Thứ 7, 23/11/2024, 12:45[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 13/07/2020 | 10:01:27
3,184 lượt xem

Ảnh minh họa

Người họp ngồi kín mười mấy dãy ghế luồng. Người nói toàn nói chuyện đánh du kích. Anh xã đội ở Nam Bộ nói chuyện giặc sa hầm chông. Anh du kích Bình Định kể chuyện nấp trên ngọn dừa ném lựu đạn xuống đầu giặc. Du kích Tây Nguyên bẫy đá, du kích đường 5 địa lôi đánh tàu hỏa. Chuyện giữa chợ đông, đòn gánh phang đầu giặc ở Hưng Yên. Chuyện mã tấu bắt quan ba Tây đầu hàng ở Thái Bình... Chuyện đánh du kích hay nhất ở các vùng, các tỉnh được đưa về đây báo cáo. Mỗi câu chuyện là một bài học. Du kích đánh khắp nơi, ở vùng căn cứ, ở vùng địch tạm chiếm, ở ngay trong đồn địch.
Sắp đến lượt Tuyền. “Đừng run! Cứ như là nói với cuộc họp xã nhà” - Tuyền cố trấn tĩnh.
- Mời đại biểu làng Nguyễn, vùng địch hậu Thái Bình lên báo cáo.
Tuyền đứng dậy, tim rộn lên, người nóng bừng... Giọng nói miền Trung ấm áp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cứ như nhắc đi, nhắc lại bên tai, Tuyền bước vội sợ mọi người đợi mình.
Anh Nghị giúp Tuyền viết bản báo cáo, định đọc cho khỏi thừa khỏi thiếu. Nhưng Tuyền mở báo cáo mà không nhìn. Hai trận đánh tiêu biểu của làng Nguyễn: chống cuộc hành quân Ton-nô của quân cơ động Pháp; phối hợp với làng Khuốc chống quân của hơn chục đồn giặc ở địa phương. Thuộc lòng rồi, nói cho thoải mái.
Sợ mình nói dài, chốc chốc Tuyền lại liếc nhìn đại tướng, thấy đồng chí mỉm cười gật gật. Liếc về phía người nghe, loáng thoáng thôi, Tuyền thấy họ vẫn chăm chú nhìn mình.
Tuyền nói xong, mọi người vỗ tay, kéo dài đến lúc Tuyền về chỗ ngồi mới dứt.
- Các đồng chí! - Đại tướng Võ nguyên Giáp đứng lên - Nghe đại biểu làng Nguyễn báo cáo, các đồng chí thấy thế nào?
Mọi người nhìn nhau, chưa biết trả lời sao cho đúng. Đại tướng nói tiếp:
- Đấy là một làng chiến đấu giỏi. Cả làng chiến đấu chứ không phải chỉ riêng du kích. Già, trẻ, lớn, bé, gái, trai, mọi người đều đánh giặc theo năng lực của mình. Đánh giặc cả bằng quân sự và chính trị. Tự mình đánh và phối hợp xã bạn để đánh. Đánh giặc ở vùng đồng bằng trống trải, khi có hào lũy, cũng như khi không còn hào lũy. Chi bộ Đảng bám dân bám đất trong bất cứ tình huống nào... Kinh nghiệm làng Nguyễn là kinh nghiệm hay.
Hôm sau, giữa lúc hội nghị giải lao có tin Bác Hồ đến. Bác vừa rời lưng ngựa bước xuống, mọi người ùa ra đón. Những anh du kích Việt Bắc, Tây Nguyên, những cô du kích Hưng Yên, Hải Dương nhanh chân len vào giữa, đứng ngay bên Bác. Tuyền và những người khác xúm xít chung quanh.
Bác thăm hỏi những người đứng gần. Tuyền ngây người ngắm Bác. Sau khởi nghĩa tháng Tám chưa đầy một năm, Bác đã về thăm đồng bào Thái Bình. Ngày ấy Tuyền được đi đón Bác, nghe Bác nói chuyện. Bác khuyên Thái Bình cùng cả nước làm ba việc lớn: diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm... Thái Bình làm theo lời Bác, hôm nay về đây báo cáo với Bác.
Vào hội trường, Bác nói chuyện. Bác khen những nơi có phong trào toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Những nơi tiến hành chiến tranh du kích có kết quả tốt, bảo vệ cơ sở kháng chiến, bảo vệ tính mạng tài sản đồng bào, bảo vệ thanh niên, chống âm mưu giặc lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt... Bác khen Thái Bình, tỉnh không có rừng che núi đỡ, quân và dân đoàn kết, dựa vào nhau, che chở cho nhau, cùng nhau đánh giặc lập nhiều chiến công. Bác thưởng cho Thái bình lá cờ thêu tám chữ vàng “Quân Dân một lòng tiêu diệt quân địch”. Bác hỏi:
- Đại biểu làng Nguyên Xá đâu?
Tuyền đứng nghiêm nhìn Bác:
- Cháu đây ạ!
Bác bảo Tuyền:
- Nguyên Xá xây dựng làng xóm thành pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ đánh giặc, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, tặng Nguyên Xá danh hiệu “Làng kiểu mẫu”.
Mọi người vỗ tay chung vui với Thái Bình, với Nguyên Xá. Tuyền đứng nghiêm đón lá cờ đỏ Bác trao cho... Bác nhìn Tuyền, Bác nhìn người làng Nguyễn, nhìn đồng chí chiến sĩ du kích làng Nguyễn, áo nâu, chân đất, tay súng, tay cày, giặc đốt hết làng vẫn bám làng đánh giặc...

