Chủ nhật, 24/11/2024, 00:18[GMT+7]

Chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 7, 16/05/2020 | 05:43:23
1,158 lượt xem
Ngày 15-5, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2020. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Ủy ban TVQH nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo (tóm tắt) về KT-XH; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra (tóm tắt) Báo cáo về KT-XH; nghe Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo (tóm tắt) về NSNN; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Nguyễn Ðức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra (tóm tắt) về báo cáo nêu trên.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng, dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song năm 2019, tình hình phát triển KT-XH của đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối đồng bộ mục tiêu tổng quát đã được QH đề ra. Năm 2020, đại dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng lớn đến thế giới, khu vực và trực tiếp đến Việt Nam. Ủy ban TVQH đánh giá cao những nỗ lực, hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội. Ðồng thời đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, đánh giá, dự báo tình hình năm 2020 một cách sát nhất và xây dựng thêm kịch bản với những giải pháp phù hợp, thích ứng nhanh chóng khi tình hình dịch bệnh có thể kéo dài. Tiếp tục đổi mới tư duy về kinh tế trong tình hình mới, nhất là sau dịch Covid-19, cần làm tốt những nhiệm vụ đã đặt ra, giải quyết những tồn tại yếu kém trước khi đề xuất, triển khai đồng bộ những vấn đề mới. Với một nền kinh tế mở như hiện nay, cần phải tính toán chú trọng thị trường trong nước, tập trung sản xuất những sản phẩm thiết yếu của nước ta liên quan đến lương thực thực phẩm, thiết bị y tế...

Cùng với đó, ý kiến của các đại biểu cũng nêu rõ, cần tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn (dự án đường bộ cao tốc bắc - nam phía đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh).

Ðề cập về việc điều chỉnh các chỉ tiêu KT-XH, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần làm rõ quy trình và có thời gian để thẩm định, đánh giá thật kỹ vấn đề này. Chúng ta chưa có báo cáo chính thức, chưa có đủ cơ sở để đánh giá khả năng hoàn thành các chỉ tiêu ở mức nào, vì thế cứ đặt mục tiêu là nỗ lực cao nhất để hạn chế việc sụt giảm. Nếu chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ, thì phải tính tới việc hấp thụ của nền kinh tế có được hay không?

Về vấn đề nêu trên, có ý kiến đại biểu cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc kỹ bởi điều cần nhất là thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để phấn đấu đạt mức cao nhất có thể, còn điều chỉnh thế nào thì Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn vấn đề nào cần thiết thì có tờ trình cụ thể, phân tích rõ để QH nắm tình hình.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện rõ hơn, cụ thể hơn, tiếp tục rà soát lại chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách tín dụng để tăng cường sản xuất, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 sao cho đúng, trúng, tránh đầu tư sai, dẫn đến thiệt hại không đáng có. Cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết của QH, nhất là vấn đề đầu tư công, bảo đảm giải ngân cho đúng tiến độ, kế hoạch với các dự án đã được thông qua. Ðồng thời, Ủy ban TVQH cũng đề nghị Chính phủ có báo cáo bổ sung về an ninh nguồn nước và những giải pháp cấp bách cho vấn đề này.

Chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tham gia thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Chương trình MTQG phải bảo đảm kết nối giữa các chương trình, xuyên suốt các thời kỳ, phát triển bền vững, khắc phục bất cập, hạn chế của một số chính sách giai đoạn trước. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, bảo đảm sự phù hợp của Chương trình MTQG với các mục tiêu chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH chung, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các quy hoạch có liên quan.

Về kinh phí thực hiện chương trình, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị, Chính phủ cần đánh giá, phân tích làm rõ với hệ thống chính sách dân tộc đã triển khai thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 có bao nhiêu chương trình và tổng nguồn vốn đã được bố trí cho vùng DTTS và miền núi (đặc biệt là các chính sách do các bộ, ngành quản lý và các chương trình mục tiêu khác). Ðồng thời, xây dựng kịch bản, với nguồn vốn bố trí như hiện nay (thấp hơn nhiều lần đề xuất ban đầu), thì đáp ứng được bao nhiêu mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2030.

Về việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có ý kiến cho rằng, đây là nội dung quan trọng và thiết thực để người DTTS phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, các ý kiến đề nghị, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh ở vùng DTTS và miền núi; nâng cao vai trò của Nhà nước trong tiếp cận, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Ủy ban TVQH đề nghị cần quan tâm hơn nữa tới đời sống đồng bào DTTS; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đề án, trong đó nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Ðồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong các dự án của chương trình.

Cũng trong chiều cùng ngày, Ủy ban TVQH cho ý kiến (lần hai) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày