Thứ 6, 15/11/2024, 05:10[GMT+7]

Giá lợn tăng cao: Thấp thỏm người nuôi, khó khăn người tiêu dùng (Kỳ 2)

Thứ 5, 04/06/2020 | 09:21:56
7,042 lượt xem
Thời gian qua, giá lợn hơi và thịt lợn tăng cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng mà còn tác động mạnh đến ngành chăn nuôi lợn. Nhiều chủ trang trại thu tiền tỷ và phất lên nhờ nuôi lợn, tuy nhiên có không ít hộ chăn nuôi lao đao, khó khăn, rủi ro khi chăn nuôi lợn ở thời điểm này.

Với giá lợn hơi và thịt lợn tăng cao, người chăn nuôi có nhiều cơ hội thu lãi cao tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro từ chăn nuôi lợn.

Kỳ 2: Nuôi lợn thời bão giá (tiếp theo và hết)

“Phất lên” nhờ lợn

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Trần Văn Bảy, thôn Bình Minh, xã Bách Thuận (Vũ Thư) hiện nuôi 2.000 con lợn/năm, trong đó đàn lợn nái 50 con, còn lại là lợn thịt và lợn con. Anh Bảy cho biết, may mắn là đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn của gia đình anh không bị thiệt hại. Hàng tháng, trang trại của gia đình anh vẫn đều đặn xuất ra thị trường từ 25 - 30 tấn lợn hơi. Ngay sau bệnh dịch tả lợn châu Phi kết thúc, lợn bắt đầu tăng giá mạnh, gia đình anh chủ yếu xuất lợn với giá lợn hơi 86.000 đồng/kg, hiện nay là 98.000 đồng/kg, gấp 4 - 5 lần so với thời kỳ giá lợn hơi xuống thấp nhất. Với giá bán này, từ đầu năm 2020 đến nay, gia đình anh thu về từ 1,5 - 3 tỷ đồng/tháng. 

Anh Bảy phấn khởi chia sẻ: Anh có thâm niên 27 năm chuyên chăn nuôi lợn, trải qua thành công và cả thất bại từ nghề này nhưng chưa bao giờ thấy lợn được giá cao như hiện nay, mỗi con lợn có giá hơn 10 triệu đồng. Nhờ giá lợn cao, gia đình anh Bảy đã có thể trả nợ số tiền hơn 1 tỷ đồng (do chăn nuôi thua lỗ vì giá lợn hơi cuối năm 2018, đầu năm 2019 giảm sâu, chỉ đạt 18.000 đồng/kg) và thu về tiền tỷ nhờ lợn lên giá.

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Đỗ Văn Trưởng, xã Tân Lập hiện có 200 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt. Ông Trưởng cho hay, hiện mỗi tháng gia đình ông xuất ra thị trường trên 20 tấn lợn hơi và 300 con lợn con. Với giá bán lợn hơi 95.000 - 98.000 đồng/kg và 3 - 3,5 triệu đồng/lợn con, gia đình ông Trưởng thu về gần 3 tỷ đồng/tháng.

Cùng với anh Bảy, ông Trưởng, nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Vũ Thư được hưởng lợi và “phất lên” nhờ giá lợn tăng cao. Theo người chăn nuôi chia sẻ, với mức giá lợn hơi gần 100.000 đồng/kg như hiện nay, thì mỗi con lợn, người chăn nuôi thu lãi về khoảng 4 - 5 triệu đồng/con. Đây được coi là số lãi trên một đầu lợn cao nhất từ trước đến nay. Thời điểm hiện tại, các trang trại, gia trại có nhiều lợn thịt xuất bán thì đều “trúng đậm”. Nhờ lợn lên giá mà nhiều hộ chăn nuôi đã giải quyết được vấn đề thua lỗ do thiệt hại vì bệnh dịch tả lợn châu Phi hoặc do giá lợn xuống quá thấp trước đó; thậm chí vươn lên làm giàu, có thu nhập tiền tỷ nhờ nuôi lợn.

Tái đàn lợn, nhiều rủi ro

Tuy giá lợn hơi và thịt lợn tăng cao, nhưng không phải cứ chăn nuôi lợn là “trúng quả”. Anh Trịnh Văn Hải, thôn Toàn Thắng, xã Bách Thuận cho biết: Trong giai đoạn lợn hơi đắt như hiện nay thì nuôi lợn vô cùng “nguy hiểm”, rủi ro. Do giá lợn hơi tăng nên giá lợn giống tăng cao, hiện ở mức 3,5 triệu đồng/con nặng 5 - 6kg. Các chi phí khác như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, điện, nước đều tăng. Năm 2019, đàn lợn của gia đình anh Hải đã bị bệnh dịch tả lợn châu Phi càn quét khiến gia đình thua lỗ hàng tỷ đồng. Theo tính toán, nếu anh Hải mạo hiểm vay vốn đầu tư chăn nuôi lợn với giá đầu vào là con giống và các chi phí phát sinh nuôi lợn tăng cao, nếu giá bán sau này giữ ở mức cao từ 95.000 - 100.000 đồng/kg lợn hơi thì anh có hy vọng thu được lãi 3,5 - 4 triệu đồng/con. Ngược lại, nếu giá lợn hơi xuống thấp thì anh Hải dễ rơi vào vòng thua lỗ. Chưa kể, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay không thể coi thường và có thể bất ngờ tái xuất hiện làm thiệt hại đàn lợn. Do đó, anh Hải không dám mạo hiểm đầu tư tái đàn lợn với quy mô lớn mà chỉ tái đàn quy mô 200 - 300 con, bằng 50% tổng đàn trước đó của gia đình. Ở quy mô này, anh Hải vẫn luôn lo lắng, thấp thỏm về nguy cơ thua lỗ hàng tỷ đồng nếu giá lợn đột ngột xuống dốc.

Ông Đỗ Văn Trưởng, xã Tân Lập chia sẻ: Giá lợn giống hiện 3,5 triệu đồng/con, chi phí thức ăn 2,5 triệu đồng/con, các chi phí khác khoảng 500.000 đồng/con, tổng chi phí sản xuất khoảng 6,5 triệu đồng/con khoảng 1 - 1,1 tạ. Nếu giá lợn hơi cao như hiện nay thì người chăn nuôi có lãi nhưng nếu về mức 65.000 đồng/kg thì người chăn nuôi hòa vốn, nhưng không có công trong suốt 4 tháng ròng; nếu giá lợn xuống thấp hơn thì bà con thua lỗ. Đối với trang trại của gia đình tôi tự gây được lợn giống thì rủi ro hoặc thua lỗ có thể thấp hơn, nhưng đối với các cơ sở chăn nuôi phải vay vốn ngân hàng hoặc không tự sản xuất con giống thì đầu tư lớn, rủi ro cao hơn nhiều. Tôi cho rằng giai đoạn hiện nay mà tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn rủi ro rất cao. Bản thân gia đình tôi đang tạm dừng việc mở rộng đàn lợn thịt vì những e ngại trên.

Bà Lưu Thị Thu Hoài, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vũ Thư cho biết: Do đàn lợn bị thiếu hụt trầm trọng sau bệnh dịch tả lợn châu Phi nên giá lợn hơi và thịt lợn tăng cao. Giá lợn tăng khiến tâm lý người chăn nuôi nôn nóng muốn sớm tái đàn và mở rộng quy mô chăn nuôi. Ngược lại, một số hộ lại quá thận trọng, lo ngại giá lợn xuống dốc đột ngột nên không dám tái đàn. Hiện nay, chúng tôi khuyến khích các cơ sở chăn nuôi bảo đảm đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học có thể tiến hành tái đàn lợn để có đủ nguồn thịt lợn cung cấp ra thị trường. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân hết sức thận trọng khi tái đàn lợn ồ ạt với quy mô lớn thời điểm này. Nguyên nhân là do giai đoạn này giá con giống và các chi phí khác tăng cao kéo theo chi phí sản xuất tăng, tuy nhiên giá lợn hơi, thịt lợn lại bấp bênh, chưa ổn định nên nếu không thận trọng, người chăn nuôi có nguy cơ thua lỗ lớn. Đối với các hộ chăn nuôi có nguồn tài chính vững vàng thì thuận lợi hơn, nhưng đối với các hộ chăn nuôi phải đầu tư bằng nguồn vốn vay, phụ thuộc, thì cần cân nhắc kỹ rủi ro về kinh tế khi nuôi lợn trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, một số tỉnh, thành trong nước đã tái xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đây là mối đe dọa lớn với chăn nuôi lợn của địa phương. Để giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh đe dọa đàn lợn, chúng tôi khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ khắt khe quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên khử trùng chuồng trại và chăm sóc tốt đàn lợn, tuyệt đối không chủ quan, không để bệnh dịch tả lợn châu Phi tái xâm nhập, gây thiệt hại đàn lợn.

Quỳnh Lưu