Chủ nhật, 10/11/2024, 09:41[GMT+7]

Phấn đấu hết năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 40.000ha đất được tập trung, tích tụ

Thứ 3, 14/07/2020 | 17:09:08
1,152 lượt xem
Sáng ngày 14/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) tổ chức hội thảo tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp - kinh nghiệm thực tế và chính sách liên quan.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật báo cáo tình hình tập trung, tích tụ đất đai trên địa bàn tỉnh tại hội thảo.

Tăng quy mô đồng ruộng thông qua việc thúc đẩy quá trình thuê, góp đất trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các hộ không sử dụng hoặc không muốn sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ khác thuê là một trong những giải pháp đột phá để thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 1.497 tổ chức, cá nhân tập trung, tích tụ ruộng đất trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích 4.229,43ha. Các mô hình tích tụ ruộng đất cho thấy hiệu quả, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương; hình thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao với các thiết bị hiện đại, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị đất canh tác, đưa nông dân trở thành công nhân lao động trên chính thửa ruộng của mình. Tuy nhiên, tích tụ ruộng đất đang gặp phải nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn cần phải giải quyết bằng các chính sách, giải pháp, biện pháp cụ thể, thấu đáo, đặc biệt là vấn đề bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tích tụ đất nông nghiệp. Phấn đấu hết năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 40.000ha đất tập trung, tích tụ theo các hình thức: thuê quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, liên kết sản xuất… Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh thực hiện rà soát, tham mưu xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đối với doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; cùng các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất.

Tại hội thảo, Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi đã giới thiệu một số phương thức tích tụ, tập trung đất nông nghiệp và các chính sách liên quan; các đơn vị tham gia liên kết sản xuất: doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tích tụ ruộng đất đã chia sẻ, thảo luận những thuận lợi, khó khăn trong thực tế triển khai tích tụ, tập trung ruộng đất, đề xuất một số giải pháp phát triển nông nghiệp thời gian tới.

Ngân Huyền