Thứ 5, 14/11/2024, 23:45[GMT+7]

Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 25/06/2020 | 08:16:40
9,735 lượt xem

Ảnh minh họa.

Từ chủ trương đúng đắn, kịp thời

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chiến lược được đề ra trong Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của nghị quyết trên đối với sự phát triển của một tỉnh nông nghiệp, ngày 16/10/2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành chương trình hành động số 23-CTr/TU về việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong đó xác định phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và xây dựng NTM là hai nhiệm vụ trọng tâm; phải có bước đi, lộ trình thích hợp từ chỉ đạo điểm đến nhân ra diện rộng…Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng và triển khai thực hiện Đề án xây dựng mô hình nông thôn mới...Tháng 2/2009, UBND tỉnh Thái Bình triển khai Đề án xây dựng 8 xã của 8 huyện, thành phố làm điểm mô hình NTM. Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình điểm NTM cấp tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; các xã làm điểm do đồng chí Bí thư cấp ủy làm trưởng ban.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm 3 năm xây dựng NTM tại 8 xã làm điểm và thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới; căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, ngày 28/04/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Mục tiêu chung của công cuộc xây dựng NTM ở tỉnh Thái Bình đã được Nghị quyết số 02-NQ/TU xác định là: “Xây dựng nông thôn mới có nền sản xuất phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại; văn hóa - xã hội tiến bộ; dân chủ được phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống và vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; an ninh, trật tự được đảm bảo; hệ thống chính trị được củng cố vững chắc”. Nghị quyết nêu mục tiêu: “Đến năm 2015, phấn đấu tất cả các xã đạt 10 tiêu chí NTM trở lên; trong đó, 70 xã trở lên hoàn thành xây dựng NTM, riêng 8 xã làm điểm của tỉnh hoàn thành vào năm 2013. Đến năm 2020, các xã còn lại đạt 15 tiêu chí NTM trở lên; 6 huyện trở lên đạt tiêu chí NTM”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX nhiệm kỳ 2016-2020 cũng nêu chỉ tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020, 75% trở lên số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên”.

Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các chủ trương, chính sách, quy định mới của Trung ương Đảng, Chính phủ về xây dựng NTM, xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, ngày 21/12/2018, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình tiếp tục ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn cũng được đề ra rất cụ thể, rõ ràng, nâng cấp dần các tiêu chí trên cơ sở bám sát văn bản chỉ đạo của Trung ương và điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của tỉnh như:“Đến hết năm 2019 có 100% số xã đạt chuẩn NTM, có 02 huyện trở lên đạt chuẩn NTM. Đến hết năm 2020 có 100% số huyện đạt chuẩn NTM, Thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 5% số xã trở lên đạt tiêu chí NTM nâng cao; có 1,5% trở lên số xã đạt NTM kiểu mẫu; diện tích đất tập trung, tích tụ theo hình thức thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đạt 6% trở lên; diện tích đất có liên kết sản xuất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm đạt 10% trở lên so với tổng diện tích canh tác; mỗi huyện có 01 (trở lên) sản phẩm chủ lực có thương hiệu và thị trường tiêu thụ. Đến hết năm 2030, có 30% số xã trở lên đạt tiêu chí xã NTM nâng cao, có 10% số xã trở lên đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu; diện tích đất tập trung, tích tụ theo hình thức thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đạt 30% trở lên; diện tích đất có liên kết sản xuất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm đạt 60% trở lên so với tổng diện tích canh tác; mỗi huyện có 03 (trở lên) sản phẩm chủ lực có thương hiệu và thị trường tiêu thụ”.

Có thể khẳng định, trong từng giai đoạn, thời kỳ, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã có những chủ trương đúng đắn, kịp thời trong việc lãnh đạo triển khai thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh, Thái Bình trở thành một “điểm sáng” của cả nước về xây dựng NTM.

Đến sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, sáng tạo

Trong những năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể của toàn hệ thống chính trị các cấp đã nỗ lực vào cuộc, nhân dân sôi nổi đồng tình hưởng ứng. Đối với một tỉnh còn ghi đậm dấu ấn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn như Thái Bình, việc làm thay đổi nhận thức, cách làm, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ nại, phát huy những nhân tố tích cực, sáng tạo trong xây dựng NTM quả là một sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn mà vai trò lãnh đạo của Đảng ở các cấp không hề nhỏ.

Thực hiện sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Đề án xây dựng NTM để chỉ đạo triển khai ở tất cả các xã trong tỉnh; thành lập Ban chỉ đạo, 04 Tiểu ban giúp việc và Văn phòng điều phối xây dựng NTM của tỉnh; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM ở cấp huyện, cấp xã và các tổ giúp việc ở địa phương; tích cực tuyên truyền và phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM trong toàn tỉnh như vận động người dân hiến đất làm đường, đóng góp sức người, sức của, sáng kiến, kinh nghiệm…; công khai, minh bạch sự đóng góp của nhân dân; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng NTM; công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, phát triển sản xuất; ban hành và sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng NTM phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương. Đồng thời, Tỉnh ủy còn chỉ đạo các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xây dựng đề án, phê duyệt quy hoạch...

Để nắm vững thực chất và hiện trạng thực hiện xây dựng NTM của tỉnh trong mỗi giai đoạn, Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đã triển khai các cuộc kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM. Mục đích của công tác này nhằm giúp cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đánh giá đúng thực trạng, tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết để tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa, uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời khuyết điểm, hạn chế; tìm nguyên nhân và đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tiếp theo. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp cũng thường xuyên kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh phân công từng thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách các xã. Các sở, ngành, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiến hành rà soát, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, để đảm bảo chiều sâu và độ bền vững, sức lan tỏa lớn của phong trào, công tác động viên, khen thưởng, suy tôn các cá nhân và tập thể có nhiều đóng góp cho xây dựng NTM luôn được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo kịp thời. Việc làm đó đã góp phần khích lệ, cổ vũ làm tăng thêm lòng nhiệt tình, sự tin tưởng, phấn khởi của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước khi những nỗ lực cống hiến của mình được ghi nhận.

Và những kết quả khả quan

Mặc dù chặng đường trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức và cũng còn không ít những hạn chế, yếu kém nảy sinh song không thể phủ nhận những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng NTM của tỉnh Thái Bình. Bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng, các công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục…được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cao với 9,91% và thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 13,55 triệu đồng/người/năm thì hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 45,648 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,66%.

Kết quả xây dựng NTM trong giai đoạn 2011-2015 đã đạt và vượt chỉ tiêu đề ra: 154 xã đạt chuẩn NTM (vượt 84 xã và bằng 220% so với mục tiêu đề ra của Nghị quyết số 02-NQ/TU; bình quân toàn tỉnh đạt 16,5/19 tiêu chí; 01 huyện đạt chuẩn NTM). Đến nay, tỉnh ta đã có 100% số xã, 100% số huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và Thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đã được Hội đồng thẩm định Trung ương bỏ phiếu và đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận). Những kết quả đạt được đã vượt chỉ tiêu các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra cũng như chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 do Chính phủ giao. Hầu hết các mục tiêu, định hướng lớn mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra đều đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Trong những năm qua, kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng khá, bình quân 4 năm 2016 - 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 10,4%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Thái Bình là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước (sau Nam Định và Đồng Nai) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Như vậy, trong thời gian 10 năm qua (2010-2020), với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã phát huy được vai trò của các cấp ủy đảng, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự nỗ lực của nhân dân để đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng NTM. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, với sự lãnh đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn dân, nhất định Thái Bình sẽ khắc phục được những khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đã đề ra về xây dựng nông thôn mới.

ThS.Nguyễn Thị Hồng Thuận 
Phó trưởng Khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị tỉnh Thái Bình


* Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
2. Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
3. Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/04/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020;
4. Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 21/12/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
5. UBND tỉnh Thái Bình: Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020./.