Thứ 6, 15/11/2024, 10:30[GMT+7]

“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”

Thứ 4, 17/06/2020 | 10:21:00
1,317 lượt xem
Sau một thời gian liên kết với các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn, anh Lưu Văn Toàn, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) đã vận động thành lập HTX chăn nuôi để cùng nhau phát triển. Tháng 1/2020, HTX chăn nuôi xanh Thái Bình chính thức được thành lập và đi vào hoạt động với các dịch vụ: cung cấp con giống chọn lọc chất lượng cao cho thành viên HTX và ra thị trường bên ngoài; kinh doanh thuốc thú y, thức ăn gia súc và bao tiêu sản phẩm.

Trung bình mỗi tháng, HTX chăn nuôi xanh Thái Bình cung cấp khoảng 4 vạn con giống.

Ông Nguyễn Văn Năng, xã Thụy Bình (Thái Thụy), thành viên HTX chăn nuôi xanh Thái Bình cho biết: Tôi từng chăn nuôi gà, ngan, vịt nhiều năm nhưng khi HTX thành lập, tôi đăng ký trở thành thành viên bởi với hơn 20 năm chăn nuôi nhỏ lẻ, tôi hiểu được những khó khăn, bấp bênh của người chăn nuôi khi con giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y đều không rõ nguồn gốc, thị trường tiêu thụ không ổn định. Tham gia HTX, từ giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tôi đều mua của HTX, không phải qua khâu trung gian nên giảm được chi phí đầu tư. Khi gà, vịt có bệnh, HTX sẽ cử cán bộ kỹ thuật tới kiểm tra, hướng dẫn sử dụng thuốc. Con giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, chăn nuôi có nhật ký ghi chép nên giá bán cũng cao hơn chăn nuôi tự do trước đây từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Trước khi thành lập HTX, các thành viên là những người chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, chưa có sự liên kết trong chăn nuôi giữa các thành viên với nhau và chưa có liên kết với công ty, doanh nghiệp, đại lý về giống, vật tư chăn nuôi cũng như tiêu thụ sản phẩm. Các hộ chăn nuôi gặp khó khăn về vốn, kinh nghiệm, rủi ro về dịch bệnh cao, thu nhập thấp. Anh Lưu Văn Toàn, Giám đốc HTX cho biết: Trong chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm nói riêng, con giống là yếu tố quyết định đến hiệu quả, tính bền vững của sản xuất. Đối với tỉnh Thái Bình, chăn nuôi gia cầm, thủy cầm và lợn có từ lâu đời nhưng đa phần chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, con giống không đồng nhất phần lớn nhập từ địa phương khác về, kỹ thuật chăn nuôi còn hạn chế... Tất cả những vấn đề đó cũng góp phần khiến cho dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, năng lực của hộ chăn nuôi chưa phát huy hết, chưa đáp ứng tốt khâu vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm. HTX chăn nuôi xanh Thái Bình được thành lập với mong muốn cung cấp cho thành viên HTX cũng như thị trường bên ngoài giống gia cầm, thủy cầm chất lượng; áp dụng chăn nuôi VietGAHP tới các hộ thành viên; thay đổi hình thức mua bán sản phẩm từ chỗ phụ thuộc tư thương sang hợp đồng. HTX hiện có 20 thành viên, đều là những hộ chăn nuôi tập trung quy mô trên 500 con gà, 100 con lợn trên địa bàn 2 huyện: Thái Thụy, Vũ Thư. Đây là yếu tố thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Chủng loại giống đối với chăn nuôi gia cầm, thủy cầm HTX sẽ tự chọn lọc lai tạo  ra con giống gà, vịt  để ổn định đầu vào nuôi thịt với quy mô ban đầu là 10.000 gà bố mẹ, gà hậu bị; 2.000 vịt bố mẹ cho phép ổn định con giống cho các thành viên HTX và cung ứng ra bên ngoài con giống chất lượng cao. Hiện trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp khoảng 4 vạn con giống gia cầm, thủy cầm tới thành viên và thị trường bên ngoài. Đối với chăn nuôi lợn,  quy mô ban đầu 150 lợn nái ngoại cao sản, lợn thịt trung bình duy trì 1500 con được nuôi trong chuồng kín. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi khiến quy mô, sản lượng thịt xuất ra thị trường giảm đáng kể.

Anh Lưu Văn Toàn, Giám đốc HTX cho biết thêm: HTX là một trong 2 đơn vị ở khu vực miền Bắc sử dụng vắc-xin thế hệ mới - vắc xin 4 bệnh của Pháp tiêm phòng cho con giống khi vừa nở (phòng 4 loại bệnh nguy hiểm trên gia cầm, thủy cầm 1 ngày tuổi tại trạm ấp, gồm: Marek, GumBoro, Newcastle, IB). Với công nghệ này, chi phí cho mỗi con giống sẽ tăng thêm 2.000 đồng so với các trại ấp khác nhưng người nuôi sẽ chỉ phải tiêm chủng thêm 3 lần thay vì 6 lần như truyền thống, giúp người chăn nuôi giảm một nửa phần vất vả và tối đa hóa lợi nhuận. Là một trong những đơn vị kinh tế tập thể đầu tiên của tỉnh trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất, tiêu thụ gia súc, gia cầm, HTX lại ra đời trong hoàn cảnh khi dịch tả lợn Châu Phi lan rộng, bệnh Covid-19 ảnh hưởng toàn thế giới, hoạt động của HTX gặp nhiều khó khăn. Song với định hướng rõ ràng và xuyên suốt: bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm tới cùng về sản phẩm của mình, chúng tôi hướng tới mục tiêu lâu dài: xây dựng và hình thành chuỗi liên kết khép kín, bền vững trong chăn nuôi. Dự định của HTX thời gian tới sẽ xây dựng các điểm bán hàng, cơ sở giết mổ tập trung bởi giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có một ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, không những bảo vệ, giữ vững tổng đàn chăn nuôi tại địa phương mà còn bảo vệ tính mạng và sức khỏe con người.

“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, đó là suy nghĩ của anh Lưu Văn Toàn khi kết nối các thành viên để thành lập nên HTX. Sự thay đổi về nhận thức trong sản xuất, chăn nuôi bằng việc hình thành các tổ hợp tác, HTX hoạt động theo chuỗi khép kín sẽ góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày