Thứ 7, 23/11/2024, 19:11[GMT+7]

“Làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc”

Thứ 3, 19/05/2020 | 09:19:56
44,475 lượt xem
Bác Hồ từng căn dặn: “Các chiến sĩ ở ngoài mặt trận phải có đủ vũ khí, phải nắm vững chiến thuật để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trên mặt trận sản xuất, cán bộ và xã viên phải nắm vững kỹ thuật canh tác để thâm canh tăng năng suất.

Năng suất lúa của Thái Bình ổn định 132 tạ/ha/năm.

Muốn tăng năng suất, trước hết phải làm tốt thủy lợi, phải nhiều phân bón. Phân bón thì có thứ phân bón sẵn có, chỉ cần ta xúc lấy là được, như bùn, nước phù sa. Nhưng phân chuồng vẫn là loại phân bón tốt nhất. Muốn có nhiều phân chuồng thì phải chăn nuôi tốt, nhất là nuôi lợn. Có đủ nước, nhiều phân rồi, lại còn phải chọn giống tốt, phải phòng, trừ sâu bệnh thì mới thu hoạch được nhiều”. Lời dạy của Bác chính là động lực để nông dân Thái Bình phấn đấu thi đua lao động sản xuất, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thiên tai, địch họa, giành thắng lợi toàn diện trên mặt trận nông nghiệp khi ghi bảng vàng năng suất lúa 5 tấn thóc/ha (năm 1966), đánh dấu mốc lịch sử về năng suất lúa của miền Bắc, được Bác gửi thư khen.

Làm theo lời Bác dạy, sau 62 năm, nông nghiệp Thái Bình tiếp tục phát triển khá toàn diện, luôn là “trụ đỡ” trong lĩnh vực kinh tế. Sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đã có tác động rất lớn tới việc bảo đảm an sinh xã hội. Sản xuất nông nghiệp đã chuyển từ lượng sang chất, tích cực đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, hướng tới xây dựng nền kinh tế nông nghiệp bền vững. Đáng chú ý, lĩnh vực nông nghiệp đã phát triển theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của từng địa phương; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất theo quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng cũng như nhu cầu của thị trường. Mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị bước đầu được hình thành và nhân ra diện rộng, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, giúp người dân nông thôn tăng thu nhập và cải thiện đời sống. 

5 năm gần đây, tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 2,5%/năm, năng suất lúa ổn định 132 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn/năm, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đồng thời xuất khẩu ra một số nước trong khu vực. Đã hình thành một số mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả trên bãi bồi ven sông, đất lúa kém hiệu quả có thu nhập 500 - 600 triệu đồng/ha/năm. Chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại, công nghệ kiểu chuồng khép kín, tự động hoặc bán tự động, đệm lót sinh học, quy trình VietGAHP... Toàn tỉnh hiện có 736 trang trại chăn nuôi, 7.241 gia trại chăn nuôi, 20 tổ hợp tác, HTX chăn nuôi, 4 doanh nghiệp liên kết chăn nuôi gia công với trên 40 trang trại chăn nuôi. Thủy sản phát triển toàn diện cả nuôi trồng và khai thác; tập trung sản xuất theo hướng mở rộng diện tích nuôi ngao ven biển với khối lượng hàng hóa lớn; hình thành 156,56ha nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng với 4 - 5 vụ/năm, cho năng suất 30 - 40 tấn/ha, cao hơn 10 - 15 lần so với phương thức nuôi truyền thống; phát triển 602 lồng nuôi cá trên sông. Tập trung cải tiến ngư cụ, hiện đại hóa phương tiện đánh bắt và cơ cấu lại đội tàu khai thác theo hướng tăng năng lực khai thác xa bờ, giảm tàu khai thác ven bờ; hình thành 31 tổ đội khai thác xa bờ cho đội tàu vùng lộng và vùng khơi, tạo thành chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản và  giúp đỡ, bảo vệ nhau khi có tình huống xấu trên biển, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển. Đặc biệt, trong xây dựng NTM, Thái Bình là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh.

Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định: xây dựng NTM phải gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp bền vững, tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ các chủ thể của quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó đề cao vai trò đầu tàu của doanh nghiệp. Thời gian qua, Thái Bình đã triển khai đồng bộ các giải pháp như tập trung dồn đổi, tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp... Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản bắt đầu được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn quan tâm đầu tư. Lời căn dặn của Bác “làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc” luôn là động lực để ngành Nông nghiệp nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng phấn đấu thi đua sản xuất, từng bước đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Thâm canh tôm thẻ chân trắng với 4 - 5 vụ/năm, cho năng suất 30 - 40 tấn/ha. Ảnh: Thanh Huyền

Thái Bình vinh dự được 5 lần đón Bác; mỗi lần về thăm, Người đều dành tình cảm sâu đậm, những căn dặn, chỉ bảo ân cần, cụ thể với nông dân và sản xuất nông nghiệp. Ngày 26/10/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Bình lần thứ ba, Người căn dặn: “Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, người đông, đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc”. Về thăm lần thứ năm, ngày 31/12/1966, khi Thái Bình là tỉnh đầu tiên đạt năng suất 5 tấn thóc/ha, Người nhấn mạnh: “Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Khắc ghi lời Bác dạy, trong mỗi giai đoạn lịch sử, Thái Bình luôn chú trọng đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, coi đây là lĩnh vực quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, trong những năm qua, Thái Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), đạt được những thành tựu nổi bật.


Ngân Huyền