Chủ nhật, 10/11/2024, 05:44[GMT+7]

Những vần thơ day dứt nỗi đau chiến tranh

Thứ 2, 27/07/2020 | 09:08:06
28,724 lượt xem
Những ngày tháng bảy - tưởng nhớ và tri ân, trong một lần gặp mặt chúng tôi được nghe những vần thơ day dứt, xót xa mà nhà thơ Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình viết về cuộc đời một người mẹ Việt Nam anh hùng nhiều vất vả, thương đau tại làng Duyên Phúc, thị trấn Hưng Hà (Hưng Hà). Trên dải đất hình chữ S này có biết bao cuộc đời những người mẹ Việt Nam anh hùng như thế, thầm lặng cống hiến và hy sinh.

Thắp hương tại phần mộ các anh hùng liệt sĩ quê hương Thái Bình tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Thành Tâm

Bài thơ “Mẹ Việt Nam anh hùng làng tôi” của nhà thơ Ánh Tuyết bắt đầu bằng những lời thơ dung dị mà đau xót:


“Mẹ chẳng còn đến ngày Tổ quốc tôn vinh.
Năm giặc Pháp vào làng, chúng bắt và làm nhục mẹ...
Rồi giết bà dưới gốc gạo… giữa mùa hoa!
Viên đạn thù còn ghim trong thân gạo đến giờ.
Tháng ba... hoa gạo đỏ đầy trời...
Rơi đỏ lối đi như máu người nhức nhối!
Hờn căm này cả làng tôi ai cũng nhớ!...”


Chia sẻ về những vần thơ kể câu chuyện cuộc đời mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lớn, làng Duyên Phúc, thị trấn Hưng Hà, nhà thơ Ánh Tuyết xúc động: Khi viết bài thơ này, tôi đã không cầm được nước mắt. Kể cả lúc ngồi chép bài thơ, mắt tôi cũng ướt nhòe bởi những bi thương mà chiến tranh gây ra cho những gia đình như gia đình mẹ Lớn. Mẹ chết bởi bị giặc Pháp sát hại, hai con trai của mẹ cũng ra đi vì khói lửa chiến trường. Chồng mẹ thì đã chết vì tai nạn trên đường đi thăm con dâu đẻ. Đau buồn thay, “Thằng đích tôn chỉ biết ăn, chẳng thèm biết đứng biết ngồi/Cháu ra đi... sau mười tám năm hành hạ mẹ”. Người con dâu ấy là chị Lụa. Nhớ ngày tuổi 20 mới về làm dâu, da chị trắng, tóc dài đen nhánh. Thế mà giờ đây, sau “tháng ngày vò võ đợi chồng, đợi em, nuôi con mòn mỏi...”, con chết, chồng và em trở về là “hai tấm bằng Tổ quốc ghi công”, chị xác xơ héo mòn “thắp nhang cho năm người đã khuất”.


Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, hiện nay chị Lụa đã được ở trong căn nhà tình nghĩa mới, khang trang, ấm áp hơn nhưng nỗi đau mà chiến tranh đã gây ra cho những thân phận, cuộc đời như chị không khi nào có thể nguôi ngoai. Khi viết bài thơ này, có một niềm khắc khoải cứ trở đi trở lại trong tâm trí của nhà thơ Ánh Tuyết, đó là chị Lụa giờ cũng đã tuổi cao, đau yếu, liệu mai này chị không còn nữa thì ai sẽ là người thay chị thắp nén nhang thơm cho gia đình mẹ Lớn… Chiến tranh đã đi xa, nhưng nỗi đau mà nó gây ra thì vẫn luôn hiện hữu và chính điều đó nhắc nhở thế hệ hôm nay không được phép lãng quên quá khứ, phải luôn trân trọng và tri ân những con người, những gia đình đã hy sinh cho cuộc sống ấm no hôm nay.


Bên cạnh bài thơ “Mẹ Việt Nam anh hùng làng tôi”, trong những vần thơ viết về nỗi đau chiến tranh, đối với nhà thơ Ánh Tuyết, nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất là bài thơ “Lời ru ngã ba Đồng Lộc”, một bài thơ thương viếng hương hồn 10 cô gái thanh niên xung phong đã nằm lại nơi mảnh đất mưa bom, đạn xới năm xưa. Trong một lần về thăm ngã ba Đồng Lộc,  nhà thơ Ánh Tuyết được lắng nghe câu chuyện trước lúc hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong cách đây hơn 50 năm, ngày 24/7/1968. 10 cô gái còn rất trẻ (từ 17 - 24 tuổi) chịu trách nhiệm san lấp hố bom để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến, với khẩu hiệu “máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”, mưa bom, bão đạn không làm khuất phục ý chí anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong. Trong bài thơ của mình, nhà thơ Ánh Tuyết viết:


Nhân gian bao cuộc luân hồi
Mười cô còn mãi hát lời trinh nguyên
Giá khi tiếng súng vừa yên
Mười cô thành những vợ hiền… mẹ yêu…
… Chuyện xưa kể đến bao giờ?
Xót niềm trẻ mãi không già… mười cô.


Những câu chuyện tình yêu, những lời hẹn ước của những nữ thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi vì đất nước còn có giặc, chuyện riêng tư đành gác lại. Ngày toàn thắng đến nhưng 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc cùng bao nữ thanh niên xung phong khác mãi mãi không trở về, gửi lại tuổi trẻ và tình yêu trên những tuyến đường.


Có niềm cảm thương sâu sắc với những thân phận người phụ nữ trong chiến tranh, từ hoàn cảnh bản thân là một người con liệt sĩ, bố hy sinh khi còn chưa chào đời, bởi vậy, nhà thơ Ánh Tuyết thấu hiểu những nỗi đau không thể nguôi ngoai của chiến tranh. Những người phụ nữ nơi khói lửa đạn bom của chiến trường chịu nhiều đau thương nhưng những người phụ nữ nơi hậu phương, tiền tuyến cũng mang nhiều thiệt thòi. Bài thơ “Ru anh” của nhà thơ Ánh Tuyết nói hộ tâm tình ấy của những người vợ liệt sĩ. Và đây cũng chính là bài thơ mà bà viết về chính người mẹ của mình:


Năm ru tháng, tháng ru ngày
Tay gầy lại nắm vai gầy… đêm đêm
Dáng em giờ chẳng còn mềm
Tóc em sợi trắng sợi đen nhiều rồi
Anh còn mãi tuổi đôi mươi
Biết làm sao xứng với người ngày xưa…
Dịu đi cái nắng gọi mưa
Ðể em ru những giấc mơ cho chồng.


Trong một cơ duyên, những vần thơ da diết của bài thơ “Ru anh” đã đến tay nhạc sĩ Trần Hoàn. Và vào một đêm trắng tại Thái Bình, ông đã phổ nhạc để “Ru anh” trở thành một bài hát với bao nhớ mong, chờ đợi của những người ở lại. Bởi vậy mà cũng trong đêm nhạc của cố nhạc sĩ tại Thái Bình, đông đảo người yêu nhạc đã được lắng lòng cùng “Ru anh” qua giọng ca tha thiết của các nghệ sĩ đến từ Ðoàn Ca múa kịch Thái Bình.
Những ngày tháng bảy, những vần thơ day dứt nỗi đau chiến tranh, về những thân phận con người mang nhiều niềm xót thương dù chiến tranh đã lùi xa, như nhắc nhở những người ở lại thêm trân quý cuộc sống hòa bình hôm nay.

Tú Anh