Thứ 3, 19/11/2024, 13:43[GMT+7]

Trường Chính trị tỉnh Thái Bình nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu thực tế trong tỉnh của khối học viên

Thứ 2, 13/07/2020 | 14:59:52
4,615 lượt xem
Hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh Thái Bình ngày càng chứng tỏ được vị thế là một trong những cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp uy tín, chất lượng hàng đầu trong cả nước. Một trong những yếu tố tạo nên “thương hiệu” đó chính là nhà trường đã chú trọng công tác nghiên cứu tổng kết thực tiễn.

Trong những năm qua, nhằm đổi mới, nâng cao hoạt động dạy và học, nhà trường đã triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý đào tạo và quản lý kết quả học tập của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về hướng dẫn hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Từ khóa học viên K53, nhà trường tổ chức nghiên cứu thực tế trong tỉnh và ngoài tỉnh cho học viên. Đặc biệt từ đầu năm 2020, nhà trường tổ chức cho 100% học viên các khối lớp K57A, K57B đi nghiên cứu thực tế trong tỉnh với nội dung nghiên cứu phong phú, thiết thực.

Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học dự thảo kế hoạch tổ chức nghiên cứu thực tế cho từng lớp, Ban Giám hiệu phê duyệt trước thời điểm nghiên cứu thực tế ít nhất 1 tháng. Kế hoạch xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, địa điểm đi nghiên cứu công tác tổ chức, tài chính – hậu cần và các công tác có liên quan. Trên cơ sở đề xuất của Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, Ban Giám hiệu quyết định thành lập các đoàn nghiên cứu thực tế. Mỗi lớp tập trung thành lập từ 1 đến 3 đoàn. Trưởng đoàn là 01 thành viên trong ban cán sự lớp do Hiệu trưởng quyết định.

Ban Giám hiệu và người  được Ban Giám hiệu ủy quyền làm việc với lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị đến nghiên cứu thực tế để thống nhất thời gian, địa điểm, nội dung, phương thức và các điều kiện khác có liên quan khi đưa học viên nghiên cứu thực tế. Kết thúc đợt đi nghiên cứu thực tế, Trưởng đoàn xây dựng báo cáo hoạt động chung của đoàn trong thời gian nghiên cứu thực tế, nêu rõ kết quả và những việc chưa làm được, đề xuất, kiến nghị với nhà trường, địa phương, cơ quan, đơn vị những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Báo cáo có xác nhận của địa phương, cơ quan, đơn vị mà đoàn về nghiên cứu thực tế và của giảng viên trực tiếp phụ trách.

Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động tổ chức đi nghiên cứu thực tế cho học viên trong tỉnh tại các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính của nhà trường thời gian qua cũng còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế như việc sắp xếp thời gian nghiên cứu thực tế biến động do bị chi phối bởi nhiều nguyên nhân: diễn biến thời tiết, dịch bệnh, những công việc đột xuất của nhà trường, liên hệ, kết nối các địa điểm nghiên cứu thực tế… Việc phân công, sắp xếp các khoa chuyên môn và giảng viên đi nghiên cứu thực tế, theo quy định của Học viện, các lớp thành lập 2 – 4 đoàn đi nghiên cứu thực tế và do một khoa chuyên môn đảm nhiệm, mỗi đoàn phải có ít nhất một giảng viên đi phụ trách khiến cho việc điều phối lịch giảng dạy và nghiên cứu thực tế với giảng viên có lúc gặp khó khăn. Việc lựa chọn nội dung nghiên cứu thực tế phải căn cứ vào đối tượng người học cụ thể, với mỗi lớp phải xây dựng nội dung nghiên cứu phù hợp với từng đoàn và phù hợp với chuyên môn của khoa đảm nhiệm từ đó phải tìm hiểu và liên hệ địa điểm nghiên cứu phù hợp với nội dung trên trong khi lại thiếu những điển hình về lĩnh vực này. Lãnh đạo quản lý và giảng viên các khoa đa số ở độ tuổi còn trẻ, thiếu kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn nên khi xây dựng, triển khai và tổ chức chương trình nghiên cứu thực tế cũng gặp không ít khó khăn. Một số học viên chưa nắm được tầm quan trọng và chưa nghiêm túc trong khi thực hiện hoạt động nghiên cứu thực tế nên dẫn tới chưa hăng say, nhiệt tình nghiên cứu, học hỏi. Chất lượng một số báo cáo thực tế của các báo cáo viên chất lượng còn hạn chế chủ yếu mang tính chất trình bày số liệu, chưa chỉ ra được điểm mới, thiếu sự đánh giá và tổng kết kinh nghiệm.

Từ thực trạng trên, với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đi thực tế trong tỉnh của học viên trong thời gian tới, nhà trường tập trung triển khai một số một giải pháp: Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học, tham mưu cho Ban Giám hiệu chủ động xây dựng lịch trình nghiên cứu thực tế phù hợp: thời gian, địa điểm, nội dung nghiên cứu thực tế. Về thời gian, nên lựa chọn vào thời điểm có thời tiết thuận lợi, tránh thời điểm mùa vụ sản xuất hoặc có các sự kiện chính trị lớn của địa phương. Căn cứ vào lịch giảng dạy của các khoa chuyên môn để tránh ảnh hưởng đến việc điều tiết chuyên môn của khoa. Thời gian cụ thể, rõ ràng giúp học viên có điều kiện thuận lợi để sắp xếp công việc và các bộ phận phối hợp chủ động chuẩn bị các thủ tục lien quan và cơ sở vật chất để hoạt động nghiên cứu thực tế đạt kết quả tốt nhất. Căn cứ đối tượng học viên trong lớp, Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học phối hợp cùng khoa chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung nghiên cứu phù hợp từ đó xác định các địa điểm cần liên hệ. Việc xác định và lựa chọn đúng địa điểm nghiên cứu thực tế mang tính tiêu biểu, điển hình góp phần quan trọng vào kết quả của chuyến đi.

Giáo viên chủ nhiệm phối hợp cùng các bộ phận liên quan có trách nhiệm quán triệt những nhiệm vụ cần thiết của chuyến đi nghiên cứu thực tế đến học viên. Để từ đó học viên nắm được mục đích, yêu cầu và hình thức nghiên cứu thực tế, chủ động tích cực tham gia các hoạt động của đoàn, sưu tầm tài liệu để viết thu hoạch nghiên cứu thực tế. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cùng Ban Cán sự lớp cần phối hợp tốt với trưởng đoàn triển khai các hoạt động nghiên cứu thực tế, vấn đề an toàn của đoàn đi phải được chú trọng hàng đầu ...

Các đoàn cần liên hệ cụ thể, chi tiết với địa điểm đến nghiên cứu thực tế, cần trao đổi với báo cáo viên về nội dung và mục đích của chuyến đi, nhằm chuẩn bị chu đáo về nội dung báo cáo sát với nội dung nghiên cứu của đoàn, trong đó nhấn mạnh đến việc rút ra những kinh nghiệm và bài học từ thực tiễn, tránh việc đọc lại các báo cáo, các số liệu gây sự nhàm chán cho học viên.

Các khoa chuyên môn và các giảng viên được phân công đưa học viên đi nghiên cứu thực tế phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, chủ động trong trao đổi nghiên cứu thực tế, nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ học viên trong quá trình nghiên cứu thực tế; cần có định hướng cụ thể, rõ ràng về yêu cầu của bài thu hoạch nghiên cứu thực tế đối với học viên, học viên không chỉ khái quát lại được nội dung, những kết quả thu được qua chuyến đi mà còn phải đưa ra ý kiến, nhận định của cá nhân và đề xuất những giải pháp phù hợp. Tránh việc học viên làm thu hoạch một cách qua loa, giản đơn hoặc chỉ đơn thuần là chép lại các báo cáo của địa phương.

Hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên muốn đạt được chất lượng cao, phải được tiến hành một cách nghiêm túc từ nhận thức đến quá trình thực hiện, từ lựa chọn nội dung, địa điểm, đến việc triển khai, tổ chức đi nghiên cứu thực tế. Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu thực tế trong tỉnh của khối học viên ở Trường Chính trị tỉnh Thái Bình hiện nay, đòi hỏi có sự đồng thuận và hỗ trợ từ nhiều phía; trong đó nhà trường giữ vai trò then chốt trong việc định hướng, học viên giữ vai trò trung tâm của quá trình này, với học viên nghiên cứu thực tế không phải là nghĩa vụ mà là quyền lợi, là cơ hội lĩnh hội những tri thức mới.

Th.S Nguyễn Thị Ánh Tuyết

(Khoa Xây dựng Đảng)