8

Đi xa hơn hai tháng về, Tuyền thấy làng xóm khác hẳn. Những mái rạ mới đè lên những bức tường cháy sạm. Hàng trăm, hàng trăm ngọn măng nhọn hoắt, sung sức, xuyên qua bụi tre gầy guộc, như lớp lớp giáo dài chĩa lên trời thách thức. Màu xanh khỏe khoắn dồi dào vươn lên, trải ra mênh mông rộng khắp, che kín mọi vết thương lửa đạn, bom mìn trên thân mình làng Nguyễn. Màu xanh như lá chắn vạn năng giăng ra hàng hàng lớp lớp, che chở, bảo vệ người làng Nguyễn...
Tuyền bước nhanh về xóm mình. Từ đầu xóm Tuyền đã nghe tiếng đục chi chát, tiếng cưa loẹt xoẹt... Bước vào ngõ, Tuyền đứng ngẩn người nhìn cái nhà một gian hai chái, đang phủ mái rạ vàng.
- Ô kìa, anh Tuyền đã về!
Ông Soạn nhìn thấy trước reo lên.
Cụ Nghệ lom khom trét đất dẻo vào khe nứt bức tường, quay ra, mắt nheo nheo:
- Vậy là chúng tôi chậm đấy... Định làm xong tươm tất rồi anh mới về.
Ông Sen đứng choạng hai chân, cắm sào vào bó rạ phóng lên mái nhà:
- Chậm là vì chờ cụ Nghệ mở lịch vạn niên. Tránh cái ngày Hỏa.
Tuyền vẫn đứng sững chưa biết nói gì trước sự giúp đỡ của bà con làng xóm, sự giúp đỡ không báo trước và Tuyền không ngờ tới...
Ông Soạn vịn thang xuống, bước nhanh lại vuốt hai cổ tay Tuyền. Cụ Nghệ cũng bước tới, tay chùi chùi vào búi rơm:
- Đi mấy tháng cả thảy nhỉ!... Ừm... Đường xa, nắng nôi, trông sắt lại... Rót cho anh ấy bát nước đã nào.
Bưng bát nước còn phủ một lớp khói mỏng, Tuyền nhìn mái nhà:
- Các cụ giúp cho như cũ thế này cơ à?
- Nhà anh đã bé, làm bé hơn nữa sợ chật quá. - Cụ Nghệ nói - Anh uống nước khỏi nguội. Rồi kể chuyện Việt Bắc, chúng tôi nghe với... Ừ, chắc là được gặp Bác Hồ...
Năm, sáu người ngồi nghe Tuyền kể chuyện. Cụ Nghệ chốc chốc lại ừ... ừ... điểm nhịp cho câu chuyện của Tuyền. Cụ nói xen:
- Bác ở Việt Bắc, nhưng ta ở đây làm gì, Bác biết hết... Nói hay hơn lên cũng chả được, nói ít đi Bác cũng biết. Thế Bác mới khen là Làng kiểu mẫu chứ... Này chứ, các nơi cũng giỏi lắm à anh.
- Giỏi ạ! Mỗi nơi giỏi một cách.

BÚT NGỮ

Thành phố Thái Bình