm một nghề gì làm ngay tại quê hương, trước hết để giúp mình ổn định cuộc sống, sau đó tạo việc làm cho người dân. Năm 2011, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Thái Bình với tấm bằng loại khá. Khởi đầu sự nghiệp, không làm đúng chuyên ngành đã từng theo học, anh Tứ xin vào làm thiết kế đồ họa cho một công ty may đồng phục tại thành phố Thái Bình. Anh Tứ chia sẻ: Khi mới bước vào nghề, công việc không mấy nặng nhọc nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nơi đô thị. Tôi đã có suy nghĩ nhiều thanh niên ngày nay họ đã thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp, tại sao mình lại không? Do đó tôi vừa làm, vừa học nghề để ước mơ về quê mở xưởng may trở thành hiện thực. Với số vốn ít ỏi đã dành dụm và chút ít kiến thức, kinh nghiệm của nghề may, năm 2017 anh Tứ đã mở được một xưởng may đồng phục nhỏ tại thành phố Thái Bình phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh. Sự kiên trì, cùng với chất lượng may ngày một nâng cao, những đơn hàng của xưởng ngày càng thêm nhiều. Thời gian đầu xưởng chỉ nhận được những đơn hàng nhỏ, đến nay xưởng chủ yếu làm những đơn hàng lớn may đồng phục cho các trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2019, nhận thấy lực lượng lao động tại các xã huyện Tiền Hải dồi dào, anh Tứ quyết định về xã Nam Hồng thuê mặt bằng để mở Công ty TNHH Đồng phục và quà tặng Thái Bình. Bằng kinh nghiệm và mối quan hệ sẵn có, anh bắt đầu xây xưởng sản xuất, đầu tư mua máy, trang thiết bị với số vốn đầu tư trên 2 tỷ đồng và kết hợp dạy nghề miễn phí cho lao động là thanh niên trên địa bàn huyện Tiền Hải. Công ty của anh chuyên thiết kế, may, in, thêu đồng phục, quà tặng cho các công ty, trường học, nhà thờ, các đại lý. Mỗi tháng Công ty sản xuất khoảng 300.000 sản phẩm. Đặc biệt, mặc dù thời điểm hiện tại rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng với uy tín của mình, anh Tứ đã khắc phục được khó khăn, vẫn có nhiều đơn hợp đồng, duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 40 công nhân, thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Nói về tương lai phát triển của Công ty, anh Nguyễn Văn Tứ cho biết thêm: Xưởng may hiện nay mới chỉ là bước khởi đầu. Từ kinh nghiệm tích lũy được, trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng, trang thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất. Bằng sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm, xung kích tình nguyện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu,  anh Nguyễn Văn Tứ bước đầu đã thành công với Công ty TNHH Đồng phục và quà tặng Thái Bình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần không nhỏ trong việc giải bài toán đào tạo và giải quyết lao động nông nghiệp trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Những đóng góp của anh Tứ được lãnh đạo địa phương, Ban Chấp hành Đoàn xã ghi nhận và đánh giá cao. Đồng chí Phạm Văn Tài, Bí thư Đoàn xã Nam Hồng cho biết: Ngoài việc phát triển kinh tế, anh Nguyễn Văn Tứ còn là một thanh niên rất sôi nổi trong các hoạt động phong trào đoàn, hội. Thời gian qua, trong phòng, chống dịch Covid-19, anh Tứ đã may 7.000 chiếc khẩu trang để tặng cho đoàn viên, thanh niên, bà con nhân dân xã Nam Hồng, để cùng địa phương chung tay phòng, chống dịch bệnh.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày