Pháo đài Đồng Bằng
Ảnh minh họa.
Nuôi hối hả từ thị xã về làng Nguyễn. Đã hơn tháng nay đi theo mụ chánh Củng, chị nhớ làng, nhớ nhà quá. Nhà chẳng còn, về nhìn cái sân, mảnh vườn xem sao. Anh ấy nằm ngồi, ăn ở chỗ nào... Hôm ấy xách bị ra đi tưởng rồi chả bao giờ thèm đặt chân vào cái ngõ ấy nữa. Nhưng chỉ mươi ngày đã lại muốn về, nhìn một loáng rồi đi cũng được. Hôm đẻ thằng cu, cắt dau chôn ở giữa sân, u lên như cái vung nồi ba. Cái hè nhà nện kỹ, gọt phẳng như xây ấy, thằng cu vẫn vịn tập đứng, tập đi...
Chiếc đòn gánh treo đôi quang ró nhảy nhảy trên vai Nuôi, theo nhịp bước chạy gằn của chị. Chị đi đã nhanh mà sao lâu đến nhà. Qua cầu Năm, có hàng bánh rán mật, chị mua mấy cái dúm vào lá. Đi xa về phải có chút quà cho anh ấy... Giận nhau cả đời được à? Lâu nay chả thấy ai nói đến việc ấy nữa, chắc là nó đã nguội. Người chứ có phải gỗ đá đâu.
Qua cổng nhà chánh Củng, Nuôi không vào. Nuôi đi tuột về nhà mình. Xóm làng sau trận giặc phá trông lạ hẳn đi.
Nhà kia rồi... Nuôi bước dấn lên. Khung tường đất đứng trơ dưới nắng mùa đông nhợt nhạt. Cái hè nhà, chỗ thằng cu vịn tập đứng, tập đi bị đốt cháy sạm. Cái hố chôn dau đây, chỉ còn hơi u lên... Cái giường đặt ở góc này, đóng từ ngày cưới...
Xuống bếp, Nuôi nhấc tấm liếp ghép bằng lá lau ra... À, anh ấy nằm ngồi ở đây. Mươi lăm đoạn tre không róc đầu mặt, vừa thẳng vừa queo, đặt lên làm mái, phủ một lượt rạ mỏng... Cái ổ rơm vừa một người nằm, trải bệt xuống đất. Khéo anh ấy phải nằm co suốt đêm, nền bếp chật mà chân anh ấy thì như cây sào... Xem sáng nay ăn uống gì nào. - Nuôi mở vung niêu. Những hạt cơm khô khốc... Thóc cháy dở đem xay...
- Ai mở cửa đấy! - Tiếng ông Sen bên kia giậu giâm bụt.
- Cháu đây!
- Chị vừa về à?
Ông Sen bước sang:
- Thằng cu chịu chơi không?
- Cháu chịu chơi, ông ạ!
- Bố nó có ở nhà đâu. Cái bếp này tôi mượn ở tạm.
Nuôi ngờ ngợ:
- Thế, bố cháu ở đâu hở ông?
Ông Sen nhìn ra ngõ, nói nhỏ:
- Ban ngày giặc nó vào sục luôn. Anh ấy chưa về làng.
- Ông có biết...
- Biết làm sao được. Anh ấy bí mật lắm. Chỉ biết đêm vẫn về. Bà lão nhà tôi gặp luôn.
- Bà có nhà không ông?
- Bà ấy ở bên nhà cô Dâu.
Nuôi bần thần... Bà Sen ở nhà Dâu. Mình nháo lại đấy xem sao? Nhưng gặp Dâu thì chào hỏi thế nào?... Hay là thôi!... Không, mình phải đến!... Gặp bà Sen thì hỏi, không thì lẳng lặng đi ra. Để họ biết mình chưa bỏ cái đất này...
Đặt đòn gánh lên vai, Nuôi chạy gằn sang nhà Dâu. May quá Dâu không có nhà. Bà Sen đang vuốt rạ đánh gianh.
- Bà ơi!
- Cô đã về đấy à? Có đưa cháu về không?
- Không! Con về, còn ít đồ đạc gánh đi cho bà chánh.
- Bà ấy định đi biệt xới chắc!
Nuôi ngồi xuống vuốt rạ, mắt vè vè nhìn vào gian buồng của Dâu. Mới lợp lại trông cũng tươm tất.
- Bà ở đây với cô ấy?
- Ừ!... Nay mai làm được gian nhà thì về.
- Bà về thì cô ấy ở đây lại buồn.
- Ừ.
- Làng tề thế này chắc cô ấy chả đi họp hành gì nữa, bà nhỉ!
Bà Sen im lặng... Con này rõ vớ vẩn. Tề cứ tề, họp cứ họp chứ. Mày dò dỏm làm gì. Lên thị xã mà bép xép, lộ bí mật à?...
Nuôi không thấy trả lời... Thế là có đi họp đấy! Không thì nói toạc là không, có thì nói có, việc gì phải giấu giếm?... Cán bộ lại bênh nhau chứ gì...
- Bà gặp bố cháu có gầy không ạ?
- Lâu nay có gặp anh ấy đâu mà biết gầy hay béo!
“Ấy đấy! Ông thì bảo bà gặp luôn. Bà thì bảo không gặp... Bà trọ ở đây, nói thật thì nể chứ gì...” - Nuôi nghĩ thầm.
Chuyện chuyển sang việc khác, vẫn mặn mà nhưng không cần thiết.
- Vô phép bà, cháu đi kẻo muộn!
Chiếc đòn gánh lại bật bật trên vai, Nuôi bước vội về nhà chánh Củng.
Thấy Nuôi, Cự nói như reo:
- A, cô Nuôi! Đợi mãi từ nãy giờ!
- Em... - Nuôi cười cười như để nhận là mình về muộn.
- Chờ cô lấy đồ đạc, tôi còn lên bàn giấy.
Cự đứng xem Nuôi nhét hai cái nồi mười vào ró. Trong cái nồi mười là cái nồi năm. Trong cái nồi năm xếp đầy bát đĩa cổ.
- Mai, cô về nữa không? - Cự hỏi.
- Đồ đạc hết rồi, em về làm gì nữa?
- Về với chú ấy!
Nuôi gióc quang, xâu đòn gánh vào, giọng khô lạnh:
- Người ta thiết gì nữa mà về?
- Khì... khì... Trai năm thiếp bảy thê!
- Anh ấy muốn đi với ai thì đi! Trối kệ!
- Có đền bên Bắc để miếu bên Đông tồi tàn à?
- Nó vậy đấy, anh ạ! - Nuôi nói, tay kéo vạt áo lau giọt nước lăn xuống gò má... Rồi Nuôi cất gánh lên vai. Gói bánh mật trên trốc ró lắc lư theo nhịp chạy gằn của Nuôi... Biết gửi ai cho anh ấy được!... Mà gửi làm gì?... Người ta thèm ăn của mình nữa à?... Phen này thì thắt lưng buộc bụng mà nuôi con... Cầm như đứt quang gãy gánh giữa đường... - Ngó phía trước sau đều vắng, Nuôi ngồi xuống cho đỡ đau ruột. Những cái nấc từ đâu đẩy lên rung đôi vai chị. Nước mắt chị giàn giụa, thấm ướt đuôi vạt áo... Sợ ngồi lâu có người biết, Nuôi lại cất gánh đi. Đôi chân như rụng rời...
4
Lý Bật lục mớ giấy tờ quận gửi về. Có một cái đóng dấu đỏ chéo hai chữ “Thượng khẩn”.
Tiên Hưng, ngày 25/10/1951
Gửi các ông Tổng ủy, Xã ủy vùng mới tảo thanh trong quận.
Hiện nay, vùng tảo thanh đã được gần một tháng, nhưng quận chưa biết đích xác tình hình dân số từng xã, từng tổng, đặng tiền hành việc lập sổ sách, chụp hình, làm thẻ, đáp ứng yêu cầu kiểm soát trị an.
Đã mấy lần quận hội bàn với các ông tổng ủy, xã ủy để đôn đốc tiền hành. Nhưng công việc vẫn chậm chạp. Tòa tỉnh trưởng đã có giấy về khiển trách.
Nay quận thông tri để các ông khẩn cấp tiền hành. Việc này chỉ có kết quả với thiện chí và sự nỗ lực của chính các ban tổng ủy, xã ủy. Không nên viện cớ khó khăn ngoại lai mà làm chậm trễ công việc. Hậu quả không tốt có thể xảy ra, các ông sẽ phải gánh chịu, nếu sự chậm trễ kéo dài.
Đồng kính gửi: Các ông trưởng đồn trong quận, để cộng sự.
Quận trưởng
CHU VĂN LÃM
Gió từ sân chùa tạt vào thổi bay tờ giấy. Bật đuổi theo vào góc bái đường nhặt ra, nhìn chăm chăm cái dấu đỏ... Những ngày qua, tuy không được thẳng tay làm, Bật vẫn lén lút cấp thẻ cho mấy chục người, toàn là dân buôn bán... Mỗi cái thẻ kiếm được dăm đồng bỏ túi. Có làm có ăn... Gần đây Chuyển dứt khoát không cho làm nữa. Vừa ở trại giam chợ Bo về, cậu ta đã đến tận nhà Bật, móc lựu đạn để trên bàn rồi nói chuyện:
- Ông nhớ là tôi vẫn làm chủ tịch xã này. Tôi có trách nhiệm với nhân dân. Những việc làm dính dáng đến tài sản, tính mạng của dân, ông phải bàn với tôi... Ông có lường đến cái đận giặc vào làng kiểm soát, ai có thẻ nó không bắt, ai không thẻ nó gô cổ lại?... Mà người không lên thị xã chụp ảnh làm thẻ được là những ai, ông đã biết!...
Bút Ngữ
(Thành phố Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Thủ tướng: Khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào ngày 19/12/2025 20.05.2025 | 22:31 PM
- Quảng Ngãi muốn đầu tư 900 tỷ đồng làm đường sắt kết nối Dung Quất 20.05.2025 | 22:31 PM
- Tiêu hủy một tấn chả chay không rõ nguồn gốc 20.05.2025 | 22:32 PM
- Bể chứa nước dưới lòng đất lớn nhất thế giới 20.05.2025 | 19:11 PM
- Hơn 700 trẻ em được khám sàng lọc tim bẩm sinh miễn phí 20.05.2025 | 19:03 PM
- Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Hưng Hà hướng dẫn và lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 20.05.2025 | 19:04 PM
- 11 ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 20.05.2025 | 19:05 PM
- Công an tỉnh tổng kết cao điểm truy quét tội phạm ma túy, sơ kết tuần tra vũ trang và đánh giá công tác phòng, chống tội phạm 5 tháng đầu năm 20.05.2025 | 19:06 PM
- Cần bổ sung cơ chế giám sát độc lập trong thu giữ tài sản bảo đảm 20.05.2025 | 19:07 PM
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng 20.05.2025 | 19:08 PM
Xem tin theo ngày
-
UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả