Thứ 7, 23/11/2024, 17:37[GMT+7]

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thẩm tra, giám sát

Thứ 4, 08/07/2020 | 08:21:26
1,357 lượt xem
Thời gian qua, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh luôn chủ động đổi mới, tăng cường hoạt động thẩm tra, giám sát, tham mưu HĐND tỉnh hoạch định cơ chế, chính sách sát thực tế, UBND tỉnh điều hành ngân sách linh hoạt, hợp lý, hiệu quả.

HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Bao bì YFY Thái Bình (cụm công nghiệp Vũ Quý, Kiến Xương).

Để nắm bắt kịp thời tình hình chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến tài chính, ngân sách của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đặc biệt chú trọng việc lựa chọn, xây dựng chương trình giám sát, khảo sát có trọng tâm, trọng điểm. Theo ông Trịnh Quang Hiệp, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh: Thời gian qua, các nội dung ban tổ chức giám sát đều bám sát vào những vấn đề lớn, có nhiều ý kiến của cử tri và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, tập trung giám sát về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, công tác triển khai đầu tư các công trình, dự án trọng điểm, tình hình quản lý, sử dụng đất đai, tình hình mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công... Để nâng cao hiệu quả các cuộc giám sát, Ban kết hợp giữa giám sát qua báo cáo, thu thập tài liệu, tiếp thu thông tin từ báo chí, ý kiến cử tri với giám sát trực tiếp, khảo sát thực tế tại cơ sở. Tăng cường gặp gỡ trao đổi trực tiếp với người dân, đối tượng chịu sự tác động của cơ chế, chính sách, của các chương trình, dự án. Khi tổ chức giám sát, Ban mời Thường trực, các ban HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố cùng tham gia để trực tiếp giải đáp, cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu sự giám sát. Kết thúc mỗi cuộc giám sát, Ban gửi báo cáo kết quả tới Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh để UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc thực hiện kết luận sau giám sát. Do đó, các vi phạm cơ bản được xử lý kịp thời, hạn chế, tồn tại sớm được khắc phục, các công trình, dự án được đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, những công trình cấp thiết được dành vốn đầu tư nâng cấp, xây dựng...


Trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh, số lượng các báo cáo, tờ trình mà Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh chủ trì thẩm tra, giám sát rất nhiều, chiếm 60 - 70%. Một số kỳ họp, Ban phải thẩm tra, giám sát hầu hết các tờ trình như kỳ họp bất thường HĐND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 5/2020 vừa qua có tới 18 tờ trình thì Ban thẩm tra, giám sát 16 tờ trình. Ban đã chủ động lựa chọn những vấn đề quan trọng, nổi cộm, bức xúc được dư luận và cử tri quan tâm tổ chức giám sát chuyên đề. Kết luận, kiến nghị của Ban đưa ra cơ bản sát thực tiễn nên hầu hết đều được UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện. Trước kỳ họp thứ tám, HĐND tỉnh, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên nhiều cử tri đề nghị tỉnh có cơ chế, hỗ trợ tạo điều kiện cho người nông dân chuyển hướng từ chăn nuôi lợn sang con vật nuôi khác. Ban đã đi khảo sát thực tế tại một số địa phương trong tỉnh và đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng nghiên cứu đề ra giải pháp phù hợp. Tiếp thu ý kiến cử tri và đề xuất của Ban, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo. Tại kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh đã thống nhất ban hành Nghị quyết phê duyệt cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển chăn nuôi đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2019 - 2025. Có đề án, có cơ chế, chính sách hỗ trợ,  số lượng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Đến nay, toàn tỉnh có 616 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 5 con trâu, bò sinh sản hoặc 10 con trâu, bò trở lên với tổng đàn trên 13.600 con, trong đó có 92 cơ sở chăn nuôi trâu, bò đạt quy mô trang trại. Đây là cơ hội để trâu, bò trở thành một trong những đối tượng vật nuôi chủ lực của tỉnh.


Trước thực trạng đê, kè, cống xuống cấp ảnh hưởng đến công tác phòng, chống lụt, bão của tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát ở một số địa phương, đơn vị, trực tiếp khảo sát thực tế một số đê, kè, cống. Qua đó, Ban đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh bố trí ngân sách để đầu tư xử lý cấp bách một số đê, kè, cống ở một số địa phương. Đây cũng là cơ sở để kỳ họp bất thường HĐND tỉnh diễn ra vào cuối tháng 5/2020 ban hành tới 9 nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xử lý cấp bách một số kè, cống nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống lụt, bão của các địa phương. Cũng tại kỳ họp bất thường cuối tháng 5/2020, sau khi phối hợp cùng Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh đi giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số địa phương, đơn vị, qua thẩm tra các tờ trình của UBND tỉnh, Ban tham mưu HĐND tỉnh và trực tiếp biểu quyết nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết về việc hỗ trợ tổ tuần tra của huyện, thành phố và tổ tự quản tại các thôn, tổ dân phố, khu dân cư tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt cao điểm tháng 4/2020. Nghị quyết này đã được các cấp, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Ông Phạm Thúc Kháng, Bí thư Chi bộ tổ 7, Tổ trưởng tổ tự quản phòng, chống dịch Covid-19 phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình cho biết: Đối tượng được trung ương hỗ trợ không có các tổ tự quản nhưng HĐND tỉnh đã kịp thời ban hành nghị quyết về cơ chế hỗ trợ đặc thù cho chúng tôi. Dù kinh phí hỗ trợ không nhiều song đây là nguồn động viên lớn, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các thành viên tổ tự quản trong những ngày cùng cả nước chống dịch.


Với sự chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra, giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh, xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri và nhân dân.


Thu Hiền