Thứ 5, 14/11/2024, 23:29[GMT+7]

Hồn quê làng chiếu

Thứ 2, 06/07/2020 | 09:21:30
6,517 lượt xem
Dân gian quen gọi “chi lưu” của sông Hồng chảy giữa ranh giới hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên là sông Luộc, còn sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi gọi là sông Nông Kỳ và dòng sông này là một trong ba “kỳ quan” của trấn Sơn Nam.

Lớp người cao tuổi làng Bùi Xá, xã Tân Lễ (Hưng Hà) vẫn thường xuyên truyền dạy kỹ thuật dệt chiếu truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bên bờ Nam sông Luộc có một làng cổ tên nôm Hải Hồ nằm kề ngã ba sông, tục gọi là làng Hới nổi tiếng nghề dệt chiếu cói. Làng có tên chữ là Hải Triều thuộc vùng đất đa hương cương thời thuộc Hán, huyện Chu Diên thời tiền Lý, phủ Thái Bình thời tiền Lê  và  lộ Long Hưng thời Trần.

Từ thời Lê sơ (hậu Lê) làng Hải Triều thuộc huyện Ngự Thiên, phủ Tân  Hưng (năm 1601 vì phạm húy vua Lê Kính Tông (Duy Tân) nên Tân Hưng đổi gọi là phủ Tiên Hưng). Chiếu Hới nổi tiếng khắp vùng về độ bền, đẹp, óng ả và cho dù lá chiếu có tàn tạ theo thời gian thì mùi cỏ khô thơm vẫn còn vương vấn người nằm. Người ở miền xa xôi nghe tiếng chiếu cói Hải Triều cũng tìm về làng để mua chiếu nên Hải Triều được gọi là Hải Thị và dân gian truyền nhau những lời rao bán chiếu Hải Triều ngọt ngào làm say lòng người: “Em nay đi bán chiếu hoa/Chàng về nói với mẹ cha mua giùm/Giường nằm mà trải chiếu hoa/Cửa nhà sang trọng, mẹ cha vui lòng”.


Sự thật một thời “xa vắng” đã qua, người làng Hải Triều có nghề dệt chiếu “lẫy lừng” thiên hạ trong tay mà vẫn phải bươn trải ngược xuôi mới đủ sống. Dù nắng, dù mưa người làng cũng vẫn phải đi bán chiếu nuôi thân, giữ nghề. Người dân truyền cho nhau một nguyên tắc “Chiếu đã gánh đi khỏi làng, bao giờ bán hết mới về”. Vậy là “Chân đi miệng cũng... đi”, tiếng rao bán chiếu khắp vùng nghe thân thương, da diết lại cất lên: “Hoa xanh, hoa đỏ, hoa vàng/Em đi bán chiếu mời chàng đến mua/Đường dài dù nắng, dù mưa/Bán chưa hết chiếu, em chưa muốn về”. Tiếng rao bán chiếu của người nông dân sống dưới thời phong kiến, nô lệ thuở nào được người làng Hải Triều gìn giữ lưu truyền như báu vật hồn quê giờ chỉ còn trong ký ức người già. Bây giờ, thời mà “giường nệm, chiếu điều hòa”, trong cái nóng nực, oi ả của mùa hè rực lửa, ta được nghe những lời rao bán chiếu cất lên từ một góc làng quê, “chất giọng” trong trẻo một thời xuân xanh không còn, thay vào đó là âm điệu của lời rao đục khê, ngắt quãng như chìm vào dĩ vãng làng quê xưa. Lời rao ấy gợi nhớ mối tình thơ đầy oan nghiệt và cuộc gặp gỡ “thiên duyên tình sử” giữa Nguyễn Thị Lộ người con gái làng Hới với quan Thừa chỉ triều Lê, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi: “Ả ở đâu ta bán chiếu gon/Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn/Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi/Đã có chồng chưa, được mấy con?”. Và lời đối đáp thông minh của cô gái thôn quê đã đưa cô đến địa vị cao sang “Lễ nghi học sĩ” của vương triều: “Em ở Hải Hồ bán chiếu gon/Can chi ông hỏi hết hay còn/Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ/Chồng còn chưa có, có chi con”. Theo tài liệu khảo cứu, vào cuối thế kỷ thứ XV, khi tiếp thu kỹ thuật dệt chiếu bằng “go” cải tiến, chiếu Hới càng nổi tiếng hơn. Câu chuyện chiếu Hới vẫn được lưu truyền trong dân gian: Năm Tân Sửu, Hồng Đức thứ 12 (1481) đời vua Lê Thánh Tông, Quan Trạng (Phạm Đôn Lễ) đi sứ nhà Minh, qua tỉnh Quảng Tây đến vùng dân chuyên nghề dệt chiếu... đã học được kỹ thuật đem về dạy dân”. Truyền ngôn rằng chiếu ở Quảng Tây được thương nhân các nước Ba Tư ưa chuộng trên con đường tơ lụa từ thế kỷ thứ III, chiếu rất bền và đẹp, chính vì thế mà họ giữ bí mật nghề dệt quyết không truyền nghề cho người ngoài. Khi quan trạng đến nơi thấy nghề dệt chiếu cói ở đây hưng thịnh, ông nghĩ nghề này có thể làm cho người dân quê mình bớt nghèo đói, vì thế ông đã tìm cách học hỏi, truyền nghề. Biết ý định của quan cống sứ nước Nam, dân làng chiếu Quảng Tây lảng tránh nên Phạm Đôn Lễ không thể ngay lập tức “khai thác” kỹ thuật dệt chiếu của bên họ. Vốn thông tuệ hơn người, quan trạng chú ý các thao tác dệt chiếu của họ rồi ghi nhớ trong đầu, khi về trại nghỉ ông ghi chép lại và “ấp ủ” mang về nước truyền dạy cho người dân quê ông. Quan trạng nhìn thấy khung dệt của họ cũng chẳng khác khung dệt của người dân quê ông, chỉ có thêm “ngựa” đỡ sợi đay, sợi đay căng đều nên chiếu dệt nhanh, mặt chiếu phẳng đều. Hết hạn đi sứ, về đến kinh đô, sau màn chào hỏi xã giao ở triều đình, quan trạng ngày đêm mày mò làm khung dệt chiếu từ những điều ghi chép và học “mót” được ở thượng quốc chế ra go dệt chiếu, tạo khung, thêm ngựa dệt... Ông tự tay làm thử, kết quả rất mãn nguyện. Làm đi làm lại nhiều lần, thành thạo như người thợ thực thụ, quan trạng cẩn cáo triều đình cho về thăm quê rồi truyền dạy cho dân làng “cải tiến” khung dệt chiếu. Chiếu Hới nổi tiếng từ đó. Sự nổi tiếng của chiếu Hải Triều lại chính ở công việc bắt biên, người làng Hải Triều bắt biên bằng tay nên chiếu vừa đẹp vừa bền. Người mua chiếu tinh ý chỉ xem biên đã biết được chiếu tốt, chiếu xấu, câu ca: “Chiếu tốt xem biên, người hiền xem mặt”. Từ làng Hới, nghề làm chiếu đã được truyền sang các làng Bùi Xá, Thanh Triều, Xuân Trúc, Quan Khê, Kiều Thạch, Tây Xuyên, Hà Xá, Thụy Vân, Xuân Hải, Phú Hà, Phú Vật, Trung Hòa... và nhiều làng, xã trong huyện Ngự Thiên, lan sang các huyện lân cận như Quỳnh Côi, Thanh Lan, Chân Định (sau đổi thành các huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Tiền Hải nay) nhưng chiếu Hải Triều vẫn nổi tiếng trong nước. Sách “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, trong mục “Sản vật” có ghi về hai vùng sản xuất chiếu là Uông Thượng, Uông Hạ, Chu Đỗ, Mạc Xá huyện Thanh Lâm (Nam Sách, Hải Dương) và Thanh Triều, Hải Triều huyện Hưng Nhân (Hưng Hà, Thái Bình). Sách cũng thừa nhận “Chiếu Hải Triều, Thanh Triều huyện Hưng Nhân sản xuất tốt hơn cả”. Thời ấy “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” là ước vọng của nhiều người dân nhưng chỉ có một số gia đình khá giả mới thực hiện được ước nguyện ấy.


Không chỉ người Việt ưa thích nằm chiếu Hới mà người nước ngoài cũng rất ưa chuộng, người Trung Hoa có nhiều loại chiếu trúc nhưng cũng dành cho chiếu Hới một tình cảm đặc biệt. Sử sách ghi, thời nhà Thanh, nhiều thương gia người Hoa đã đến Hải Triều thuê đất, mướn nhân công lập ra những xưởng dệt chiếu, sản phẩm làm ra lại đem bán về Trung Quốc. Theo khảo luận, chiếu Hới được dệt bán sang Trung Quốc hẹp chiều ngang và cói được dệt thành chiếu cuộn dài 35m. Vào cuối thế kỷ XIX, số xưởng dệt của người Hoa đã thu hút từ 500 - 700 người và số chiếu dệt ra lúc thấp là 5.000 cuộn, lúc cao đạt đến con số 24.000 cuộn... Những xưởng dệt chiếu của người Hoa trên đất Hải Triều không còn nữa nhưng cả làng Hải Triều, cả xã Tân Lễ và hàng chục làng xã của huyện Hưng Hà vẫn duy trì nghề dệt chiếu. Nhờ nghề làm chiếu, dân làng Hải Triều và nhiều làng lân cận có hộ giàu, nhìn chung cuộc sống “thợ dệt chiếu” no đủ, làng quê trù phú, ngày đêm những âm thanh của các khung dệt vang khắp làng quê.



Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin


Xưa người làng Hới còn dệt được cả chiếu cải hoa hình rồng, phượng các loại chiếu có kích thước khác nhau đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng vừa đẹp, vừa bền, vừa tiện sử dụng. Có đủ các loại chiếu, chiếu cải, chiếu đậu, chiếu trơn, chiếu in hoa, chiếu cạp viền. Chiếu Hới đẹp nên khách thập phương đến xem hội chiếu làng Hới được mở vào dịp đầu xuân hàng năm, không ai là không muốn mua một hai đôi chiếu về dùng.

Ông Nguyễn Danh Tựu, 80 tuổi, làng Bùi Xá, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà

Làng Bùi Xá xưa cùng xã Phạm Lễ với làng Hải Triều, tổng Thanh Triều nên được thừa hưởng nghề dệt chiếu “gia truyền” của làng Hới mà cụ tổ nghề dệt chiếu “quan trạng Phạm Đôn Lễ” truyền cho. Hiện nay, nhiều hộ làm nghề dệt chiếu tại làng Bùi Xá “phất” lên trông thấy. Một số chủ hộ có xưởng dệt chiếu quy mô lớn, sản xuất chiếu xuất khẩu, nhiều hộ có thu nhập ổn định và khá giả.

Chị Nguyễn Thị Chăm, thợ dệt chiếu làng Bùi Xá, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà

Tôi sinh ra và lớn lên ở Bùi Xá, từ nhỏ bố mẹ tôi đã làm nghề dệt chiếu. Nhờ nghề dệt chiếu cói mà gia đình tôi ổn định cuộc sống. Giờ tôi đã có gia đình riêng nhưng vẫn theo đuổi nghề dệt chiếu. Tôi mong các cấp chính quyền và địa phương quan tâm hơn đến việc truyền dạy và phục dựng nghề dệt chiếu thủ công bằng go cổ truyền để tạo ra những sản phẩm thủ công truyền thống mang đậm chất văn hóa truyền thống làng nghề Việt.


Quang Viện

  • Từ khóa