Các doanh nghiệp đón nhận EVFTA
Cơ hội và thách thức
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), EVFTA được thực thi tạo cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu (EU) bởi đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (chỉ sau Mỹ) của Việt Nam. EU có 27 quốc gia với dân số khoảng gần 450 triệu người; mỗi năm nhu cầu sử dụng hàng hóa nhập khẩu của các nước EU khoảng gần 2.400 tỷ USD, chiếm gần 15% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn cầu. Năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU 41,7 tỷ USD với mức thặng dư thương mại đạt 26,63 tỷ USD và đang có xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới. Các ngành hàng là thế mạnh của Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường EU và có kim ngạch xuất khẩu lớn gồm: điện thoại, máy vi tính, dệt may, giày dép, túi xách, vali, gỗ và sản phẩm gỗ, nông sản, thực phẩm… Trong số này, có nhiều ngành hàng cũng là thế mạnh của các doanh nghiệp ở Thái Bình. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, khi thực thi đầy đủ các cam kết trong Hiệp định EVFTA thì GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho các doanh nghiệp; trong đó phải kể tới: ưu đãi về thuế quan; gia tăng nguồn vốn, khoa học công nghệ và máy móc nhờ thu hút các doanh nghiệp FDI từ EU; tạo được lợi thế cạnh tranh khi tham gia hệ thống chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; không phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội, lợi ích từ Hiệp định EVFTA mang lại, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo có những khó khăn, thách thức hiện hữu đối với các doanh nghiệp trong nước. Thị trường EU đòi hỏi nghiêm ngặt và khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật và rào cản thương mại, rào cản phi thuế quan, sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa… Đặc biệt, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết EVFTA, các doanh nghiệp phải đáp ứng được các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ nguyên, phụ liệu sản xuất đối với sản phẩm chế biến, chế tạo và tiêu chuẩn vệ sinh, kiểm dịch động vật, thực vật đối với nông sản khi xuất khẩu vào EU. Những yêu cầu đặt ra trên thực sự là thách thức đối với doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải vượt qua.
Muốn xuất khẩu vào thị trường EU, các doanh nghiệp phải đáp ứng được đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.
Hành động của doanh nghiệp
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, Công ty TNHH Sản xuất - Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tiến Thành (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình) có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu sản phẩm vào thị trường EU. Hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt tại thị trường các nước như Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Thụy Điển... Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cho biết: Để xuất khẩu vào thị trường EU, ngoài chất lượng sản phẩm tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì mẫu mã phải đẹp, chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng vùng miền, quốc gia. Chính vì vậy, hiện nay chúng tôi đang tập trung đào tạo nâng cao tay nghề của những người thợ thủ công, nghiên cứu đổi mới nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, hình thức sản phẩm phù hợp với nhu cầu của đối tác và người tiêu dùng các nước EU.
Trước xu hướng nhu cầu vận tải hàng hóa trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong khu vực ra thị trường quốc tế, nhất là các nước EU gia tăng khi thực hiện Hiệp định EVFTA, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành đã nhìn thấy cơ hội đầu tư vào lĩnh vực logistics. Ông Ngô Văn Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty hồ hởi cho biết: Ngoài một số dự án Công ty đang triển khai đầu tư tại Thái Bình, chúng tôi đặc biệt quan tâm và dốc sức vào dự án cảng Ba Lạt tại xã Nam Phú (Tiền Hải). Đây là dự án có quy mô lớn được kỳ vọng góp phần đánh thức tiềm năng kinh tế biển của tỉnh, mở cửa ngõ đưa sản phẩm của các doanh nghiệp ra thị trường quốc tế thuận lợi, giảm được chi phí logistics, nâng cao thêm sức cạnh tranh cho doanh nghiệp khi đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường EU. Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện đồ án quy hoạch, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực tài chính, máy móc, nhân lực để khởi công và kêu gọi đối tác nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động khi dự án hoàn thành.
Hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sợi dệt và may mặc cũng đang tích cực xúc tiến thương mại, tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu trong nước và nước ngoài thuộc nhóm các quốc gia thành viên của Hiệp định EVFTA nhằm bảo đảm thực hiện tốt quy tắc nguồn gốc xuất xứ để được hưởng chính sách về thuế quan. Một trong những kênh giao dịch được doanh nghiệp chú trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp trên thế giới đó là xúc tiến thương mại điện tử. Ông Vũ Duy Hân, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trường Sơn Thịnh (cụm công nghiệp Mê Linh, huyện Đông Hưng) chia sẻ: Nhằm chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, định hướng của Công ty là sẽ đa dạng hóa nhà cung cấp, trong đó có các nước đối tác của EVFTA. Để thực hiện điều đó, chúng tôi đã sử dụng triệt để kênh thương mại điện tử để tìm kiếm, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng nguyên liệu vải và phụ liệu phục vụ sản xuất.
Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự chuẩn bị thích ứng, tận dụng điều kiện thuận lợi và khắc phục khó khăn, thách thức khi thực thi Hiệp định EVFTA để tồn tại, phát triển; tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa nắm bắt cơ hội EVFTA mang lại. Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu, nắm vững cam kết của Việt Nam và EU theo Hiệp định EVFTA, nhất là các thông tin, điều kiện được hưởng ưu đãi về thuế quan như quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU. Hiệp hội cũng sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề giúp các doanh nghiệp thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh thích ứng trong bối cảnh mới, tạo động lực để đổi mới, phát triển, vươn ra “biển lớn” thành công.
Hà Thanh
Tin cùng chuyên mục
- Áo dài xứ Huế 19.11.2024 | 16:52 PM
- Liên hợp quốc nối lại các chuyến bay nhân đạo tại Haiti 19.11.2024 | 16:53 PM
- Siêu máy tính Frontier bị soán ngôi mạnh nhất thế giới 19.11.2024 | 16:36 PM
- Rò rỉ dai dẳng ở trạm ISS khiến NASA lo ngại 19.11.2024 | 16:37 PM
- Cháy rừng và hạn hán gia tăng, Ecuador ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia 19.11.2024 | 16:37 PM
- Sai lầm khi lau chùi bảng đồng hồ gây xước dăm 19.11.2024 | 15:44 PM
- Lái thử xe Wuling Bingo tại Thái Bình 19.11.2024 | 15:39 PM
- Dòng vốn toàn cầu dịch chuyển, nên giữ hay bán vàng? 19.11.2024 | 16:37 PM
- Đồng chí Phó Trưởng đoàn đại biểu quốc hội chuyên trách tỉnh chúc mừng cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Vũ Ninh 19.11.2024 | 15:38 PM
- Quỳnh Phụ: Phấn đấu năng suất lúa vụ xuân năm 2025 đạt trên 70 tạ/ha 19.11.2024 | 15:35 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương