Chủ nhật, 10/11/2024, 05:46[GMT+7]

Hướng tới sản xuất lúa bền vững

Thứ 2, 06/07/2020 | 09:08:40
2,401 lượt xem
Dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính Agresults” (AVERP) tại Việt Nam do Tổ chức phát triển Hà Lan quản lý được thực hiện tại Thái Bình với mục tiêu xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo.

Phần lớn lượng khí nhà kính phát thải ở giai đoạn chuẩn bị đất.

Dự án đang bước vào giai đoạn cuối - giai đoạn nhân rộng các gói công nghệ, mỗi đơn vị dự thi đều có những giải pháp riêng nhưng cùng chung mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất lúa, tăng hiệu quả kinh tế.

Trong quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp hiện nay, ngoài việc cần có các biện pháp kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả và tăng giá trị gia tăng thì vấn đề giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng. Thái Bình là tỉnh duy nhất ở Việt Nam được Ban điều hành dự án lựa chọn để triển khai thực hiện dự án AVERP trong thời gian từ năm 2016 - 2021.


Bà Trần Thu Hà, Giám đốc dự án AVERP tại Việt Nam cho biết: Dưới hình thức là cuộc thi mang tầm quốc tế nhằm khuyến khích tạo ra các gói giải pháp kỹ thuật mới trong canh tác lúa, dự án được thực hiện theo cơ chế kéo, giải thưởng sẽ được trao cho các đơn vị dự thi dựa trên cơ sở phân tích kết quả các gói công nghệ của các đơn vị dự thi đạt được do cơ quan kiểm định quốc tế đánh giá. Dự án không hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương, hộ nông dân tham gia dự án; các đơn vị dự thi có trách nhiệm liên hệ, thỏa thuận với địa phương để lựa chọn điểm tham gia dự thi. Ban tổ chức dự án sẽ xác nhận và khuyến khích mở rộng, ứng dụng rộng rãi trong sản xuất đối với các gói công nghệ cho năng suất cao, giảm phát thải khí nhà kính (CH4, N2O).


Dự án bao gồm 2 giai đoạn: thử nghiệm (gồm 2 vụ: vụ mùa năm 2017, vụ xuân năm 2018), nhân rộng (4 vụ liên tiếp, từ vụ xuân năm 2019 đến vụ mùa năm 2020). Đến nay, giai đoạn nhân rộng các gói công nghệ đã thực hiện được 3 vụ: vụ xuân, vụ mùa năm 2019 và vụ xuân năm 2020 với 4 đơn vị dự thi: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ An Đình, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty Cổ phần Giống cây trồng - Viện cây lương thực và cây thực phẩm, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền. Đánh giá về hiệu quả của dự án triển khai tại Thái Bình, ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Trưởng ban Quản lý dự án AVERP Thái Bình cho biết: Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành liên quan, qua thời gian triển khai dự án, chúng tôi thấy các đơn vị dự thi tham gia nhiệt tình, trách nhiệm, nghiêm túc; nhiều địa phương tham gia với tinh thần hợp tác, trách nhiệm cao; đặc biệt, bà con nông dân Thái Bình sẵn sàng tiếp nhận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác mới. Vì vậy, sau 3 vụ của giai đoạn mở rộng, quy mô thực hiện dự án ngày càng được mở rộng cả về số xã, số nông hộ và diện tích áp dụng các gói công nghệ. Nếu ở vụ xuân năm 2019 có 47 xã tham gia với diện tích 455ha thì đến vụ xuân năm 2020, số xã tham gia đã tăng lên 52 xã, diện tích 1.125ha với gần 10.000 nông hộ. Theo Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, nông nghiệp chiếm tới 33% tổng lượng phát thải khí nhà kính, trong đó sản xuất lúa gạo chiếm xấp xỉ 50%. Do phần lớn lượng khí nhà kính phát thải ở giai đoạn chuẩn bị đất và trồng lúa nên dự án tập trung chủ yếu vào các giải pháp giảm phát thải trong hai giai đoạn này. Các đơn vị dự thi đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến theo hướng tiết kiệm nước, giảm chi phí đầu vào; thu gom, tái sử dụng và xử lý triệt để rơm rạ. Việc gieo cấy thưa, giảm lượng giống, giảm công cấy, bón phân đủ lượng, cân đối, tưới nước theo công thức nông - lộ - phơi xen kẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng khỏe, năng suất cao, nhờ đó giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, giảm thuốc bảo vệ thực vật.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tham gia giám sát các hoạt động dự thi theo đúng quy trình của cơ quan quản lý dự án.


Ông Phạm Văn Sơn, xã Tây Lương (Tiền Hải), điểm thực hiện gói công nghệ của Công ty Cổ phần Giống cây trồng - Viện cây lương thực và cây thực phẩm chia sẻ: Trước đây, chúng tôi thường cấy 30 - 35 khóm/m2, áp dụng kỹ thuật mới của Công ty chuyển giao, chúng tôi cấy 28 khóm/m2 nhưng cây lúa khỏe, cứng cây, giảm sâu bệnh và năng suất cao. Những vụ tới, chúng tôi vẫn tiếp tục cấy mật độ này kể cả khi không còn dự án.


“Dự án triển khai trên địa bàn tỉnh là cơ hội cho các địa phương được tiếp cận, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới của các gói công nghệ, từ đó tuyên truyền, áp dụng trong chỉ đạo sản xuất tại địa phương. Các xã cũng có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nông nghiệp trong liên kết sản xuất lúa hàng hóa, ổn định đầu ra, tăng hiệu quả trong sản xuất. Đặc biệt, dự án giúp nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, hướng tới canh tác bền vững” - ông Trần Minh Hưng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Trưởng ban Quản lý dự án AVERP Thái Bình chia sẻ.

Lưu Ngần