Thứ 6, 29/11/2024, 10:59[GMT+7]

Thúc đẩy cơ khí hóa nông nghiệp

Thứ 5, 13/08/2020 | 08:46:42
2,808 lượt xem
Sau gần 5 năm triển khai đề án tập huấn lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp do Sở Công Thương tổ chức, đã có hàng nghìn nông dân trong tỉnh được học, áp dụng vào sản xuất. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, đề án còn góp phần đẩy nhanh quá trình cơ khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp của tỉnh.

Hơn 8.000 nông dân các địa phương trong tỉnh được trang bị kiến thức về vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp.

Học xong lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp, ông Phạm Văn Phô, thôn Luật Nội Đông, xã Quang Lịch (Kiến Xương) cũng như nhiều chủ máy làm đất, máy gặt đập liên hợp của địa phương rất phấn khởi vì nắm được những kiến thức cơ bản về máy móc. 

Ông Phô cho biết: Ngày trước khi chưa được tiếp cận với những kiến thức khoa học kỹ thuật, nông dân chúng tôi không có kỹ năng vận hành, không biết bảo dưỡng nên máy móc thường xuyên bị hỏng. Bây giờ chúng tôi không còn lo mỗi khi máy làm đất hoặc máy gặt bị hỏng nữa bởi có thể “bắt được bệnh” và tự sửa chữa, thay thế phụ tùng vừa tiết kiệm được chi phí vừa duy trì công việc liên tục, đạt năng suất lao động cao và thu nhập cũng ổn định.

Không riêng ông Phô, gần 8.000 chủ máy và lao động vận hành máy cơ khí nông nghiệp trong tỉnh cũng vui mừng vì thực sự làm chủ các phương tiện sau khi tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) trực tiếp tổ chức. Việc nông dân có kiến thức vận hành và tự bảo dưỡng, sửa chữa được máy móc khi bị hư hỏng đã giúp bà con yên tâm đầu tư mua sắm phương tiện phục vụ sản xuất và làm dịch vụ tại địa phương. 

Ông Vũ Thế Tụy, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Duyên (Thái Thụy) chia sẻ: Với những kiến thức khoa học kỹ thuật tiến bộ được trang bị, nhiều hộ nông dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất của gia đình và làm dịch vụ cho bà con trong xã. Có nhiều máy móc nên địa phương cũng thuận lợi trong việc tổ chức, điều hành sản xuất đúng khung lịch thời vụ. Đặc biệt, khi nông dân trang bị máy móc sản xuất, quá trình tích tụ ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn nhanh hơn góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương và tạo ra cơ hội làm giàu cho nông dân.

Theo Sở Công Thương, sau gần 5 năm triển khai đề án tập huấn lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp phục vụ cơ khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh, đến nay đã có trên 8.000 nông dân là chủ máy, lao động vận hành máy cơ khí nông nghiệp ở hơn 200 xã trong tỉnh được trang bị các kiến thức về vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp. Nông dân có kiến thức khoa học kỹ thuật là động lực giúp họ đầu tư, khai thác có hiệu quả máy móc, tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động, tăng năng suất lao động và năng suất cây trồng, vật nuôi. Không chỉ có vậy, bà con đã thay đổi tư duy về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nhiều nông dân đã chuyển đổi việc làm từ trực tiếp thâm canh sản xuất sang làm dịch vụ nông nghiệp cũng mang lại thu nhập khá, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần cơ cấu lại lao động ở nông thôn phù hợp với chủ trương phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ nhanh, bền vững của tỉnh hiện nay.

Bà Trần Thị Diễn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương)

Đến nay, chúng tôi đã tổ chức được gần 300 lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp cho nông dân. Tổng số máy móc được hướng dẫn sửa chữa, thay thế trong các lớp tập huấn là trên 2.000 máy bao gồm máy làm đất, máy gieo hạt, máy cấy, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy gặt đập liên hợp, máy xay xát, máy sục khí, máy bơm nước... Sau các lớp tập huấn, 100% học viên biết vận hành máy móc đúng quy trình và tự sửa chữa được một số hỏng hóc thông thường của máy móc. Nông dân biết vận hành máy móc đúng quy trình còn giảm thiểu tai nạn, thương tích trong lao động, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Liêm, Chủ tịch UBND xã Quang Lịch (Kiến Xương)

Quá trình phát triển công nghiệp đã thu hút phần lớn lao động nông thôn vào các công ty, xí nghiệp làm việc dẫn tới thiếu nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp, kéo theo tình trạng ruộng đất bị bỏ hoang có chiều hướng gia tăng. Sở Công Thương tổ chức chương trình tập huấn kiến thức vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp đã giúp cho bà con yên tâm đầu tư mua sắm máy móc như máy làm đất, máy gặt, máy cấy... thay thế sức người. Chính vì vậy, có nhiều hộ chủ động thuê mượn ruộng để canh tác quy mô từ 1 - 4ha cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và giải quyết được bài toán nông dân bỏ ruộng.

Ông Phan Văn Khang, thôn Tam Đường, xã Tiến Đức (Hưng  Hà)

Năm 2014, tôi mua một máy làm đất để phục vụ sản xuất của gia đình và một số bà con trong thôn nhưng mỗi vụ tốn rất nhiều chi phí thuê thợ sửa chữa do không biết vận hành và không tự sửa được. Tham gia lớp tập huấn của Sở Công Thương tổ chức, tôi làm chủ được máy móc, ít bị hư hỏng, tiết kiệm chi phí và bảo đảm duy trì công việc thường xuyên. Thấy có hiệu quả nên tôi đầu tư thêm một máy làm đất nữa, hợp đồng dịch vụ làm đất cho hợp tác xã; bản thân gia đình tôi chủ động tham gia tích tụ ruộng cấy lúa và trồng hoa màu cũng cho thêm thu nhập, mỗi năm được gần 100 triệu đồng.


Khắc Duẩn